Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Imperial College London và Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London (Anh) thực hiện. Theo kết quả nghiên cứu, biến đổi khí hậu đã khiến các đợt nắng nóng ở châu Âu tăng từ 1 đến 4 độ C, làm tăng gấp 3 lần số ca tử vong liên quan đến "sóng nhiệt" trong thời gian từ 23/6-2/7.
Họ phát hiện khoảng 2.300 người có thể đã tử vong do nhiệt độ khắc nghiệt được ghi nhận trong khoảng thời gian 10 ngày trên 12 thành phố được phân tích. Con số này cao gấp khoảng ba lần so với số ca tử vong không liên quan đến biến đổi khí hậu do con người gây ra (800 ca tử vong), tương đương khoảng 65% số ca tử vong trong đợt nắng nóng do hiện tượng nóng lên toàn cầu, từ các hoạt động bao gồm đốt nhiên liệu hóa thạch.
Đây là lần đầu tiên một nghiên cứu đo lường ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các hiện tượng thời tiết cực đoan được thực hiện đối với một đợt nắng nóng. Phân tích thu thập dữ liệu ở khoảng 12 thành phố tại châu Âu. Các nhà nghiên cứu ước tính tổng số người thiệt mạng trên toàn châu Âu có thể lên tới hàng chục nghìn người.

Biến đổi khí hậu khiến nắng nóng cực đoan ngày càng nghiêm trọng hơn ở châu Âu. Ảnh: WMO.
Theo Tiến sĩ Malcolm Mistry, Phó Giáo sư tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, phần lớn những người thiệt mạng trong các đợt nắng nóng đã qua đời tại nhà hoặc trong bệnh viện, khi cơ thể họ suy kiệt do các bệnh nền như tim mạch, tiểu đường hay bệnh hô hấp.
Trong đó, số ca tử vong liên quan đến nắng nống cực đoan ghi nhận khoảng 88% người trên 65 tuổi và hơn một nửa là phụ nữ. Con số này cho thấy những người có bệnh nền là nhóm dễ bị tổn thương nhất và có nguy cơ tử vong sớm cao nhất.
Các chuyên gia cảnh báo không nên chủ quan vì không ai có thể miễn nhiễm với tác động của nắng nóng.
“Điều này cho thấy biến đổi khí hậu đang là yếu tố thay đổi cuộc chơi khi nói đến nắng nóng cực đoan, nhưng vấn đề này vẫn chưa được nhìn nhận đúng mức”, TS. Friederike Otto - Giáo sư khoa học khí hậu tại Trung tâm Chính sách Môi trường, Trường Imperial College London - cảnh báo. "Nếu chúng ta tiếp tục ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch và trì hoãn các biện pháp giảm phát thải nghiêm túc, sẽ càng nhiều người thiệt mạng".
Một nghiên cứu khác của cơ quan khí hậu EU Copernicus cho thấy, tháng 6/2025 là tháng 6 nóng thứ 5 trong lịch sử châu Âu. Trong khoảng thời gian từ ngày 30/6 đến 2/7, nhiệt độ không khí bề mặt vượt ngưỡng 40 độ C tại nhiều quốc gia, thậm chí lên tới 46 độ C ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.