
Tác phẩm "Thanh niên thành đồng" của họa sĩ Nguyễn Sáng.
Nửa thế kỷ văn học nghệ thuật TP.HCM quy tụ một đội ngũ văn nghệ sĩ hùng hậu. Vì vậy, để bình chọn 50 tác phẩm tiêu biểu là một điều hết sức khó khăn trong khi có tổng cộng 9 ngành chuyên ngành tham gia đề cử gồm văn học, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, kiến trúc, múa, kiến trúc và văn nghệ dân tộc thiểu số.
Mỗi chuyên ngành đề cử 10 tác phẩm tiêu biểu. Sau đó danh sách 90 tác phẩm đề cử được công bố để công chúng bình chọn. Đây là một sự sàng lọc mang nhiều tính may rủi. Bởi lẽ, có những tác phẩm được đề cử đã xuất hiện khoảng 30-40 năm trước, thì chỉ có giới chuyên môn đánh giá cao, còn công chúng hôm nay rất ít biết đến. Và kết quả, 50 tác phẩm tiêu biểu được bình chọn cũng tạo ra sự tiếc nuối cho nhiều ứng viên khác.
Cuộc bình chọn 50 tác phẩm tiêu biểu cũng được tiến hành song song với cuộc bình chọn 50 cá nhân tiêu biểu. Tuy nhiên, cuộc bình chọn cá nhân tiêu biểu đã chấp nhận luôn cả 60 gương mặt được đề cử, còn cuộc bình chọn tác phẩm tiêu biểu thì loại bỏ 40 tác phẩm được đề cử.

Vở kịch "Dạ cổ hoài lang" được bình chọn top 50 tác phẩm tiêu biểu.
Khi đối chiếu hai danh sách bình chọn, không khó nhận ra nhiều cá nhân tiêu biểu là văn nghệ sĩ cũng có tác phẩm tiêu biểu lọt vào top 50. Ví dụ, cá nhân tiêu biểu là nhà văn Trần Bạch Đằng (1926-2007) có tác phẩm tiêu biểu là “Ván bài lật ngửa” được đạo diễn Lê Hoàng Hoa đưa lên màn ảnh, cá nhân tiêu biểu là nhạc sĩ Xuân Hồng (1928-1996) có tác phẩm tiêu biểu là ca khúc “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”, cá nhân tiêu biểu là Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Khắc (1929-2007) có tác phẩm tiêu biểu là bộ phim tài liệu “Mê Kông ký sư”, cá nhân tiêu biểu là nhà điêu khắc Diệp Minh Châu (1919-2002) có tác phẩm tiêu biểu là tượng đồng “Bác Hồ với thiếu nhi”, cá nhân tiêu biểu là Nghệ sĩ Nhân dân Kim Cương có tác phẩm tiêu biểu là vở kịch “Lá sầu riêng” do bà viết kịch bản và dàn dựng cùng đạo diễn Ngô Y Linh.

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn có tác phẩm tiêu biểu "Thành phố tình yêu và nỗi nhớ".
Việc đề cử 10 tác phẩm sau nửa thế kỷ cũng đã mang tính thử thách với các hội đồng chuyên môn. Lý do, có những tác phẩm từng xôn xao một thời, nhưng bây giờ hầu như quần chúng không nhớ đến nữa, nên yếu tố “tiêu biểu” rất mong manh. Sự đắn đo giữa tính chuyên môn và tính phổ biến cũng khá "lắt léo", ngay từ vòng đề cử.
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn thay vì đề cử ca khúc “Đất nước” hoặc ca khúc “Bài ca không quên” thì lại đề cử ca khúc “Thành phố tình yêu và nỗi nhớ”. Hoặc trường hợp nhà văn Lê Văn Thảo, thay vì đề cử tiểu thuyết “Một ngày và một đời” hoặc tiểu thuyết “Cơn giông” thì lại đề cử hồi ký “Ở R chuyện kể sau 50 năm”.

Hồi ký "Ở R chuyện kể sau 50 năm" của nhà văn Lê Văn Thảo (1939-2016).
Công chúng có sở thích riêng khi bình chọn, nên nhiều tác phẩm được đánh giá rất cao ở vòng đề cử vẫn không được vinh danh tác phẩm tiêu biểu. Chẳng hạn như tập lý luận phê bình “Ngoại vi thơ” của nhà thơ Chế Lan Viên, tiểu thuyết “Đứng trước biển” của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, hoặc ca khúc “Thành phố trẻ” của nhạc sĩ Trần Tiến.
Ở lĩnh vực kiến trúc, trong 10 tác phẩm đề cử, thì kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu (Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM kiêm Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP.HCM) có 4 tác phẩm được đề cử. Trong 5 tác phẩm được công chúng bình chọn, kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu có hai tác phẩm "Đền tưởng niệm Vua Hùng tại TP.HCM" và "Nhà thiếu nhi TP.HCM".
Đáng chú ý nhất trong 5 tác phẩm tiêu biểu được bình chọn ở lĩnh vực mỹ thuật là bức tranh sơn dầu “Thanh niên thành đồng” của họa sĩ Nguyễn Sáng (1923-1988). Được sáng tác năm 1978, tác phẩm “Thanh niên thành đồng” miêu tả cuộc đối mặt giữa một nhóm thanh niên miền Nam và các lính Mỹ.

Một bức ảnh trong "Vượt qua bóng tối" của Trần Thế Phong.
Người trẻ tuổi nhất có tác phẩm được vinh danh trong top 50 văn học nghệ thuật TP.HCM sau nửa thế kỷ thống nhất đất nước, là nhà nhiếp ảnh Trần Thế Phong (sinh năm 1969). Sách ảnh “Vượt qua bóng tối” của Trần Thế Phong đã ghi lại cuộc sống của các em học sinh khiếm thị ở Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM. Những góc ảnh hồn nhiên và lạc quan của những đứa trẻ kém may mắn, đã cho công chúng thấy được một thứ ánh sáng khác, ánh sáng của tình thương, ánh sáng của niềm tin và ánh sáng của hy vọng.