
New Delhi và Islamabad đều lên tiếng chỉ trích phía bên kia là bên khơi mào các hành động quân sự mới. Ảnh: THX/TTXVN.
Chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố rằng Ấn Độ và Pakistan đã nhất trí ngừng bắn "toàn diện và ngay lập tức", hai quốc gia này lại tiếp tục đưa ra những cáo buộc lẫn nhau về việc vi phạm thỏa thuận vừa đạt được.
Sáng 11/5, theo kênh Channel News Asia, cả New Delhi và Islamabad đều lên tiếng chỉ trích phía bên kia là bên khơi mào các hành động quân sự mới. Cư dân và giới chức địa phương tại khu vực Jammu và Kashmir xác nhận, các cuộc pháo kích và tấn công bằng máy bay không người lái đã xảy ra xuyên đêm. Âm thanh của các hệ thống phòng không vẫn vang lên tại nhiều thành phố, cho thấy bối cảnh an ninh chưa có nhiều thay đổi so với đêm trước đó.
Phát biểu trong cuộc họp báo sáng cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Vikram Misri cho rằng Pakistan đã không tuân thủ cam kết ngừng bắn được thống nhất hôm 10/5. Ông cũng nhấn mạnh rằng quân đội Ấn Độ đã được lệnh sẵn sàng "đáp trả cứng rắn" nếu tình trạng này tiếp tục tái diễn.
"Chúng tôi kêu gọi phía Pakistan có những hành động cụ thể để chấm dứt các hành vi vi phạm và ứng xử với tình hình hiện nay một cách có trách nhiệm và đúng mực", ông Misri nhấn mạnh.
Phản hồi trước các cáo buộc từ phía New Delhi, Bộ Ngoại giao Pakistan khẳng định, nước này vẫn nghiêm túc thực hiện cam kết ngừng bắn, đồng thời cho rằng chính Ấn Độ mới là bên đã vi phạm thỏa thuận trong một số khu vực.
Bộ Ngoại giao Pakistan cũng kêu gọi các đơn vị triển khai tại thực địa tiếp tục duy trì thái độ kiềm chế, đồng thời khẳng định rằng mọi vấn đề liên quan tới việc thực thi lệnh ngừng bắn cần được giải quyết thông qua các kênh liên lạc thích hợp, bảo đảm tính phối hợp và tránh leo thang căng thẳng không cần thiết.
Trước đó, ngày 11/5, Ấn Độ và Pakistan đã bất ngờ đạt được thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức, chấm dứt một cách đột ngột vòng xoáy leo thang xung đột nghiêm trọng nhất giữa hai quốc gia hạt nhân trong nhiều thập kỷ. Khi các cuộc tấn công qua lại có dấu hiệu vượt khỏi tầm kiểm soát, việc hai bên đồng thuận ngừng bắn đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận là bước đi tích cực nhằm giảm thiểu căng thẳng và nguy cơ lan rộng xung đột khu vực.
Ngay sau khi thông báo được công bố, một số báo cáo cho thấy đã có các vụ vi phạm lệnh ngừng bắn từ cả hai phía, làm dấy lên lo ngại về tính bền vững của thỏa thuận vừa đạt được.

Các quan chức chính quyền Tổng thống Trump tiết lộ với CNN rằng, vào ngày 9/5, sau khi nhận được thông tin tình báo nghiêm trọng về khả năng leo thang của chiến sự, Bộ Ngoại giao Mỹ đã buộc phải vào cuộc mạnh mẽ hơn. Ảnh: India Today.
Ấn Độ, với vị thế là một cường quốc đang lên, từ lâu đã không chấp nhận sự can thiệp trung gian của quốc tế vào các vấn đề song phương, trong khi Pakistan lại có xu hướng chào đón vai trò của bên thứ ba, theo nhận định của các chuyên gia.
Tiến sĩ Aparna Pande, chuyên gia nghiên cứu về Ấn Độ và Nam Á tại Viện Hudson (Washington DC), nhận định: “Ấn Độ chưa bao giờ chấp nhận vai trò trung gian trong bất kỳ tranh chấp nào”. Ngược lại, Pakistan xem việc có sự can thiệp của quốc tế như một cách để gây sức ép lên Ấn Độ trong vấn đề Kashmir, một trong những điểm nóng then chốt trong quan hệ hai nước.
Chỉ hai ngày trước khi lệnh ngừng bắn được thiết lập, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance từng khẳng định trên truyền hình, rằng Hoa Kỳ sẽ không can dự vào một cuộc chiến "không liên quan trực tiếp đến lợi ích quốc gia". Tuy nhiên, sự thay đổi lập trường nhanh chóng của Washington cho thấy mức độ lo ngại ngày càng lớn của Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế về nguy cơ lan rộng của cuộc xung đột giữa hai cường quốc hạt nhân.
Các quan chức chính quyền Tổng thống Trump tiết lộ với CNN, vào ngày 9/5, sau khi nhận được thông tin tình báo nghiêm trọng về khả năng leo thang của chiến sự, Bộ Ngoại giao Mỹ đã buộc phải vào cuộc mạnh mẽ hơn, tích cực thúc đẩy các cuộc đối thoại giữa New Delhi và Islamabad. Những diễn biến này đã mở đường cho tuyên bố ngừng bắn được đưa ra chỉ một ngày sau đó.