Ông Xe cho biết, sản xuất lúa thương phẩm bằng phương pháp cấy khó hơn lúa sạ ở chỗ ruộng phải chủ động được nước tưới, nhưng cho năng suất cao, lúa ít đổ ngã, diệt được lúa cơi, giảm chi phí bơm nước, tiêu diệt mầm bệnh, hạn chế cỏ dại...
Mặc dù phải tốn thêm công cấy nhưng năng suất cao và giảm chi phí giống nên lợi nhuận thu được cao hơn từ 3 - 4 triệu đồng/ha/vụ so với canh tác bằng phương pháp sạ.
Ông Xe chia sẻ, nên sử dụng giống lúa xác nhận của các cơ sở sản xuất lúa giống có uy tín và chất lượng. Trước khi gieo mạ cần kiểm tra tỷ lệ nảy mầm. Nếu tỷ lệ nảy mầm trên 80% thì lúa để làm giống mới đạt chất lượng. Mầm phải mọc đều, khỏe thì mới tiến hành ngâm ủ chính thức.
Trước khi ngâm giống, nếu có điều kiện có thể phơi giống lại 1 nắng nhẹ. Lúa giống nên ngâm nước muối (15 kg muối + 100 lít nước/100 kg giống/10 phút) để loại bỏ hạt lép và xả lại bằng nước sạch.
Thời gian ngâm hạt giống trong môi trường nước sạch từ 24 - 36 giờ, sau 12 giờ ủ, nên quan sát đống ủ (xem nhiệt độ và ẩm độ đống ủ). Nếu nhiệt độ đống ủ không ấm thì nên tưới thêm nước ấm (pha theo công thức 2 sôi 3 lạnh). Khi thời tiết nắng nóng, nhiệt độ đống ủ quá nóng nên mở ra và đảo đều để giảm nhiệt (xả hơi nóng), đồng thời tưới nước sạch vào để tránh luộc mộng làm hạt giống bị chín sẽ không phát triển.
Trong điều kiện bình thường, vụ ĐX ủ từ 32 - 36 giờ, vụ HT và TĐ ủ 28 - 32 giờ, ủ sao cho rễ mầm dài khoảng 6 - 7 mm, mầm 3 - 4 mm là được.
* Chú ý: Nếu thời tiết lúc ủ se lạnh, nhiệt độ thấp nên chọn địa điểm đống ủ dưới bóng râm để có độ ấm cho môi trường ủ giống.
Trong quá trình chăm sóc, việc cung cấp nước cho cây lúa nên áp dụng phương pháp ngập - khô xen kẽ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp để phát huy hiệu quả của việc sử dụng phân bón và cũng nhằm giúp cho cây lúa cứng cây, không bị đổ ngã khi thu hoạch.
Đối với những giống có bông chùm, nhiều hạt, khi lúa trổ đều có thể bón phân urê để nuôi hạt với liều lượng 20 - 30 kg/ha, không nên sử dụng phân bón lá ở giai đoạn lúa trổ về sau.
Một điều cần lưu ý là phải phun ngừa bệnh lem lép hạt ở 2 giai đoạn: Trước khi lúa trổ 5 - 7 ngày và sau khi lúa trổ đều để có được hạt lúa vàng sáng, mẩy và để có được năng suất cao.
Với những kinh nghiệm và hiệu quả của việc áp dụng phương pháp cấy trong sản xuất lúa thương phẩm, ông Trương Văn Xe hy vọng cách làm của mình sẽ được nhân rộng nhằm góp phần thực hiện Chỉ thị của Bộ NN-PTNT về việc "Tăng sử dụng giống lúa chất lượng cao, hạt giống xác nhận và giảm lượng hạt giống gieo sạ tại các tỉnh Nam bộ" và ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng về việc "Từng bước giảm lượng giống lúa gieo sạ theo theo tình hình thực tế của địa phương".