| Hotline: 0983.970.780

Nhập khẩu phế liệu: Gỡ rồi vẫn vướng

Thứ Ba 02/08/2016 , 00:00 (GMT+7)

(TN&MT) - Mặc dù, các cơ quan chức năng đã ra những văn bản gỡ vướng trong việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất nhưng các doanh nghiệp vẫn kêu khó.

Cần thiết khảo sát thực tiễn, lắng nghe nguyện vọng của doanh nghiệp để có quy định phù hợp với thực tiễn. Ảnh: MH
Cần thiết khảo sát thực tiễn, lắng nghe nguyện vọng của doanh nghiệp để có quy định phù hợp với thực tiễn. Ảnh: MH

Vênh quản lý

Mới đây, Công ty Gang thép Thái Nguyên đã gửi văn bản cầu cứu Tổng cục Hải quan, Tổng cục Môi trường, Cục Hải quan Hải Phòng để được thông quan khoảng 3.500 tấn thép phế liệu. Điều này đã lộ ra sự vênh nhau giữa các cơ quan này trong việc nhập khẩu phế liệu.

Theo quy định về bảo vệ môi trường trong kiểm tra, thông quan phế liệu nhập khẩu  tại Thông tư 41/2015/TT-BTNMT, tổ chức cá nhân nhập khẩu phế liệu phải có Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường (GXN). Nhưng thực tế, có trường hợp hàng đã về cảng trong khi đang làm thủ tục xin cấp GCN. Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại và sản xuất của doanh nghiệp, Tổng cục Môi trường có Công văn 2598/TCMT-KSON đề nghị Tổng cục Hải quan cho phép các tổ chức, cá nhân đã trực tiếp nộp hồ sơ tại Bộ TN&MT được sử dụng Phiếu tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Giấy xác nhận của Văn phòng tiếp nhận và trả kết quả thay cho Giấy chứng nhận để làm thông quan;  đối với tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ qua đường bưu điện tới Bộ, tạm thời sử dụng Phiếu theo dõi tiến trình xử lý hồ sơ và có giá trị thời hạn tối đa 40 ngày kể từ ngày được tiếp nhận hồ sơ. Còn những hồ sơ nộp tại Sở TN&MT, tạm thời sử dụng Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo mẫu riêng của Sở và có giá trị thời hạn tối đa 30 ngày kể từ ngày được tiếp nhận hồ sơ.

Tuy vậy, Tổng cục Hải quan vẫn hướng dẫn các địa phương chỉ xem xét giải quyết thủ tục thông quan đối với các trường hợp nhập khẩu phế liệu khi đã đáp ứng đủ điều kiện, hồ sơ nhập khẩu quy định (phải có Giấy xác nhận trong hồ sơ hải quan), theo đúng tinh thần của Thông tư 41, mà không theo Công văn 2598/TCMT-KSON. Theo Tổng cục Hải quan, việc giải quyết cho thông quan trong trường hợp chưa có GXN mà có đề nghị của Tổng cục Môi trường chỉ là trường hợp riêng lẻ.

Chính vì độ vênh này mà Công ty Gang thép Thái Nguyên phải gửi văn bản tới các cơ quan chức năng cầu cứu để mất hơn một tuần sau, lô hàng  mới được thông quan. Điều này gây tốn kém và phiền nhiễu cho doanh nghiệp.

Thời gian xác nhận dài?

Hiện nay, có một số ý kiến cho rằng, thời gian để cấp Giấy xác nhận này trong vòng 40 ngày làm việc (trường hợp Bộ TN&MT cấp) và 30 ngày làm việc (Sở TN&MT cấp) còn dài.

Bởi họ cho rằng, 30 hoặc 40 ngày là thời gian tính từ khi doanh nghiệp cung cấp đủ hồ sơ, tài liệu. Thực tế, nếu tính cả thời gian chuẩn bị tài liệu và ngày nghỉ (thứ Bảy, Chủ nhật), việc cấp Giấy xác nhận còn lâu hơn. Trong khi đó, nhu cầu của DN muốn được thông quan hàng hóa nhanh chóng để sớm đưa vào sản xuất. Nhưng nếu chưa có Giấy xác nhận theo quy định của Thông tư 41, cơ quan Hải quan lại không thể cho thông quan. Chính vì vậy, khi thực hiện quy định của Thông tư 41, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu phục vụ sản xuất gặp khó khăn (sản xuất thép, giấy…).

Đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng, để tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp Bộ TN&MT cần đẩy nhanh việc cấp Giấy xác nhận.

Trường hợp cơ quan quản lý về môi trường vẫn cần một khoảng thời gian dài như vậy để kiểm tra và cấp Giấy xác nhận, Bộ này cần sửa đổi quy định Khoản 2 Điều 10, Thông tư 41 theo hướng cho doanh nghiệp được thông quan trong khi hoàn thiện hồ sơ như một số văn bản của Tổng cục Môi trường đang áp dụng cho một số doanh nghiệp hiện nay.

Vướng thời gian ký quỹ

Các doanh nghiệp còn kêu khó trong việc thực hiện thời gian ký quỹ. Theo Khoản 1, Điều 59, Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế liệu, “tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải thực hiện ký quỹ trước khi tiến hành thủ tục thông quan phế liệu nhập khẩu ít nhất 15 ngày làm việc”.

Tuy vậy, theo các chủ doanh nghiệp, quy định này có phần cứng nhắc, bởi lẽ hàng hóa đến cảng phụ thuộc vào các hãng tàu và không một hãng tàu nào cung cấp cho Cty ngày hàng về đến cảng trước 15 ngày. Thêm nữa, nếu hàng hóa nhập về từ Châu Á, thời gian từ khi ký hợp đồng đến khi hàng về cảng chỉ trong vòng 10 ngày. Nghĩa là để được thông quan, doanh nghiệp phải chờ thêm 5 ngày nữa. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp chịu thêm chi phí lưu tàu và bị chiếm dụng vốn quá lớn (khoảng 10 - 20% giá trị lô hàng), ảnh hưởng đến sự sống còn của doanh nghiệp. Đồng thời, cảng biển cũng sẽ chịu thêm áp lực vì nhiều tàu phải lưu lại.

Công ty Thép Việt – Ý đã từng ở vào hoàn cảnh như vậy. Lãnh đạo công ty cho biết, trước đây, Công ty nhập khẩu 2 tàu thép phế liệu với số lượng tổng cộng 10.286 tấn từ Nhật Bản và một lô hàng hơn 200 tấn phế liệu đóng container NK từ Costa Rica. Để thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa, Công ty đã thực hiện ký Quỹ đảm bảo phế liệu NK đối với các lô hàng này với tổng số tiền hơn 10,5 tỷ đồng. Tuy vậy, lô hàng của DN chưa thể hoàn thành thủ tục thông quan do chưa đủ thời gian ký quỹ. Trong khi đó chi phí lưu tàu tại cảng Hải Phòng là 15.000 USD/ngày. Nếu chỉ được thông quan sau khi có đủ thời gian ký quỹ 15 ngày làm việc, Công ty phải trả cho chủ tàu số tiền chi phí lưu tàu là 225.000 USD/tàu. Đây là một khoản chi phí rất lớn trong điều kiện sản xuất kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc thực hiện được ký quỹ trước 15 ngày khi hàng hóa được thông quan là rất khó và sẽ gây ra tình trạng tồn đọng phế liệu tại cảng .

Tổng cục Môi trường, Tổng cục Hải quan cần thiết khảo sát thực tiễn, lắng nghe nguyện vọng của doanh nghiệp để có quy định phù hợp với thực tiễn hơn, bảo đảm nhập khẩu hàng hóa được hanh thông.

Linh Chi

 

Xem thêm
BYD Việt Nam ra mắt mẫu xe SUV hybrid vượt trội Sealion 6

Với mẫu xe mới Sealion 6, BYD Việt Nam lần đầu tiên giới thiệu công nghệ DM-i Super Hybrid tiên tiến đến người tiêu dùng trong nước.

Học về tái chế qua nghệ thuật mosaic

Trường THCS Ngoại ngữ đã phối hợp cùng Viện Goethe tổ chức một buổi hoạt động giáo dục bổ ích dành cho học sinh khối 7 với chủ đề 'Rác thải và Tái chế'.

TP.HCM thích ứng biến đổi khí hậu: [Bài cuối] Hình thành 'thành phố xanh'

TP.HCM Trong hành trình thích ứng với biến đổi khí hậu, TP.HCM đang chủ động chuyển mình thành một đô thị xanh - nơi phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.

Nhà khoa học Việt phát triển công nghệ định vị vệ tinh

Hệ thống RTK-VIỆT, một ứng dụng được phát minh bởi các nhà khoa học Việt Nam, đang mở ra cơ hội làm chủ công nghệ định vị vệ tinh cho người dùng Việt Nam.

Đà Nẵng: Chờ phương án mới, bãi rác xây dựng Hòa Xuân tạm ‘đóng cửa’

Trong lúc chờ thành phố Đà Nẵng thống nhất phương án xử lý, vận hành thì bãi tập kết rác xây dựng tại khu vực Sân vận động Hòa Xuân tạm dừng tiếp nhận rác.