Nỗi lo sạt lở
Trở lại xóm núi thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, nay là phường Nam Nha Trang vào những ngày giữa tháng 7 này, chúng tôi vẫn cảm nhận được sự bất an hiện hữu. Nhiều căn nhà bị sập năm xưa vẫn còn đó như một lời nhắc nhở đau lòng về sức tàn phá của trận lũ quét, sạt lở đất xảy ra vào tháng 11/2018.

Nhiều căn nhà bị sạt lở, hư hỏng năm xưa vẫn còn dấu tích. Ảnh: Kim Sơ.
Bà Lê Thị Đạt, 77 tuổi, hiện sống một mình trong căn nhà lụp xụp, chia sẻ với chúng tôi về những đêm mất ngủ mỗi khi trời nổi mưa to, gió lớn. Bà cho biết vào mùa mưa, nếu có mưa to, gió lớn hoặc bão, bà con trong xóm phải di dời xuống nhà văn hóa vì chính quyền địa phương không cho phép ở lại đây để đảm bảo an toàn. Bà Đạt cũng giải thích địa hình nơi đây như một thung lũng, gió thường thốc vào rồi quật lại khiến bà con rất sợ hãi.
Rút kinh nghiệm từ vụ sạt lở, hằng năm vào mùa mưa bão, khi có mưa lớn, chính quyền địa phương lại thông báo và di dời bà con đến nhà văn hóa thôn dưới chân núi. Đến khi mưa ngớt, bà con mới quay về nhà để đảm bảo an toàn tính mạng.
Bà Tạ Thị Dương, người đã gắn bó với xóm Núi từ năm 2010, không thể giấu nổi sự xót xa mỗi khi nhắc về vụ sạt lở năm xưa. Bởi lẽ, trận thiên tai ấy không chỉ gây ra những mất mát lớn về người và của mà còn để lại vết thương sâu sắc trong lòng mỗi người dân.
Giờ đây, mọi người đang cùng nhau cố gắng hàn gắn và xây dựng lại cuộc sống, nhưng dấu ấn trong tâm hồn vẫn chưa phai mờ. Bà Dương bày tỏ nguyện vọng chung của bà con rằng, mong chính quyền các cấp xem xét, giải quyết cho người dân nơi đây, đưa ra biện pháp cụ thể về việc di chuyển dân cư. Còn nếu không di dời dân đi thì cần chỉnh sửa lại suối để đảm bảo dòng chảy, an toàn cho người dân, cũng như đầu tư điện, nước.

Bà Dương mong muốn chính quyền có giải pháp cụ thể để bàn con yên tâm ổn định cuộc sống. Ảnh: Kim Sơ.
Mong chờ giải pháp đồng bộ của chính quyền
Không chỉ đối mặt với nguy cơ sạt lở, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của bà con xóm núi cũng đầy khó khăn. Là khu dân cư tự phát, nằm bên sườn núi Hòn Rớ, nơi đây không được tiếp cận điện, nước sinh hoạt từ nhà nước. Hiện bà con phải dùng điện nước của tư nhân nên giá rất cao, từ 20.000 đồng/m3 nước; điện 6.000 đồng/kWh. Với phần lớn bà con làm lao động tự do và làm biển, mức chi phí này là gánh nặng không nhỏ, càng khiến cuộc sống vốn đã chật vật lại càng khó khăn hơn.
Ông Hoàng Văn Đạt, Trưởng thôn Thành Phát, cho biết, hiện nay, xóm núi có khoảng trên dưới 180 hộ dân. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân trong mùa mưa bão, chính quyền luôn theo dõi thời tiết, thông báo kịp thời để bà con chủ động di dời đến nơi an toàn.
Tuy nhiên ông Đạt bày tỏ, đây chỉ là giải pháp tạm thời, không thể giải quyết gốc rễ vấn đề. Ông Đạt cũng cho biết tất cả hộ dân trên xóm núi hiện đang ở không đúng quy hoạch, đất đai không hợp pháp, không có sổ sách hay giấy tờ.
“Do điều kiện kinh tế quá khó khăn, bà con không đủ tiền mua đất hay chung cư nên đành sống tạm bợ trên khu vực này. Mong muốn của người dân là làm sao nhà nước quan tâm ổn định chỗ ở. Còn nếu chưa có phương án nào cụ thể thì ít nhất cũng nên ổn định điện, nước và đường đi lại cho bà con”, ông Đạt chia sẻ.

Cuộc sống người dân ở xóm núi vẫn còn khó khăn. Ảnh: Kim Sơ.
Qua trò chuyện, chúng tôi cảm nhận cuộc sống của bà con xóm núi vẫn còn đó những bộn bề lo toan. Hơn lúc nào hết, họ cần sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời và những giải pháp bền vững từ các cấp chính quyền để không chỉ vượt qua nỗi ám ảnh thiên tai, mà còn thực sự an cư, lạc nghiệp.
Để giải quyết căn bản vấn đề này, thiết nghĩ cần có những giải pháp đồng bộ từ các cấp chính quyền. Trong đó, việc xác định rõ ràng các vùng nguy hiểm để có kế hoạch di dời phù hợp là bước đi đầu tiên và quan trọng nhất. Cùng với đó, cần có chính sách hỗ trợ kịp thời về đất đai, nhà ở và tạo điều kiện cho bà con ổn định cuộc sống tại nơi ở mới hoặc phát triển kinh tế tại chỗ nếu không thể di dời. Chỉ khi đó, người dân xóm núi mới có thể thực sự thoát khỏi vòng luẩn quẩn của nỗi lo thiên tai và nghèo khó, hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.