Mỗi ngày phát sinh hơn 2.000 tấn rác
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Phòng, trung bình mỗi ngày, trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 2.010 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, khu vực đô thị phát sinh khoảng 1.030 tấn/ngày, được thu gom, vận chuyển và xử lý tại 2 khu xử lý hợp vệ sinh là Tràng Cát và Đình Vũ; khu vực nông thôn khoảng 980 tấn/ngày, được thu gom, vận chuyển, xử lý khoảng 970 tấn/ngày.
Cụ thể, tại quận Hải An, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trung bình khoảng 167 tấn/ngày. Rác được vận chuyển bằng xe chuyên dụng bảo đảm không rò rỉ, không rơi vãi chất thải ra môi trường. Tỷ lệ thu gom đạt 100%; tỷ lệ phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đạt gần 90%. Đầu năm 2024, UBND quận thực hiện xã hội hoá 10.156 xô đựng rác cho 5.275 gia đình, cá nhân trên địa bàn; UBND các phường đã bố trí điểm thu gom pin đặt tại các vị trí phù hợp.

Trung bình mỗi ngày trên địa bàn thành phố Hải Phòng phát sinh khoảng 2.010 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Ảnh: Hoàng Phong.
Mỗi ngày, huyện Tiên Lãng phát sinh khoảng 112 tấn rác, bao gồm cả các loại rác thải cồng kềnh. Toàn huyện có 22 bãi rác tạm xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Đến cuối năm 2024, huyện có 35.232/50.073 hộ dân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, đạt 70,6%.
Còn tại quận An Dương, mô hình thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã được triển khai đối với gần 700 hộ tại phường An Hải và phường Đồng Thái. Tính đến hết quý I/2025, tỷ lệ số hộ thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đạt khoảng 91% (43.244 hộ/47.739 hộ). Rác thải được 2 doanh nghiệp thu gom vận chuyển về bãi rác tập trung của thành phố để xử lý theo quy định…
Nhiều khó khăn cần được tháo gỡ
Mới đây, Ban Đô thị HĐND thành phố Hải Phòng đã tiến hành giám sát chuyên đề về việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại các quận: An Dương, Hải An và huyện Tiên Lãng.
Theo đó, UBND quận An Dương cho biết, công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn đang gặp phải một số khó khăn như: cơ sở hạ tầng phục vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn chưa đồng bộ; kinh phí đầu tư, phân bổ cho các công trình bảo vệ môi trường còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Tại huyện Tiên Lãng, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt chưa đồng bộ với phân loại tại nguồn cả về phương tiện thu gom và hạ tầng xử lý riêng từng loại rác. Một số mô hình đã triển khai có nhiều bất cập nên tới quý I/2025, tỷ lệ phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn huyện đang có chiều hướng giảm xuống.
Không những vậy, huyện còn gặp khó khăn khi khối lượng rác thải cồng kềnh, đặc biệt là rác thải nhựa dùng một lần phát sinh với khối lượng rất lớn nhưng không có lò đốt dẫn tới các bãi rác bị quá tải. Các bãi rác tạm trên địa bàn huyện sử dụng nhiều năm, khối lượng rác thải đã chôn lấp nhiều, nếu nâng cấp thành bãi rác hợp vệ sinh cần nguồn kinh phí rất lớn trong khi nguồn lực của địa phương còn hạn chế.
UBND quận Hải An đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường báo cáo UBND thành phố bổ sung nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường cho quận để phục vụ công tác quản lý và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đạt hiệu quả hơn nữa. Đồng thời, báo cáo UBND thành phố đề xuất vị trí làm khu xử lý chất thải xây dựng nhằm giảm thiểu tình trạng đổ trộm chất thải hiện nay.
Tại các buổi giám sát, ông Phạm Văn Khanh, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Hải Phòng đề nghị các quận, huyện tiếp tục quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cán bộ đảng viên, người dân về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Các địa phương cần nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả và tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; rà soát, bố trí điểm thu gom, tập kết rác phù hợp, bảo đảm vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.
Liên quan đến vấn đề này, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Phòng đề nghị đẩy nhanh tiến độ triển khai thủ tục đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải xây dựng trên địa bàn thành phố bằng công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực xử lý. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ngoài ra, phát huy hiệu quả vai trò giám sát, phản biện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và cộng đồng dân cư đối với hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, bảo vệ môi trường.