Xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn
Trong những năm gần đây, diện mạo ngành nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều đổi thay tích cực với sự xuất hiện ngày càng nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, trải dài từ cây ăn quả, gỗ rừng trồng, lúa gạo, cà phê đến thủy sản. Những vùng nguyên liệu này góp phần không nhỏ vào thành tựu chung của ngành nông nghiệp.

Sầu riêng Việt Nam hồi năm 2024 từng vượt qua Thái Lan, chiếm tới 57% thị phần sầu riêng ở Trung Quốc. Ảnh: Ngọc Khanh.
Tuy nhiên, không ít vùng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập: thiếu liên kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, chưa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, sản phẩm chưa có thương hiệu, không truy xuất được nguồn gốc, chi phí sản xuất cao, hiệu quả đầu tư thấp, hợp tác xã (HTX) chưa phát huy vai trò là “bệ đỡ” cho nông dân và doanh nghiệp.
Nhận thức được vai trò then chốt của việc xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn nhằm phục vụ chế biến và tiêu thụ hiệu quả hơn, nhất là đối với thị trường xuất khẩu, ngày 25/3/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ chế biến và tiêu thụ giai đoạn 2022 – 2025, theo Quyết định số 1088/QĐ-BNN-KTHT.
Đề án được triển khai tại 13 tỉnh từ Bắc vào Nam, tập trung vào các sản phẩm chủ lực như cây ăn quả, lúa gạo và gỗ rừng trồng.
Sau gần ba năm triển khai, năm vùng nguyên liệu thí điểm đã cơ bản hình thành và bước đầu cho thấy những kết quả tích cực: diện tích mở rộng, chất lượng hoạt động được nâng cao, chi phí nguyên liệu giảm từ 15 - 20%, qua đó tăng khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Đặc biệt, mô hình liên kết giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp được củng cố và phát triển bền vững theo chuỗi giá trị.
Thực tế này cho thấy việc phát triển vùng nguyên liệu hàng hóa quy mô lớn không chỉ là hướng đi đúng đắn mà còn là điều kiện cần để nâng cao năng suất, chất lượng, thu nhập cho nông dân và lợi thế cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản chủ lực.
Để tiếp tục phát huy thành quả, đồng thời triển khai có hiệu quả các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2025, trong đó ngành nông nghiệp và môi trường phấn đấu tăng trưởng trên 4%, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 65 tỷ USD, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành Kế hoạch đẩy nhanh thực hiện, đánh giá kết quả Đề án thí điểm và xây dựng đề xuất nhân rộng mô hình trong giai đoạn 2026 – 2030.
Từ thí điểm đến mở rộng toàn quốc
Theo Kế hoạch, mục tiêu chung đến năm 2030 là phát triển các vùng nguyên liệu quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến và xây dựng chuỗi liên kết bền vững giữa HTX với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.

Đến thăm vùng trồng vải thiều xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên (Bắc Giang), Bộ trưởng Đỗ Đức Duy trò chuyện, đồng thời gợi mở một số giải pháp đưa vải thiều hướng đến xuất khẩu. Ảnh: Khương Trung.
Đây là giải pháp then chốt để cơ cấu lại ngành nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập và đời sống người dân.
Về mục tiêu cụ thể, Bộ đặt kế hoạch mở rộng diện tích 5 vùng nguyên liệu tại 13 tỉnh tham gia Đề án thí điểm lên 1.829.161 ha (tăng mạnh so với con số 166.800 ha giai đoạn 2022 – 2025), đảm bảo 100% diện tích được liên kết sản xuất và tiêu thụ với doanh nghiệp.
Song song với đó, các vùng nguyên liệu mới sẽ được nhân rộng trên cả nước theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, đặc biệt tập trung tại các địa phương có sản phẩm chủ lực và lợi thế cạnh tranh cao.
Sự đồng lòng, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị thuộc Bộ, các Bộ ngành liên quan và chính quyền địa phương là yếu tố then chốt để giải quyết kịp thời những khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch.
Ngoài ra, việc phát triển các vùng nguyên liệu đạt chuẩn không chỉ là câu chuyện của riêng ngành nông nghiệp, mà còn là một phần trong chiến lược phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn và bền vững của đất nước. Đề án thí điểm đã cho thấy những tín hiệu tích cực, mở ra hướng đi mới trong tổ chức sản xuất nông nghiệp hiện đại.
Năm 2025 là thời điểm quan trọng để khép lại một chu kỳ thử nghiệm, đồng thời khởi động hành trình mới hướng đến mục tiêu đến năm 2030, cả nước sẽ có hệ thống vùng nguyên liệu quy mô lớn, đạt chuẩn, mang lại giá trị gia tăng cao, nâng tầm nông sản Việt trên thị trường toàn cầu.
Những nhiệm vụ trọng tâm năm 2025
Để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đề ra, năm 2025 được xác định là năm bản lề với 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm:
Đẩy mạnh truyền thông: Chia sẻ rộng rãi các kết quả, bài học kinh nghiệm từ giai đoạn thí điểm, tạo đồng thuận và lan tỏa mô hình đến nhiều địa phương.
Thúc đẩy tiến độ triển khai Đề án: Bảo đảm các nhiệm vụ giai đoạn 2022 – 2025 được hoàn thành đúng hạn, đạt chất lượng và hiệu quả cao.
Rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách: Tập trung vào hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn, bao gồm cả nông, lâm, thủy sản và diêm nghiệp.
Hướng dẫn đầu tư hạ tầng cho HTX: Tạo điều kiện thuận lợi để các HTX tham gia phát triển vùng nguyên liệu, đẩy mạnh kết nối theo chuỗi giá trị.
Xây dựng bộ tiêu chí vùng nguyên liệu chuẩn: Thiết lập hệ thống chỉ tiêu kỹ thuật, môi trường và kinh tế làm căn cứ hướng dẫn các địa phương triển khai và mở rộng vùng nguyên liệu hiệu quả.