Từ ngày 25 đến 27/7/2025, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy ra mưa lớn kéo dài trên diện rộng, gây lũ, sạt lở đất và ngập úng tại nhiều địa phương. Thiên tai đã gây thiệt hại về nhà ở, hạ tầng giao thông, sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.
Theo số liệu từ hệ thống đo mưa tự động Vrain.vn, lượng mưa ghi nhận tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Điện Biên đạt ngưỡng rất to như: Luân Giới ghi nhận lượng mưa 135,6mm, Na Sang 82,4mm, Mường Mươn 61,8mm.

Mưa lũ gây thiệt hại ở xã Mường Luân, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Văn Nam.
Lượng mưa lớn đã gây lũ, sạt lở đất và ngập úng tại các xã: Nà Hỳ, Nậm Kè, Quảng Lâm, Phình Giàng, Xa Dung, Mường Ảng, Mường Mùn, Mường Tùng, Sáng Nhè, Tủa Chùa, Na Sang, Mường Phăng, Tìa Dình, Sính Phình, Mường Luân và phường Mường Lay. Nhiều khu vực bị ngập úng; các tuyến đường giao thông, taluy hai bên đồi, núi xảy ra sạt lở, chia cắt.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đến hết ngày 27/7, đã có 2 người bị thương tại xã Mường Luân. Toàn tỉnh có 37 nhà bị ảnh hưởng, trong đó có 22 nhà sạt lở, hư hỏng nặng; 8 hộ dân phải di dời khẩn cấp; 7 hộ có nguy cơ sạt lở.
Về nông nghiệp có 4,49 ha lúa bị ngập úng, cuốn trôi; 0,25 ha ao cá bị mất trắng, ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều hộ gia đình. Ngoài ra, mưa lũ đã gây ra sạt lở hơn 4.000 m³ đất đá xuống các tuyến đường, làm tắc nghẽn giao thông cục bộ tại nhiều khu vực miền núi. Có tới 504m đường bị hư hỏng tại 27 điểm khác nhau, gây khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa và triển khai cứu trợ. Hạ tầng thủy lợi cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng với 22 mét kênh bị sạt lở, 160 mét đường ống bị cuốn trôi và 700 mét kè bảo vệ bị phá hỏng.
Nhiều tài sản công cộng và cơ sở hạ tầng thiết yếu bị ảnh hưởng. Một nhà văn hóa thôn bản bị nước cuốn trôi hoàn toàn, một trụ sở cơ quan nhà nước và một trạm biến áp bị sạt lở, hư hỏng nặng. Bên cạnh đó, một số trang thiết bị sản xuất như máy nông nghiệp bị vùi lấp trong đất đá. Ước thiệt hại ban đầu khoảng 5 tỷ đồng.

Sạt lở đất sát nhà dân tiền ẩn nguy cơ mất an toàn. Ảnh: Hoàng Châu.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các xã đã khẩn trương huy động lực lượng, tổ chức kiểm tra hiện trường, thống kê thiệt hại và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả. Lực lượng xung kích cấp xã để rào chắn các điểm sạt lở nguy hiểm, giải tỏa ách tắc giao thông tạm thời, hỗ trợ các hộ phải sơ tán.
Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, cảnh báo mưa lũ trên hệ thống loa phát thanh cơ sở, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. Nhiều tổ công tác được thành lập, trực tiếp xuống cơ sở nắm tình hình, hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa, khôi phục sản xuất.
Trước những diễn biến thời tiết còn phức tạp, ngành chức năng tỉnh Điện Biên tiếp tục yêu cầu các địa phương duy trì trực ban 24/24h, theo dõi sát mưa lũ, đặc biệt tại các khu vực xung yếu, vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ quét; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng phó với các tình huống phát sinh. Công tác hỗ trợ thiệt hại, thống kê đầy đủ để trình cấp có thẩm quyền hỗ trợ người dân cũng đang được khẩn trương thực hiện.