Đã lâu lắm tôi mới có dịp đến thăm người bạn vong niên. Anh đang bón từng thìa cháo cho mẹ. Vợ anh rót nước mời tôi, nói: “Việc chăm sóc mẹ, anh ấy muốn tự tay làm chứ không để em chăm”.
Tôi biết lời vợ bạn nói là thật vì tôi hiểu nỗi lòng của anh với nỗi đau chịu đựng qua lời anh tâm sự: “… Anh ạ, ngày ấy tôi thật bất nghĩa. Như anh biết, ông bà ngoại tôi rất nghiêm khắc, họ ngoại tôi là một dòng tộc danh giá. Nên việc mẹ mang thai tôi là một sự sỉ nhục. Mẹ đã đau khổ cùng cực mà nếu không vì tình cảm, vì sự khao khát được làm mẹ với đứa con còn là bào thai là tôi chắc mẹ đã quên sinh.
Rồi tôi sinh ra, lớn lên trong sự ghẻ lạnh của dòng tộc. Còn ông bà ngoại tuy giận mẹ nhưng không dứt bỏ được máu mủ của mình, đã không dám ngẩng đầu trong các cuộc nhóm họp, giỗ chạp của tộc họ vì cưu mang mẹ con tôi. Tôi luôn bị trêu chọc là đứa con hoang. Con hoang! Thật không có từ nào làm tổn thương một đứa trẻ hơn nữa… Tôi ấm ức hỏi mẹ về cha nhưng mẹ không bao giờ nói. Sự im lặng của mẹ và tình cảm, thái độ của mọi người đối với tôi qua hai tiếng con hoang dần hình thành nên sự căm ghét vô bờ bến mọi người trong tôi. Và tôi đã oán hận người sinh ra tôi.
Oán hận mẹ! Chỉ có một điều ngăn cản tôi có thể sẽ phạm vào một tội lỗi trời không dung đất không tha là tuy oán hận mẹ, nhưng tôi thương mẹ. Thật đúng là lòng hận thù do con người tạo nên còn tình thương là bản năng mà tạo hoá ban tặng cho con người... Qua sự học và va chạm ngoài đời của đứa con côi, tôi mới hiểu ra lòng mẹ thật bao la, tin rằng mẹ hiểu sự oán hận trong lòng tôi, điều đó đã làm mẹ đau khổ biết bao… Rồi khi tôi tốt nghiệp đại học, mẹ nói: “Bây giờ mới con thành danh, mẹ cho con biết cha con vẫn còn sống, hai cha con vẫn thường thấy mặt nhau”.
Tôi cố gặng hỏi, nhưng mẹ vẫn một câu: “Khi con cưới vợ sinh con thì con mới thành nhân. Ngày cháu nội mẹ chào đời, mẹ sẽ cho con biết cha con là ai. Mẹ muốn nói với cha con rằng mẹ đã nuôi dưỡng giọt máu của cha con nên người. Vậy con hãy sớm có vợ đi. Năm tháng của đời người có hạn định, đời sống độc thân phải biết dừng lại ở một thời điểm thích hợp. Đừng để như mẹ ngày xưa”. Anh ạ, tôi đã khóc như một đứa trẻ sau lời mẹ nói, khóc vì ăn năn sám hối lòng oán hận mẹ, khóc vì thương đời sống tình cảm hẩm hiu của mẹ. Anh biết đấy, ở quê mình, ngày xưa những người phụ nữ ngoài 30 như mẹ thật khó có được tấm chồng như ý. Mà muốn được làm mẹ thì…”.
Anh bạn tôi có một quãng đời đáng trách đối với mẹ và đáng thương với anh. Nhưng tất cả đã đi qua. Anh đã biết ăn năn, biết hiểu tình mẹ bao la để làm đứa con hiếu thảo. Tôi tin những thìa cháo được bón từ lòng hiếu thảo của đứa con sẽ làm mẹ anh mau khỏi bệnh hơn những loại thuốc tốt nhất.