| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM thích ứng biến đổi khí hậu: [Bài cuối] Hình thành 'thành phố xanh'

Thứ Năm 22/05/2025 , 15:56 (GMT+7)

TP.HCM Trong hành trình thích ứng với biến đổi khí hậu, TP.HCM đang chủ động chuyển mình thành một đô thị xanh - nơi phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.

Xanh hóa đô thị

Một trong những chuyển động rõ nét là hệ thống giao thông công cộng đang từng bước “xanh hóa”. Bên cạnh tuyến metro số 1 mới đưa vào khai thác, thành phố đã thí điểm và mở rộng đội xe buýt điện tại nhiều tuyến trọng điểm như Bến Thành - Thảo Điền, Bến xe Miền Đông - Đại học Quốc gia, với hơn 200 xe điện vận hành hằng ngày. Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, đến năm 2030, xe buýt điện sẽ chiếm ít nhất 50% tổng số xe buýt hoạt động trên địa bàn.

Không chỉ dừng ở xe điện, thành phố cũng đầu tư mạng lưới trạm sạc tại các trung tâm thương mại, bãi đỗ xe và khu công nghiệp. Đồng thời, khuyến khích người dân chuyển sang phương tiện thân thiện môi trường qua chính sách hỗ trợ vay ưu đãi, miễn phí trạm sạc hoặc ưu tiên lưu thông ở khu vực trung tâm.

TP.HCM đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng xanh. Ảnh: T.N.

TP.HCM đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng xanh. Ảnh: T.N.

Ở lĩnh vực năng lượng, TP.HCM là địa phương đi đầu cả nước về điện mặt trời áp mái. Hơn 20.000 hệ thống đã được lắp đặt trên mái nhà dân cư, trường học, bệnh viện, nhà xưởng… với tổng công suất ước đạt gần 400 MWp. Mô hình “Trường học xanh” và “Doanh nghiệp xanh” sử dụng điện mặt trời không chỉ giảm phát thải CO₂ mà còn tiết kiệm chi phí vận hành lâu dài. Theo TS. Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP.HCM, đây là tiền đề để xây dựng “thành phố không khói” và đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Trong quy hoạch không gian đô thị, thành phố ưu tiên phát triển các khu đô thị xanh với mật độ cây xanh cao, giao thông nội khu phi cơ giới và kiểm soát nghiêm ngặt tỷ lệ bê tông hóa. Khu đô thị mới Thủ Thiêm, các khu công nghệ cao và vùng ngoại ô như Củ Chi, Nhà Bè đang trở thành điển hình của quy hoạch sinh thái kết hợp công nghệ, góp phần làm dịu nhiệt độ và giảm tải áp lực cho trung tâm thành phố.

Doanh nghiệp xanh - trụ cột mới cho phát triển bền vững

Cùng với nỗ lực của chính quyền, khu vực doanh nghiệp đang trở thành nhân tố trung tâm trong quá trình chuyển đổi xanh của TP.HCM. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động thay đổi mô hình sản xuất – kinh doanh theo hướng bền vững hơn, không chỉ để thích ứng với các tiêu chuẩn môi trường trong nước mà còn đáp ứng yêu cầu khắt khe từ thị trường quốc tế.

Nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đã chuyển hướng sang sản xuất xanh. Ảnh: SCC.

Nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đã chuyển hướng sang sản xuất xanh. Ảnh: SCC.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, xu hướng kinh tế xanh và doanh nghiệp xanh tại thành phố không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc nếu muốn tồn tại trong bối cảnh toàn cầu hóa. “Các doanh nghiệp hiện nay buộc phải quan tâm đến tiêu chuẩn môi trường, sử dụng năng lượng hiệu quả và giảm phát thải carbon. Nếu không làm điều này, họ sẽ mất cơ hội tiếp cận thị trường xuất khẩu lớn, đặc biệt là châu Âu với cơ chế thuế carbon biên giới đang đến gần”, ông Hòa nhấn mạnh.

Theo Hiệp hội, trong vài năm gần đây, ngày càng nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đầu tư vào dây chuyền sản xuất xanh, sử dụng nguyên liệu tái chế, công nghệ tiết kiệm điện nước và mô hình tuần hoàn. Các lĩnh vực tiên phong bao gồm dệt may, da giày, thực phẩm, logistics, vật liệu xây dựng và mỹ phẩm.

Điển hình như tại Công ty CP Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC), thời gian qua doanh nghiệp đã đầu tư mạnh mẽ để chuyển đổi toàn bộ nhà máy sang mô hình sản xuất xanh, từ việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, tái sử dụng nước tuần hoàn, ưu tiên nguyên liệu hữu cơ, nguồn gốc tự nhiên. Bao bì sản phẩm mới của SCC cũng được chuyển sang vật liệu tái chế, dễ phân hủy, đồng thời thiết kế lại để giảm khối lượng và tiết kiệm vận chuyển.

Ông Vương Ngọc Dũng, Giám đốc Marketing và phát triển thị trường, Công ty CP Mỹ phẩm Sài Gòn cho biết, hướng đi này giúp SCC không chỉ tiết kiệm chi phí vận hành trong dài hạn mà còn tăng khả năng tiếp cận thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu – nơi người tiêu dùng ngày càng ưu tiên sản phẩm thân thiện môi trường.

Một số doanh nghiệp khác trong lĩnh vực thực phẩm, logistics cũng đã đầu tư hàng triệu USD để lắp đặt hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn châu Âu, kết hợp pin mặt trời, vật liệu cách nhiệt để giảm chi phí năng lượng. Một số khác còn hợp tác với startup môi trường để thu hồi, tái chế rác thải nhựa, giấy, bã cà phê thành vật liệu xây dựng hoặc bao bì xanh.

Hệ sinh thái doanh nghiệp xanh bước đầu được hình thành, lan tỏa và kết nối qua các mạng lưới như Liên minh sản xuất sạch hơn, Liên minh đô thị phát thải thấp hay các chương trình “Doanh nghiệp xanh” do UBND TP.HCM chủ trì.

Không chỉ trong sản xuất, lĩnh vực tài chính xanh cũng bắt đầu khởi sắc. Các ngân hàng tại TP.HCM đã triển khai các gói tín dụng ưu đãi cho dự án thân thiện môi trường, đồng thời phối hợp với chính quyền xây dựng hệ thống xếp hạng công trình xanh, thúc đẩy thị trường trái phiếu xanh và các công cụ tài chính bền vững.

TP.HCM cũng đang thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo, xử lý rác, giao thông điện và hạ tầng bền vững. Dự án chuyển đổi bãi rác Đông Thạnh thành công viên năng lượng, hay việc các tập đoàn Nhật Bản, châu Âu đề xuất đầu tư tuyến giao thông thủy - điện kết nối Cần Giờ - Củ Chi là những minh chứng cụ thể cho dòng vốn đầu tư xanh đang đổ về thành phố.

Theo các chuyên gia, để phát triển thành đô thị xanh thực thụ, TP.HCM cần tiếp tục hoàn thiện thể chế khuyến khích doanh nghiệp xanh, phát triển thị trường tín chỉ carbon, mở rộng hợp tác quốc tế và nâng cao năng lực thực thi ở cấp địa phương.

“TP.HCM đang đi đúng hướng, nhưng hành trình xanh hóa là cuộc đua dài hơi, đòi hỏi sự kiên định, đồng bộ và quyết tâm chính trị cao. Thành phố cần duy trì vai trò dẫn dắt, tạo môi trường để doanh nghiệp, người dân cùng tham gia và cùng hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi xanh này”, ông Nguyễn Ngọc Hòa nhận định.

 

Xem thêm
BYD Việt Nam ra mắt mẫu xe SUV hybrid vượt trội Sealion 6

Với mẫu xe mới Sealion 6, BYD Việt Nam lần đầu tiên giới thiệu công nghệ DM-i Super Hybrid tiên tiến đến người tiêu dùng trong nước.

Học về tái chế qua nghệ thuật mosaic

Trường THCS Ngoại ngữ đã phối hợp cùng Viện Goethe tổ chức một buổi hoạt động giáo dục bổ ích dành cho học sinh khối 7 với chủ đề 'Rác thải và Tái chế'.

Đồ nhựa sử dụng một lần đầu độc đại dương

Sự tiện lợi của đồ nhựa dùng một lần đang để lại hậu quả lâu dài cho đại dương.

Nhà khoa học Việt phát triển công nghệ định vị vệ tinh

Hệ thống RTK-VIỆT, một ứng dụng được phát minh bởi các nhà khoa học Việt Nam, đang mở ra cơ hội làm chủ công nghệ định vị vệ tinh cho người dùng Việt Nam.

Đà Nẵng: Chờ phương án mới, bãi rác xây dựng Hòa Xuân tạm ‘đóng cửa’

Trong lúc chờ thành phố Đà Nẵng thống nhất phương án xử lý, vận hành thì bãi tập kết rác xây dựng tại khu vực Sân vận động Hòa Xuân tạm dừng tiếp nhận rác.