| Hotline: 0983.970.780

Phân loại rác tại nguồn chưa ‘chạm’ được đến đa số người dân

Thứ Năm 10/07/2025 , 15:17 (GMT+7)

Dù đã có luật và lộ trình rõ ràng, phân loại rác tại nguồn vẫn chưa trở thành thói quen phổ biến trong cộng đồng dân cư.

Lỗ hổng trong phân loại rác tại nguồn

Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đặt ra yêu cầu bắt buộc về phân loại rác tại nguồn. Các văn bản hướng dẫn kèm theo cũng đã đưa ra lộ trình và chế tài cụ thể. Tuy nhiên, sau gần 4 năm triển khai, chính sách này vẫn chưa thể đi vào đời sống như kỳ vọng. Theo Báo cáo Hiện trạng Môi trường Quốc gia 2023, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị đạt 96,6%, nhưng tỷ lệ phân loại rác tại nguồn chỉ ở mức rất thấp, dưới 20%, không đạt mục tiêu 50% đề ra đến 2025.

Hình ảnh không khó bắt gặp - rác thải chưa được phân loại bị vứt bừa bãi, lẫn lộn. Ảnh: Hoàng Hiền.

Hình ảnh không khó bắt gặp - rác thải chưa được phân loại bị vứt bừa bãi, lẫn lộn. Ảnh: Hoàng Hiền.

Theo quy định hiện hành, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình phải được phân loại thành 3 nhóm: chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; và các chất thải còn lại. Luật cũng cho phép đơn vị thu gom có quyền từ chối rác không phân loại đúng cách, đồng thời áp dụng mức phạt hành chính từ 500.000 đến 1.000.000 đồng cho hành vi vi phạm.

Dù vậy, việc phân loại rác tại nguồn trong thực tế vẫn còn nhiều lỗ hổng. Một trong những nguyên nhân cốt lõi là hệ thống hạ tầng chưa đồng bộ. Nhiều nơi vẫn chưa có hệ thống thu gom và vận chuyển rác phù hợp theo từng loại, khiến rác sau khi phân loại vẫn bị đổ chung. Điều này khiến người dân mất động lực, dần trở nên thờ ơ với chính sách.

Cùng với đó, các cơ sở tái chế hiện nay chủ yếu nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu và không đủ năng lực tiếp nhận. Ngay cả những đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM, nơi lượng rác thải phát sinh mỗi ngày rất lớn, thì quỹ đất xử lý cũng rất hạn chế. Ở các địa phương nông thôn, tình hình còn khó khăn hơn khi thiếu mô hình phù hợp và nhân lực quản lý chuyên trách.

Việt Nam có hơn 90% cơ sở tái chế vận hành quy mô hộ gia đình, thủ công, công nghệ lạc hậu và thiếu an toàn môi trường (UNDP, 2020). Theo số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, tuy nhiên, chỉ 27% lượng rác này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở và doanh nghiệp.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Nguyễn Hồng Đăng, giảng viên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cho biết để biến phân loại rác tại nguồn thành thực tế thì cần rất nhiều yếu tố đồng hành. “Chúng ta đang thiếu một hệ thống thu gom và xử lý đồng bộ. Khi không có đầu ra phù hợp cho rác đã phân loại, chính sách có nguy cơ trở thành hình thức nếu thiếu hệ thống hỗ trợ đồng bộ”, TS. Nguyễn Hồng Đăng nhấn mạnh.

Một thách thức khác là việc thay đổi hành vi của người dân. Người dân cần được cung cấp thông tin rõ ràng về lợi ích của việc phân loại rác tại nguồn. Nếu không có cơ chế minh bạch và khuyến khích cụ thể, khó tạo ra sự đồng thuận. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền và hướng dẫn để người dân hiểu rõ cách phân loại, từ đó hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn.

Quy định mới - kỳ vọng mới

Để nêu cao vai trò và tạo cơ sở pháp lý cho cộng đồng dân cư trong việc giám sát và thực hiện phân loại rác tại nguồn, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã công nhận cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường. Đây được đánh giá là một điểm tiến bộ mới, bởi lần đầu tiên người dân không chỉ là đối tượng thực hiện mà còn trở thành lực lượng đồng hành và giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường ngay trong chính khu dân cư của mình.

Tại một số phường ở trung tâm Hà Nội, người dân đã thực hiện phân loại rác tại nguồn. Ảnh: Ngọc Hiệp.

Tại một số phường ở trung tâm Hà Nội, người dân đã thực hiện phân loại rác tại nguồn. Ảnh: Ngọc Hiệp.

Sự thay đổi này giúp nâng cao trách nhiệm tập thể, thúc đẩy tinh thần tự quản và tạo áp lực xã hội tích cực trong việc tuân thủ quy định phân loại rác. Khi cộng đồng cùng tham gia kiểm tra, nhắc nhở và phản ánh các vi phạm, việc phân loại rác tại nguồn sẽ không còn là hành động đơn lẻ, mà trở thành nếp sống chung.

“Trước đây, người dân chỉ là người thực hiện, còn nay họ có thể tự tổ chức các nhóm kiểm tra, giám sát, nhắc nhở các hộ vi phạm. Điều này giúp giảm gánh nặng cho chính quyền, đồng thời thúc đẩy sự đồng thuận trong cộng đồng”, TS. Nguyễn Hồng Đăng đánh giá.

Ở một số khu dân cư, việc kiểm tra định kỳ việc phân loại đã được tổ dân phố thực hiện. Thậm chí, có nơi còn công khai nhắc nhở các hộ không tuân thủ, từ đó hình thành thói quen phân loại một cách bền vững. Tuy nhiên, những mô hình này còn mang tính tự phát, chưa được thể chế hóa và phổ biến rộng rãi.

Theo TS. Nguyễn Hồng Đăng, cần có số liệu công khai về lượng rác được giảm thiểu ở từng khu dân cư, tổ dân phố. Hoặc có chính sách ưu đãi rõ ràng cho các tòa nhà, cụm dân cư phân loại tốt. Thậm chí, chính quyền địa phương nên xem xét mô hình thưởng - phạt theo cộng đồng, để tạo áp lực xã hội, thay vì chỉ trông chờ vào xử phạt cá nhân.

 “Nếu được hỗ trợ về thùng rác phân loại, truyền thông mạnh mẽ và có cơ chế khuyến khích cụ thể, cộng đồng hoàn toàn có thể trở thành tác nhân tích cực thúc đẩy phân loại rác tại nguồn”, TS. Nguyễn Hồng Đăng khẳng định.

Từ góc nhìn của chuyên gia, phân loại rác tại nguồn không thể chỉ là trách nhiệm của từng hộ gia đình riêng lẻ, mà cần một hệ sinh thái vận hành hiệu quả, từ cơ sở hạ tầng, cơ chế giám sát, đến truyền thông thay đổi hành vi và trách nhiệm của chính quyền địa phương.

“Chúng ta cần một chiến lược đồng bộ, có lộ trình rõ ràng theo từng địa phương, đặc biệt ưu tiên đô thị lớn triển khai trước. Chính sách trả phí theo lượng rác xả ra, cơ chế giám sát minh bạch và sự tham gia sâu của doanh nghiệp sẽ là các mảnh ghép không thể thiếu”, TS. Nguyễn Hồng Đăng đề xuất.

Luật đã có, hành lang pháp lý đã được xác lập. Vấn đề còn lại là hành động, là cách tổ chức thực thi để biến phân loại rác tại nguồn trở thành thói quen xã hội thay vì chỉ là một khẩu hiệu trên giấy.

Xem thêm
TP.HCM sắp xóa sổ xe xăng khỏi các app xe công nghệ

TP.HCM TP.HCM đang xúc tiến kế hoạch chuyển đổi 400.000 xe xăng sang xe điện, tiến tới xóa sổ xe xăng của tài xế công nghệ khỏi các app xe công nghệ.

Hành trình xanh của doanh nghiệp Việt

Nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã và đang từng bước thể hiện vai trò tiên phong, hành động cụ thể, bền bỉ để lan tỏa hành trình xanh.

Sơn La công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai do mưa lũ

Sơn La Mưa lớn kéo dài đã gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên một số tuyến đường.

5 Luật mới định hình tương lai khoa học công nghệ Việt Nam

Quốc hội thông qua 5 đạo luật nhằm tháo gỡ điểm nghẽn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Thanh Hóa kết thúc 26 đảng bộ huyện, thành lập 166 đảng bộ xã phường

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ 46 thống nhất kết thúc hoạt động 26 đảng bộ cấp huyện và thành lập 166 đảng bộ xã, phường mới.

Bình luận mới nhất