| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Trung Quốc điêu đứng vì sữa độc

Thứ Sáu 26/09/2008 , 14:53 (GMT+7)

Yang Lianying tỏ ra đăm chiêu trước chiếc bồn thép lớn mà anh và nhiều nông dân khác đã đổ đầy sữa vào buổi sáng...

Yang Lianying tỏ ra đăm chiêu trước chiếc bồn thép lớn mà anh và nhiều nông dân khác đã đổ đầy sữa vào buổi sáng sau khi rời khỏi chuồng bò. Anh cúi xuống, vặn một chiếc van màu đỏ dưới đáy bình. Một dòng sữa lạnh màu trắng phun ra.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng sữa bột đang gây chấn động khắp Trung Quốc, những nông dân như Yang buộc phải đổ bỏ sữa tươi. Nhiều người rơi vào cảnh nợ nần vì đã vay tiền để mua thức ăn cho bò sữa, nhưng lại không bán được sữa.

"Chẳng ai muốn mua sữa của chúng tôi nữa", Yang vừa quét dọn chuồng bò vừa nói.

Yang và hàng nghìn nông dân sống tại Hà Bắc, một tỉnh nằm ở phía bắc Trung Quốc, là một phần của ngành công nghiệp sữa. Nhưng một vụ bê bối khiến uy tín của ngành này sụt giảm sau khi người ta phát hiện hàng chục nhãn hiệu sữa bột chứa melamine, một chất gây sỏi thận. Hơn 54 nghìn trẻ đã mắc bệnh, trong đó có 4 trường hợp tử vong, vì uống sữa bột nhiễm độc. 22 công ty phải thu hồi sản phẩm sữa bột. Lãnh đạo cao nhất của Tổng cục Kiểm dịch, Kiểm tra và Giám sát chất lượng thực phẩm Trung Quốc từ chức để nhận trách nhiệm. Từ châu Á, cuộc khủng hoảng lan sang châu Âu, Mỹ và châu Phi.

Vụ bê bối đang đẩy nhiều nông dân vào cảnh khốn quẫn, mặc dù họ không phải chịu trách nhiệm về tình trạng sữa nhiễm độc.

Một cô gái ở Vũ Hán, Trung Quốc bật khóc sau khi đổ những xô sữa tươi do không có người thu mua. Người bố của cô ngồi trầm ngâm ở cửa

Không có người mua, người nông dân nuôi bò sữa buộc phải đổ sữa tươi hoặc bán rẻ cho những người khác trong làng. Sự lo lắng của họ dường như chưa có điểm dừng, bởi cuộc khủng hoảng đang có xu hướng lan rộng. Nhiều người nghĩ tới việc bán bò để giảm bớt thiệt hại.

Các tổ điều tra nhận định rằng, để tăng thêm lợi nhuận, một số đầu mối cung cấp đã đổ nước vào sữa tươi để tăng thể tích. Sau đó, họ pha thêm melamine vào sữa để tăng lượng nitơ (Nitơ chiếm hơn 66% trong cấu tạo của melamine). Họ làm vậy vì hàm lượng protein (đạm) trong sữa được đánh giá dựa trên hàm lượng nitơ.

Hiện người ta chưa thể xác định được việc trộn melamine được thực hiện ở khâu nào trong quy trình sản xuất sữa bột. Melamine là một chất không hòa tan trong nước. Hóa chất độc này chỉ có thể tan vào sữa sau khi nó được trộn lẫn với formaldehyde hoặc một số hóa chất khác. Các chuyên cho rằng "công nghệ trộn melamine" quá phức tạp so với trình độ học vấn của đa số nông dân Trung Quốc nên họ không thể là thủ phạm.

Không có người mua, hàng nghìn nông dân phải đổ sữa

Những nông dân ở Thạch Gia Trang, Hà Bắc cho biết, trung tâm thu mua sữa ở thành phố này từng cung cấp tới 7 tấn sữa tươi mỗi ngày cho tập đoàn Sanlu, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm trong vụ bê bối sữa bột.

Hoạt động thu mua tạm ngừng sau khi chủ của trung tâm bị bắt vì tội bán 4 gói chứa melamine cho một người nuôi bò để người này pha vào sữa tươi. Nhưng hiện chưa rõ ông ta có sử dụng melamine tại trung tâm của mình hay không.

"Những nông dân như chúng tôi đã giúp Sanlu trở thành một tập đoàn lớn như hiện nay. Nhưng nếu Sanlu phá sản vì bê bối, ai sẽ giúp chúng tôi?", một nông dân bày tỏ.

Trong màn sương mù dày đặc vào buổi sáng sớm, Ma Junxi khó nhọc đẩy chiếc xe đạp trên con đường chính của làng Nanniu tại Hà Bắc. Mỗi bên ở phía sau chiếc xe có một chiếc xô đựng sữa màu xanh dương. Tới một khoảng đất rộng, Ma đổ sữa vào các bình nhựa nhỏ để bán cho những người qua đường với giá rẻ.
Anh nói: "Tôi thà bán nó cho dân làng với giá rẻ vì ít nhất tôi có thể gỡ gạc chút tiền".

Ở một nơi khác trong làng, Zhang Yisuo đổ những sọt đựng thân cây ngô vào máng ăn dành cho 12 con bò. Anh phải chi tới 30 USD mỗi ngày để mua thức ăn cho bò và anh không bán được thùng sữa nào trong suốt 7 ngày qua. Anh buồn bã nói: "Tôi định bán lũ bò vì không có đủ tiền để nuôi chúng trong tình trạng này. Ai mà biết vụ bê bối sẽ đi tới đâu?".

Xem thêm
Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Cần có hành động thực chất để bảo tồn biển

Đây là ý kiến của các đại biểu tham gia tại Hội nghị Đại dương của chúng ta (OOC) lần thứ 10 vừa diễn ra tại Busan, Hàn Quốc.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.