Báo cáo “An ninh lương thực và nguồn cung rau quả tươi của Vương quốc Anh: Rủi ro và cơ hội trong bối cảnh khí hậu biến đổi” do Công ty tư vấn bền vững Aethr Associates phối hợp với Hiệp hội Nông sản Tươi công bố vào 22/7, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ gián đoạn nghiêm trọng nguồn cung thực phẩm tươi sống tại Anh nếu các nhà nhập khẩu không chủ động ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Năm 2024, Anh phải nhập tới 47% rau và 84% trái cây, phụ thuộc nặng nề vào điều kiện sản xuất nông nghiệp ở các quốc gia khác.

Nguồn cung rau quả nhập khẩu vào Anh bị gián đoạn do hạn hán và nắng nóng ở các nước xuất khẩu. Ảnh: Bloomberg.
Với năm 2023 là năm nóng nhất từng ghi nhận, còn ngày 22/7/2024 là ngày nóng nhất toàn cầu trong lịch sử, báo cáo cho rằng những đợt nắng nóng, hạn hán và lũ lụt cực đoan ngày càng trở thành “bình thường mới” ở các vùng cung cấp thực phẩm cho Anh. Phân tích của hãng tư vấn Aethr Associates phối hợp với Hiệp hội Nông sản Tươi (Fresh Produce Consortium) cho thấy 64% rau quả nhập khẩu của Anh đến từ chỉ 10 quốc gia, những nơi nhiệt độ trung bình dự báo tăng 16% vào năm 2050.
Đặc biệt, Tây Ban Nha là nơi có nguồn cung rau quả lớn nhất cho Anh, có thể sẽ chứng kiến số ngày “nắng nóng” (nhiệt độ trung bình 24 giờ vượt 35°C) tăng từ 9 lên 20 ngày mỗi năm. Ở Peru, số ngày nắng nóng thậm chí tăng vọt 1000%, từ 1 lên 11 ngày/năm. Đáng lo ngại hơn, đến năm 2050, 72% sản lượng rau quả từ 10 nước này sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp khả năng thu hoạch và đẩy giá cả lên cao.
Xu hướng ăn uống đa dạng, cùng nhu cầu sử dụng thực phẩm quanh năm đã khiến chi tiêu nhập khẩu rau quả của Anh lên gần 10 tỷ bảng mỗi năm. Đáng chú ý, trong 5 năm qua, lượng mua rau quả từ các nước thiếu nước nghiêm trọng đã tăng tới 43%. Các loại trái cây nhiệt đới như bơ, xoài, dứa ngày càng phổ biến nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro nguồn cung do biến đổi khí hậu.
Theo ông Richard Bonn, người đồng sáng lập Aethr Associates, việc phụ thuộc vào những vùng sản xuất đang chịu áp lực nước sẽ dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa và giá thực phẩm biến động như từng xảy ra gần đây. Báo cáo khuyến nghị các nhà nhập khẩu cần chủ động đánh giá rủi ro, phối hợp cùng nhà cung ứng để xây dựng các giải pháp thích ứng như tăng cường trữ nước, phát triển giống cây chịu hạn, củng cố hệ thống chống lũ và đổi mới công nghệ.
Đại diện Hiệp hội Nông sản Tươi nhấn mạnh: “Biến đổi khí hậu đã và đang làm thay đổi toàn bộ ngành thực phẩm tươi sống, từ điều kiện trồng trọt khắc nghiệt hơn cho đến đứt gãy chuỗi cung ứng.” Các chuyên gia cho rằng chỉ khi doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách đưa rủi ro khí hậu vào chiến lược phát triển, an ninh lương thực mới có thể được bảo vệ lâu dài.