Một mạng lưới tuyến đường đạp xe đã mở rộng từ 70 km lên hơn 400 km tại Fortaleza, Brazil. Một dự án tạo ra làn đường dành cho xe đạp trên mọi con phố của Paris, Pháp. Ngoài ra, còn có đường hầm dành cho người đi bộ và xe đạp dài nhất thế giới, tại thành phố ven biển Bergen của Na Uy. Đây chính là những sáng kiến đô thị mà Tuần lễ an toàn giao thông đường bộ toàn cầu của Liên hợp quốc muốn tôn vinh và thúc đẩy.

Làn đường dành cho xe đạp bên ngoài trụ sở Liên hợp quốc tại thành phố New York, Mỹ. Ảnh: UN News.
Được khởi động lần đầu tiên vào năm 2007, Tuần lễ an toàn giao thông đường bộ toàn cầu năm nay dành riêng cho chủ đề “Đảm bảo đi bộ và đi xe đạp an toàn”.
Liên quan đến chủ đề này, Tiến sĩ Etienne Krug, người đứng đầu tổ chức Hợp tác An toàn Đường bộ của Liên hợp quốc, Giám đốc bộ phận các vấn đề xã hội quyết định đến sức khỏe, Tổ chức Y thế Thế giới (WHO) cho biết: "Đi bộ và đi xe đạp nên là phương tiện di chuyển phổ biến nhất và an toàn nhất. Chúng ta cần tiếp tục các sáng kiến đô thị và chúng ta có thể làm tốt hơn".
Những con số biết nói
Vào tháng 9/2020, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết về Thập kỷ hành động vì an toàn đường bộ giai đoạn 2021-2030 và đặt mục tiêu giảm ít nhất 50% số ca tử vong do tai nạn giao thông đường bộ vào cuối thập kỷ này.
Hằng năm, có 1,2 triệu người tử vong do tai nạn giao thông đường bộ, trong đó người đi bộ và người đi xe đạp chiếm hơn 25% số ca tử vong này. Những ca tử vong trên phân bố không đều trên toàn thế giới. Thay vào đó, 90% số ca tử vong do tai nạn giao thông đường bộ xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Hơn nữa, Liên hợp quốc ước tính ít nhất 90% đường bộ trên thế giới không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn cho người đi bộ và chỉ có 0,2% đường có làn đường dành riêng cho xe đạp, khiến người đi bộ và người đi xe đạp phải đối mặt với nhiều nguy hiểm.
Trước thực tế trên, WHO cho rằng, cần có nhiều hành động hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực chính sách.
Cách tiếp cận toàn diện
Cải thiện sự an toàn của người đi bộ và người đi xe đạp mang lại lợi ích to lớn cho cộng đồng, cả về mặt sức khỏe, kinh tế và môi trường. “Đi bộ và đi xe đạp giúp con người cải thiện sức khỏe và giúp các thành phố bền vững hơn. Mỗi bước chân và mỗi chuyến đi đều góp phần giảm tắc nghẽn, giảm ô nhiễm không khí và bệnh tật”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.

Một mạng lưới tuyến đường đạp xe đã mở rộng từ 70 km lên hơn 400 km tại Fortaleza, Brazil. Ảnh: UN News.
Chẳng hạn, tại Fortaleza ở Brazil, việc mở rộng gấp hơn 5 lần mạng lưới xe đạp đã dẫn đến việc tăng 109% hoạt động của người đi bộ và làm tăng gấp đôi số lượng trẻ em chơi ngoài trời trong khu vực. Hay tại Na Uy, đường hầm Fyllingsdalstunnelen được trang trí bằng tranh tường và được bảo vệ bằng camera an ninh để giảm lượng khí thải carbon và khuyến khích đi bộ và đi xe đạp.
Để tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến như trên trong Tuần lễ an toàn giao thông đường bộ toàn cầu của Liên hợp quốc, WHO đã cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách một bộ công cụ phác thảo các sáng kiến, bao gồm việc tích hợp các sáng kiến đi bộ và đi xe đạp vào các lĩnh vực chính sách khác và xây dựng cơ sở hạ tầng rộng rãi hơn cho người đi bộ và người đi xe đạp.