Nhiệt độ bề mặt đại dương toàn cầu hiện đang tăng nhanh hơn so với dự đoán trước đây và tốc độ này không chỉ không chậm lại mà còn đang tăng lên theo thời gian. Một nghiên cứu mới đây, dựa trên dữ liệu vệ tinh thu thập trong hơn 40 năm qua, đã chỉ ra những thay đổi rõ rệt về nhiệt độ đại dương và tác động lớn của hiện tượng này đối với hành tinh.
Nếu trong giai đoạn 1985–1989, nhiệt độ đại dương chỉ tăng khoảng 0,06°C mỗi thập kỷ, thì đến giai đoạn 2019–2023, mức tăng đã vọt lên 0,27°C mỗi thập kỷ, tức là nhanh gấp bốn lần so với trước đó. Lớp nước mỏng trên bề mặt đại dương – bao phủ hơn 70% Trái đất – đang hấp thụ nhiệt nhiều hơn rất nhiều so với khả năng phản xạ của nó.
Khí nhà kính là nguyên nhân chính

Ảnh vệ tinh mô phỏng nhiệt độ bề mặt đại dương toàn cầu, thu thập từ các cảm biến hồng ngoại và vi ba của vệ tinh thuộc chương trình ESA-CCI SST. Ảnh: Andrei Ionescu.
Để tìm hiểu nguyên nhân gây ra hiện tượng này, các nhà khoa học đã xây dựng chuỗi dữ liệu dài hạn về nhiệt độ bề mặt biển thông qua chương trình Sáng kiến Biến đổi Khí hậu của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA-CCI SST). Các chuyên gia đã sử dụng 20 cảm biến hồng ngoại từ các vệ tinh như ERS-1, ERS-2, Envisat, Sentinel-3, cùng với hai thiết bị vi ba để thu thập dữ liệu chính xác.
Dữ liệu vệ tinh được so sánh với các số liệu đo thực tế từ tàu và phao trôi nổi, đảm bảo độ chính xác cao. Sau khi có dữ liệu đầy đủ, các nhà nghiên cứu đã phân tích các yếu tố tự nhiên như phun trào núi lửa, các hiện tượng El Niño và La Niña, và chu kỳ năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, không có yếu tố tự nhiên nào có thể giải thích được xu hướng tăng nhiệt kéo dài này.
Theo các nhà khoa học, nguyên nhân chính là sự mất cân bằng năng lượng do sự tích tụ khí nhà kính trong khí quyển, như carbon và metan. Những khí này giữ lại nhiệt trong khí quyển, khiến Trái đất hấp thụ nhiều năng lượng hơn so với lượng năng lượng mà nó có thể phản xạ ra ngoài không gian.
Theo giáo sư Chris Merchant từ Đại học Reading, sự mất cân bằng năng lượng hành tinh là động lực chính đằng sau xu hướng này, và để mô hình khí hậu dự báo chính xác, chúng ta cần không ngừng theo dõi và cải thiện dữ liệu nhiệt độ đại dương.
Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì và cải tiến dữ liệu nhiệt độ đại dương để có thể dự báo chính xác hơn về xu hướng biến đổi khí hậu trong tương lai.
Hệ lụy nghiêm trọng từ sự nóng lên của đại dương
Sự nóng lên của đại dương không chỉ đơn giản là thay đổi nhiệt độ, mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với hệ sinh thái và cuộc sống con người. Nước biển ấm lên sẽ cung cấp thêm năng lượng cho các cơn bão nhiệt đới, làm tăng tốc độ và cường độ của những cơn bão này. Các ngư trường bị xáo trộn, san hô bị tẩy trắng, và thời tiết ở các khu vực đất liền thay đổi do sự thay đổi trong quá trình trao đổi nhiệt giữa biển và khí quyển.

San hô chết trắng xóa. Ảnh: Hồng Ngọc.
Nước ấm và băng tan từ các dải băng ở Greenland và Nam Cực, dẫn đến mực nước biển dâng cao, đe dọa hạ tầng ven biển, các thành phố lớn và an ninh lương thực toàn cầu.
Những dữ liệu này đã được tích hợp vào dự án Giám sát chu trình năng lượng để hiểu rõ hơn về biến đổi khí hậu (MOTECUSOMA) của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), nhằm nghiên cứu sự mất cân bằng năng lượng toàn cầu và các tác động kéo theo. Đồng thời, dữ liệu này cũng giúp cải tiến các mô hình khí hậu, công cụ quan trọng để dự báo tình hình trong tương lai. Nếu mô hình không phản ánh chính xác tốc độ đại dương hấp thụ nhiệt, các dự báo khí hậu sẽ không chính xác.
Mặc dù nghiên cứu chỉ tập trung vào nhiệt độ bề mặt đại dương, nhưng các nhà khoa học cảnh báo rằng đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Nhiệt lượng sẽ tiếp tục thẩm thấu sâu vào đại dương trong nhiều thập kỷ tới, làm thay đổi dòng hải lưu, làm mất ổn định các dải băng từ dưới lên và dẫn đến những thay đổi khí hậu lâu dài.
Theo giáo sư Chris Mercha, nghiên cứu này cho thấy rõ tác động của con người lên khí hậu. “Đại dương đang hấp thụ lượng nhiệt khổng lồ, nhưng tốc độ này đang tăng nhanh hơn bao giờ hết,” ông nhấn mạnh.
Hành động hôm nay quyết định tương lai
Theo các nhà khoa học, vấn đề quan trọng nhất hiện nay không phải là "đại dương có đang nóng lên không?", mà là "tốc độ nóng lên này sẽ còn tăng nhanh như thế nào?". Câu trả lời phụ thuộc vào mức độ và tốc độ giảm khí nhà kính toàn cầu, cũng như quyết tâm chính trị để hành động ngay từ bây giờ.