Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Đắc Dũng, Phó Trưởng khoa Khoa học xã hội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Học viện với sứ mạng là trung tâm đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức mới về nông nghiệp và phát triển nông thôn và các lĩnh vực khác có liên quan; đóng góp đắc lực và hiệu quả vào công cuộc phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và hội nhập quốc tế của đất nước.

Toàn cảnh buổi Hội nghị. Ảnh: Hưng Giang.
Học viện có nhiều chính sách tạo điều kiện và hỗ trợ sinh viên trong học tập, nghiên cứu khoa học, hoạt động Đoàn, Hội và sinh hoạt. Riêng với lĩnh vực nghiên cứu khoa học, Học viện đã có những chính sách tạo điều kiện cho sinh viên, cụ thể: hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ của cán bộ, giảng viên; tăng số lượng đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên; tăng kinh phí cho đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên và nhiều hoạt động khác. Hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học là một trong ba đề án lớn Học viện giao cho Đoàn Thanh niên Học viện triển khai.
Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2025 có ý nghĩa truyền thông, quảng bá các sự kiện khoa học và công nghệ của đơn vị; tổng kết hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2024 và lựa chọn một số công trình tiêu biểu của sinh viên để gửi tham dự Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Học viện; phát động phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2025.
Chia sẻ tại hội nghị, em Nguyễn Giang Hương, sinh viên khoa Khoa học xã hội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đại diện cho nhóm nghiên cứu trình bày đề tài “Nguyên nhân di cư của lao động xuyên biên giới Việt - Trung”. Địa bàn nghiên cứu tại xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Theo em Nguyễn Giang Hương, di cư quốc tế là một vấn đề toàn cầu tồn tại từ lâu, hiện nay đã trở thành xu hướng đáng chú ý trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ. Số lượng người di cư quốc tế tăng đáng kể trong các thập kỷ qua, với ước tính 281 triệu người vào năm 2020, tương đương 3,6% dân số thế giới (IOM, 2022).
Tại Việt Nam, đặc biệt là các vùng biên giới như Lào Cai, lao động di cư ngày càng phổ biến. Việc nghiên cứu cụ thể nguyên nhân di cư của lao động vùng biên giới Việt - Trung là cần thiết, nhằm cung cấp giải pháp hiệu quả cho các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững...
Tại hội nghị, sinh viên tham dự sẽ có cơ hội giao lưu, đặt câu hỏi trực tiếp với các giảng viên, nghiên cứu sinh và thành viên trong các nhóm nghiên cứu. Đây là dịp quan trọng giúp sinh viên mở rộng kiến thức, đào sâu các chủ đề chuyên môn đang theo đuổi, đồng thời rèn luyện kỹ năng đặt vấn đề và thảo luận học thuật.
Trong cùng ngày 16/5, Học viện Nông nghiệp cũng cho ra mắt CLB Khoa học Pháp lý. Theo TS. Trần Lê Thanh, Trưởng khoa Khoa học xã hội, CLB là cầu nối để sinh viên giao lưu, học hỏi với các chuyên gia, giảng viên, và những người cùng đam mê nghiên cứu pháp luật. Qua đó, các thành viên có thể xây dựng và mở rộng mạng lưới hỗ trợ học thuật và nghề nghiệp trong tương lai. Ngoài ra, CLB giúp thành viên tham gia được gặp gỡ, giao lưu với các giảng viên, chuyên gia, luật sư và những người cùng hoạt động trong ngành Luật.

Ra mắt CLB Khoa học Pháp lý. Ảnh: Hưng Giang.
Cùng đó, thông qua các hoạt động như phiên tòa giả định, các cuộc thi tranh luận, và hội thảo chuyên đề, CLB sẽ tạo cơ hội để sinh viên vận dụng kiến thức vào các tình huống thực tế, tăng khả năng áp dụng pháp luật vào đời sống...