Chưa kịp yên chỗ, lại phải tính chuyện đi
Khu tái định cư Đồng Mốc (phường Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) là nơi bố trí cho nhiều hộ dân buộc phải giao đất, thậm chí có trường hợp phải cưỡng chế, để thực hiện dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn.
Tại đây, các hộ dân vừa mới dựng lại mái nhà, gây dựng lại cuộc sống. Thế nhưng, an cư chưa lâu, nay họ lại đối diện viễn cảnh phải tiếp tục nhường đất khi dự án đường sắt tốc độ cao được triển khai.
Chủ tịch UBND phường Đức Phổ Trần Ngọc Sang nhận định: “Nếu giữ nguyên hướng tuyến hiện nay, hàng chục hộ dân ở Đồng Mốc có thể phải tiếp tục di dời. Điều này chắc chắn gây xáo trộn tâm lý, áp lực tài chính và ảnh hưởng lớn đến đời sống".

Khu tái định cư Đồng Mốc là một trong số các khu tái định cư phục vụ dự án cao tốc Bắc- Nam, đoạn Quảng Ngãi- Hoài Nhơn. Ảnh: Võ Hà
Tình cảnh này không chỉ dừng lại ở Đồng Mốc. Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, khi đi qua Quảng Ngãi, một số khu tái định cư khác vừa hình thành để phục vụ cao tốc, như Hành Thuận (xã Nghĩa Hành) hay Điền An (xã Nghĩa Giang), cũng nằm trong phạm vi quy hoạch tuyến đường sắt tốc độ cao. Nghĩa là, nhiều hộ dân ở đó cũng đứng trước nguy cơ phải rời đi lần thứ hai trong thời gian ngắn.
Hàng loạt vướng mắc khác từ hướng tuyến
Không chỉ bất cập về tái định cư, hướng tuyến hiện nay còn đi qua nhiều khu vực nhạy cảm như di tích Địa đạo Hiệp Phổ Nam, một số trụ sở hành chính, nghĩa trang liệt sĩ, trường học và chợ của địa phương. Tuyến đường cũng cắt ngang hai hồ chứa nước lớn ở huyện Bình Sơn, đặt ra lo ngại về an toàn nguồn nước và cảnh quan.
Vị trí nhà ga depot được đề xuất lại nằm giữa khu dân cư đông đúc và chồng lấn với một nhà máy chế biến thủy sản đang hoạt động ổn định. Điều này khiến việc tổ chức giao thông kết nối, giải phóng mặt bằng trở nên khó khăn, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của người dân và sản xuất trong khu công nghiệp.

Theo báo cáo tiền khả thi, dự án đường sắt tốc độ cao sẽ đi qua Khu tái định cư Đồng Mốc. Ảnh: Võ Hà
Không dừng ở đó, tuyến đường sắt còn chồng lấn với một số hạng mục của cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn tại xã Mộ Đức, đặc biệt đoạn qua hầm số 1, chỉ cách các hầm số 2 và 3 từ 100–150 mét, đồng thời cắt ngang hai nút giao lớn phía Nam Quảng Ngãi, tiềm ẩn nguy cơ xung đột hạ tầng.
Trước hàng loạt bất cập, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã kiến nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu điều chỉnh cục bộ hướng tuyến ở các vị trí chồng lấn hoặc chưa phù hợp, nhằm hạn chế chi phí giải phóng mặt bằng, tránh xung đột hạ tầng và giảm thiểu ảnh hưởng tới người dân.
Đáng chú ý, tỉnh đề xuất dịch vị trí ga về phía Nam khoảng vài km, sang khu vực giáp ranh giữa phường Nghĩa Lộ và xã Nghĩa Giang – nơi chủ yếu là đất nông nghiệp, thuận lợi cho việc kết nối giao thông, có quỹ đất xây dựng ga và phù hợp định hướng phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng.

Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao bộc lộ nhiều bất cập. Ảnh: Võ Hà.
Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Phúc Nhân cho biết, sở đang phối hợp với Ban Quản lý dự án đường sắt và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Xây dựng để rà soát thực địa, đối chiếu hồ sơ và tiếp tục kiến nghị điều chỉnh hướng tuyến, vị trí ga.
Mục tiêu là giảm bớt việc tái định cư chồng tái định cư, tránh băng cắt qua khu dân cư, khu di tích và đảm bảo tiến độ chung của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đoạn qua Quảng Ngãi.