| Hotline: 0983.970.780

Cần có hành động thực chất để bảo tồn biển

Thứ Sáu 09/05/2025 , 15:58 (GMT+7)

Đây là ý kiến của các đại biểu tham gia tại Hội nghị Đại dương của chúng ta (OOC) lần thứ 10 vừa diễn ra tại Busan, Hàn Quốc.

Hội nghị OOC đã thu hút hơn 100 quốc gia và hàng nghìn đại biểu tham dự. Hội nghị năm nay tập trung vào sáu lĩnh vực: khu bảo tồn biển (MPA), kinh tế biển bền vững, biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải, nghề cá bền vững và ô nhiễm biển. Tổng cộng, Hội nghị đã ghi nhận 277 cam kết mới với giá trị khoảng 9,1 tỷ USD đã được công bố — mức thấp nhất kể từ năm 2016.

Cam kết toàn cầu

Theo Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), trong giai đoạn 2014-2024, OOC đã ghi nhận 2.618 cam kết với tổng trị giá 160 tỷ USD. Tính đến tháng 1/2025, có 43% cam kết đã hoàn thành, 38% đang được thực hiện và 18% chưa bắt đầu.

Trong số các lĩnh vực được tập trung thảo luận năm nay, lĩnh vực phát triển kinh tế biển bền vững nhận được tài trợ lớn nhất - 6 tỷ USD cho 59 cam kết, bao gồm phục hồi đất ngập nước và trung hòa carbon trong ngành hàng hải. Nghề cá bền vững nhận được 51 cam kết trị giá 1,1 tỷ USD. Panama công bố sáng kiến minh bạch hóa đội tàu biển nhằm chống đánh bắt bất hợp pháp (IUU), trong khi Ghana, Cameroon và Hàn Quốc tuyên bố ủng hộ Hiến chương toàn cầu về Minh bạch nghề cá.

Trong khi đó, việc mở rộng khu bảo tồn biển (MPA) chỉ nhận được 117 triệu USD được phân bổ trong năm 2025 - mức thấp nhất trong 6 lĩnh vực. Từ năm 2014 đến nay, đầu tư vào MPA chỉ chiếm dưới 4% tổng số cam kết tài chính.

Hội nghị OOC lần thứ 10 đã ghi nhận những cam kết mới để bảo vệ đại dương. Ảnh: Mongabay.

Hội nghị OOC lần thứ 10 đã ghi nhận những cam kết mới để bảo vệ đại dương. Ảnh: Mongabay.

Thách thức lớn nhất là tiến độ thực hiện mục tiêu "30x30" của Khung Đa dạng sinh học Toàn cầu Côn Minh - Montreal: Đến năm 2030, các quốc gia phải bảo vệ ít nhất 30% vùng biển thuộc quyền tài phán của mình. Theo nền tảng MPAtlas, hiện mới chỉ có 8,3% đại dương nằm trong các khu bảo tồn biển. Nếu chỉ tính các khu bảo tồn biển được bảo vệ nghiêm ngặt, tỷ lệ này còn thấp hơn, chỉ đạt 2,7%. 

Theo ông Angelo Villagomez, nhà hoạt động đại dương người bản địa Chamorro và nghiên cứu viên cao cấp tại tổ chức Center for American Progress (Mỹ), dù đã có một số tiến bộ, nhưng với tốc độ hiện tại, thế giới phải mất tới 845 năm nữa mới đạt mục tiêu 30% đặt ra trong mục tiêu 30x30. Trước đó một năm, ông từng dự báo con số này là 880 năm, nghĩa là chúng ta chỉ mới ghi nhận sự cải thiện rất nhẹ nhờ một số MPA mới được thiết lập gần đây.

Trong khi đó, ông Lance Morgan, nhà sinh vật học biển và Chủ tịch Viện Bảo tồn Biển (đơn vị vận hành MPAtlas), nhận định nhiều quốc gia và tổ chức đang kỳ vọng vào các khu bảo tồn ngoài khơi theo hiệp ước BBNJ thay vì mở rộng diện tích khu bảo tồn biển trong vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia. Ngoài mục tiêu bảo vệ 30% lãnh hải, còn có mục tiêu rộng hơn là bảo vệ 30% vùng biển quốc tế vào năm 2030.

“Rất nhiều bên đang nóng lòng bắt đầu, nhưng chúng ta chỉ còn năm năm, và thời gian khả thi nhất để thiết lập khu bảo tồn biển ngoài khơi là từ ba đến năm năm", ông Morgan nói. “Hiện chúng ta cần có bộ quy tắc cụ thể, và sau đó sẽ cần nhiều vòng đàm phán nữa”.

Đến nay mới có 21/113 quốc gia phê chuẩn hiệp ước - cần 60 nước phê chuẩn nữa để Hiệp ước có hiệu lực. Tại hội nghị, các quốc gia như Kenya, Costa Rica, Philippines và một số nước EU tuyên bố đang thúc đẩy quá trình phê chuẩn hiệp ước. Trong đó, EU hy vọng phần lớn các nước thành viên sẽ hoàn tất quá trình này trong tháng 5.

Hành động của các chính phủ

Là nước chủ nhà OOC 2025, Hàn Quốc đã thể hiện vai trò dẫn dắt của mình khi thông qua 76 cam kết mới, nhiều nhất trong hội nghị, với tổng trị giá hơn 2,5 tỷ USD. Các sáng kiến bao gồm giảm phát thải trong ngành hàng hải, quản lý nghề cá và đầu tư vào khoa học khí hậu. Hàn Quốc cũng thông báo đã phê chuẩn Hiệp ước Biển khơi BBNJ.

Phát biểu tại họp báo sau hội nghị, Bộ trưởng Đại dương và Thủy sản Hàn Quốc Kang Do-hyung nhấn mạnh: “Với những hành động tiên phong và đầy tham vọng này, Hàn Quốc sẽ đạt được những kết quả cụ thể và chia sẻ với cộng đồng địa phương. Là một quốc gia có nền kinh tế gắn với đại dương và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Hàn Quốc cam kết nỗ lực hết sức bảo vệ đại dương của chúng ta, của toàn nhân loại”.

Tuy nhiên, các nhóm xã hội dân sự Hàn Quốc cho rằng nhiều cam kết chỉ mang tính hình thức và chưa có sự đảm bảo về nguồn lực tài chính để thực thi, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển các khu bảo tồn biển.

Thế giới cần có hành động thực chất để bảo vệ đại dương. Ảnh: Divephoto.org.

Thế giới cần có hành động thực chất để bảo vệ đại dương. Ảnh: Divephoto.org.

Về các hành động vi khí hậu, nhóm các quốc gia gồm Úc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đưa 61 cam kết, trị giá hơn 862 triệu USD. Cam kết tập trung vào tài trợ nghiên cứu, công nghệ loại bỏ CO2 và bảo vệ các hệ sinh thái hấp thụ carbon như thảm cỏ biển và rừng ngập mặn.

Trong khi đó, Mỹ  - quốc gia sáng lập OOC - đã không cử đoàn đại biểu chính thức và không đưa ra bất kỳ cam kết nào. Sự vắng mặt trên khiến Mỹ vấp phải chỉ trích từ các bên liên quan. Bà Sally Yozell, chuyên gia tại Trung tâm Stimson, cho rằng việc Mỹ tách khỏi các nỗ lực chung nói trên có thể làm suy giảm vị thế của nước này trên toàn cầu. 

Trong một tuyên bố gửi báo chí, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này vẫn đang tiến hành các cải cách trong lĩnh vực biển, viện dẫn hai sắc lệnh hành pháp được Tổng thống Trump ký hồi tháng 4. Trong đó, một sắc lệnh tập trung vào khôi phục vị thế biển và cạnh tranh thủy sản của nước Mỹ, với các điều khoản nới lỏng quy định đánh bắt và xem xét lại các khu bảo tồn biển quốc gia (một dạng khu bảo tồn biển của Mỹ) để có thể mở cửa lại cho hoạt động đánh bắt. Sắc lệnh thứ hai mở đường cho khai thác khoáng sản biển sâu, một ngành công nghiệp còn gây nhiều tranh cãi do nguy cơ tàn phá nghiêm trọng hệ sinh thái đáy biển.

Dù còn nhiều trở ngại, hội nghị năm nay vẫn được đánh giá là có những tín hiệu tích cực cho nỗ lực bảo vệ và phục hồi đại dương. Hội nghị OOC tiếp theo sẽ diễn ra tại Mombasa, Kenya vào năm 2026. Nhiều đại biểu trẻ, như ông Renz Nathaniel Luyao từ Philippines, kêu gọi thế giới bắt tay vào thực hiện các thành động cụ thể  và thực chất: “Đã đến lúc chúng ta biến cam kết của mình thành hành động thực tế”.

Tổng hợp từ Mongabay và SDG Knowledge Hub

Xem thêm
Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.