Những con số biết nói
Trong những năm gần đây, thiên tai đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, từ 2015 đến nay, thiên tai đã khiến gần 300 người chết, 20 người mất tích, 285 người bị thương; hơn 3.400 ngôi nhà bị đổ, sập hoàn toàn; 44.573 nhà bị hư hỏng; 53.061 ha lúa, hoa màu bị mất trắng; 22.626 con gia súc bị chết; 1.457 lượt công trình hạ tầng bị hư hỏng. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 4.242 tỷ đồng.

Thiên tai xảy ra tại Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai vào tháng 9/2024 đã san phẳng cả một ngôi làng và làm 60 người chết, 7 người mất tích và 17 người bị thương. Ảnh: Bích Hợp.
Riêng năm 2024, Lào Cai hứng chịu hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra làm 144 người chết, 12 người mất tích, 106 người bị thương; thiệt hại trên 19.000 ngôi nhà và hơn 10.000 ha sản xuất nông - lâm nghiệp.
Huyện Bảo Yên nơi bị ảnh hưởng lớn nhất của tỉnh Lào Cai năm 2024 với 75 người chết, 47 người bị thương, 7 người mất tích, hư hỏng 3556 ngôi nhà, 3.398,42 ha diện tích đất nông nghiệp bị thiệt hại, 40.293 con gia xúc gia cầm và 387 công trình bị thiệt hại. ước tính thiệt hại do thiên tai gây ra là 1.751 tỷ đồng.
Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (Lào Cai) trong những ngày tháng 9/2024 là tận cùng khốc liệt của thiên tai. Chỉ trong vòng 1h đồng hồ, một trận lũ quét cuốn trôi cả một ngôi làng với 40 hộ dân, 168 nhân khẩu làm chết 60 người, mất tích 7 người và 17 người bị thương.

Trận lũ lịch sử khiến nước sông Hồng dâng cao gây ngập lụt hàng nghìn ngôi nhà tại thành phố Lào Cai vào tháng 9/2024. Ảnh: Bích Hợp.
Mặc dù trận lũ lịch sử ấy đã đi qua được hơn 8 tháng nhưng với những người dân Làng Nủ nó vẫn còn rất gần bởi những mất mát đau thương, bởi những chia cắt không gì bù đắp nổi.
Khi thiên tại xảy ra, tài sản và tính mạng của người dân bị đe doạ, giao thông bị tê liệt ở nhiều tuyến đường huyết mạch, gây gián đoạn nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất. Những con số ấy không chỉ là thiệt hại vật chất mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh về biến đổi khí hậu và sự cấp thiết của công tác phòng chống, ứng phó thiên tai một cách bài bản, hiệu quả hơn tại địa phương.
Chính quyền vào cuộc - Hành động từ gốc rễ
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phòng chống thiên tai, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch trong công tác phòng chống thiên tai nhằm triển khai 7 nhiệm vụ. Trong đó, đáng chú ý là việc nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; từng bước chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ vào phòng chống thiên tai.

Lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Ảnh: Bích Hợp.
Ngoài ra, tỉnh Lào Cai cũng đã đầu tư xây dựng hệ thống trạm đo mưa tự động, trạm thời tiết tổng hợp và các phần mềm dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Môi trường đang quản lý 50 trạm đo mưa tự động, 3 trạm thời tiết tổng hợp, kết hợp với Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh Lào Cai có 9 trạm quan trắc khí tượng thủy văn thuộc mạng lưới trạm quốc gia, 95 trạm đo tự động, 2 trạm ra đa thời tiết và các phần mềm dự báo, cảnh báo thời tiết, phần mềm phân tích, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất.
Song song với đó tỉnh Lào Cai còn nâng cao nhận thức cộng đồng về hậu quả thiên tai, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng chống thiên tai được tỉnh Lào Cai thực hiện dưới nhiều hình thức như Zalo, pano, áp phích, truyền thông cơ sở, tuyên truyền lưu động. Tỉnh cũng tổ chức các lớp tập huấn, diễn tập, tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng.

Lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai giúp dân di chuyển đồ đạc khi lũ ập tới. Ảnh: Bích Hợp.
Đồng thời, xây dựng cộng đồng an toàn chủ động sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị, vật tư, y tế, nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm trước mùa mưa, bão. Các cấp ngành tổ chức cập nhật thông tin về diễn biến thiên tai; tăng cường đầu tư trang thiết bị; tuyên tryền, vận động người dân chuẩn bị mọi điều kiện, phương tiện kỹ thuật, nhu yếu phẩm thiết yếu để phòng ngừa, ứng phó với mưa,bão,...; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”.
Đặc biệt, công tác rà soát, sắp xếp di dời dân cư vùng thiên tai luôn được Lào Cai quan tâm.Tỉnh Lào Cai đã chủ động bố trí quỹ đất, kinh phí để di dời các hộ dân bị ảnh hưởng ra khỏi vùng thiên tai trong thời gian sớm nhất.

Nước sông Hồng dâng cao gây ngập lụt nhiều tuyến đường tại thành phố Lào Cai. Ảnh: Bích Hợp.
Ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lào Cai cho biết: "Chúng tôi chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Việc tuyên truyền được thực hiện dưới nhiều hình thức để người dân nâng cao được nhận thức, kỹ năng phòng chống thiên tai trong cộng đồng"
Phòng chống thiên tai tại Lào Cai không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành và cộng đồng dân cư sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, công tác này cần được tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới và sáng tạo hơn nữa để bảo vệ cuộc sống và tài sản của người dân.