Báo Nông Nghiệp
Báo Nông Nghiệp
Báo Nông Nghiệp

Thứ Năm, 8/5/2025 3:18 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Nỗi lo mất con khi con nằng nặc đòi du học

Thứ Tư 16/09/2015 , 09:21 (GMT+7)

Đứa con trai của cháu đang nhấp nhổm đi Singapore. Cháu đã cầm bằng mất con gái, giờ con trai đòi đi nữa, cháu mất nốt hai con cho cuộc sống quá tự tôn mà được sao cô?

Cô Dạ Hương kính mến!

Giống nhiều người ở lứa tuổi mình, vợ chồng cháu quyết “hy sinh đời bố củng cố đời con”. Hai đứa con, đứa gái đầu cháu cho nó đi du học từ năm lớp 11. Bây giờ nó đã năm thứ hai đại học bên ấy rồi. 

Cháu viết thư này tâm sự với cô và cũng muốn nhân đây nói với những bậc cha mẹ sẽ hy sinh như bọn cháu để con mình có cuộc sống không giống như mình.

Đứa con thứ hai của chúng cháu là trai. Năm nay cháu vào lớp 10. Nó giống chị ở sự học, ba mẹ không phải nhắc. Hành xử hàng ngày khá ngoan, ba mẹ tạm yên tâm. Nhưng đứa chị của nó không biết do rời nhà sớm hay sao mà mấy năm sau, mỗi lần về hè, nó đều đổi khác.

Ba mẹ không được tự tiện vào phòng. Ba mẹ hỏi han gì nó nói nấy. Đặc biệt không thích quan hệ họ hàng, giỗ chạp, tiệc tùng. Và làm như không chịu nổi rác rến, ruồi muỗi. Ở mình những thứ đó bao giờ chả sẵn nhưng con gái cháu nó biến thành người Tây tự bao giờ vậy?

Đứa con trai của cháu đang nhấp nhổm đi Singapore. Các trường học bên ấy có xu hướng hớt váng người giỏi bằng cách sang trường tổ chức tuyển chọn. Năm ngoái cô bạn cháu đã cho con trai đi và năm nay cũng đã quay về vì mẹ nhớ con và con còn non quá, áp lực học hành, áp lực tự lập nó không kham nổi.

Cháu làm sao khi đứa con này nhất quyết đi du học. Nó bảo chị đi xa, con đi gần, ba mẹ dễ sang thăm, gần như con ở một thành phố khác trong nước mà thôi, giờ bay ngắn, không phải xin visa, mất gì mà không cho con đi hở mẹ?

Cháu đã cầm bằng mất con gái, giờ con trai đòi đi nữa, cháu mất nốt hai con cho cuộc sống quá tự tôn mà được sao cô? Cháu nên thuyết phục con trai hay là chiều theo nó? Và làm sao giữ được con mình trong quan niệm truyền thống để còn đạo hiếu và cúng giỗ, hương khói sau này nữa chứ cô?

--------------------

Cháu thân mến!

Đúng, vấn đề của nhà cháu giờ không là của riêng ai nữa. Biết bao gia đình nông dân hy sinh đời mình cho con ra phố ăn học để đổi đời, giống như thế, bao nhiêu gia đình ở phố cho con du học để nó có tấm bằng sáng giá. Người Việt mình hiếu học, tốn kém cho việc học không tiếc và hậu quả là không mấy người đi chịu trở về và nếu có trở về thì văn hóa truyền thống lập tức phai nhạt.

Trước hết mình nên quan niệm, có cái tôi lớn mới có văn minh phương Tây như hôm nay. Có nên lên án khi con mình khó chịu khi ba mẹ tự tiện vào phòng nó, tự tiện xem điện thoại của nó, tự tiện với nhật ký của nó. Chắc là phải thay đổi để làm quen với văn minh tôn trọng sự riêng tư tối thiểu của đứa con khi nó trưởng thành.

Và cũng nên xem lại quan hệ gia tộc ồn ào, lằng nhằng, rối rắm, liên miên tụ tập. Đạo hiếu có nhiều cách, con gửi ba mẹ đi nhà dưỡng lão không có nghĩa là bất hiếu, giỗ chạp linh đình chắc gì là hiếu và không thuộc phả hệ họ hàng không có nghĩa là không thích họ hàng. 

Nhưng, con cái chưa vững mà đã ném chúng đi xa, chắc chắn nó sẽ sớm bị nhiễm những điều mình ngại. Văn minh của nước người mạnh như phim Hollywood, bập vào là mê tít và nghiện. Vì vậy nhiều gia đình tỉnh ra, họ chỉ cho con đi sau đại học. Một thạc sĩ tương lai sẽ biết mình là thứ dân ở nước người và giữ chặt bản sắc cũng là cách để khẳng định cái tôi của chính mình.

Singapore với phương Tây có khác. Duy như bạn của cháu đó, con đi rồi con phải đem về. Ở chung cư chỗ cô cũng có cậu bé được “hớt váng” từ lớp 10, con đi, mẹ tìm cớ sang bên đó suốt và mẹ sụt 5 ký, mẹ đem con về, đại học 2 năm rồi mới đi lại nhưng đi tận Canada cơ.

Còn tùy vào cái uy của ba mẹ mà đứa con có dám hỗn với truyền thống hay không. Và ruồi muỗi mới là sản vật của xứ lạc hậu chứ, sao nhiều người phương Tây họ đến và làm tình nguyện viên xứ này được, họ không chê không sợ, sao con dân Việt mới làm người ngụ cư nước giàu một chốc mà đã ra vẻ? Cô còn thấy nhiều người về nước ở khách sạn chứ không chịu ở nhà bà con và trong va-li có cả giấy toa-lét vì giấy nội địa chất lượng kém không xài được!

Vậy đó cháu ơi, còn do giáo dục của gia đình và do phúc phần nữa cháu. Hãy cân nhắc với đứa con trai út và làm cho nó tuân thủ mệnh lệnh cũng như túi tiền của ba mẹ. Hãy trưởng thành đi rồi hẵng đòi hỏi.

Và phía mình, cũng đừng kỳ vọng nhiều ở con, tuổi già, tiền nong, chăm sóc và cả việc thờ cúng. Nếu chúng nó trụ ở trời Tây hết thì hương khói giỗ chạp phiên phiến, không sao cả, đời thật vô thường và lắm lúc vô nghĩa, mình khoan thai đi cho dễ thở cháu ơi.

Xem thêm
Cẩn trọng với thông tin ăn nhiều thịt gà có thể tăng nguy cơ ung thư

Các nhà phản biện cho rằng, cần phân biệt thịt gia cầm tươi và sản phẩm chế biến, đồng thời chỉ rõ phương pháp nấu nướng trong khảo sát.

Văn hóa doanh nhân không thể chấp nhận các kiểu khôn vặt

Văn hóa doanh nhân ngày càng được xem trọng trong đời sống xã hội, vì quan hệ giữa người bán và người mua luôn ràng buộc lợi ích và trách nhiệm với nhau.

Thân phận gái nghèo chọn chồng cùng cảnh ngộ

Thân phận gái nghèo luôn mang nhiều mặc cảm và âu lo thường ngày, cho nên khi bước vào hôn nhân cũng có những dằn vặt xót xa ít ai đồng cảm.

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

117 gian hàng kết nối tinh hoa đông y Việt Nam và quốc tế

Với 117 gian hàng là cơ hội để khách tham quan gặp gỡ chuyên gia, tìm hiểu sâu về giá trị của y học cổ truyền, khám phá giải pháp giúp sức khỏe lành mạnh.

Đọc nhiều nhất