| Hotline: 0983.970.780

Hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 22/5/2025

Thúc đẩy tiến độ triển khai Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal

Thứ Năm 22/05/2025 , 11:25 (GMT+7)

TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn – Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học nhấn mạnh, khi trao đổi nhân Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 22/5/2025.

Chủ đề “Sống hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững” của Ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm nay có ý nghĩa gì, thưa bà?

Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 22/5/2025 được Liên hợp quốc phát động với Chủ đề “Sống hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững”. Chủ đề này nhấn mạnh mối liên kết mật thiết giữa thiên nhiên, đa dạng sinh học và sự phát triển bền vững của con người.

TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn – Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ NN-MT. Ảnh: Yên Thi.

TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn – Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ NN-MT. Ảnh: Yên Thi.

Đa dạng sinh học (ĐDSH) là nền tảng của mọi sự sống, đóng vai trò thiết yếu đối với sức khỏe con người, hành tinh và sự thịnh vượng kinh tế trên Trái đất. Chúng ta phụ thuộc vào ĐDSH để có thực phẩm, thuốc men, năng lượng, không khí và nước sạch, bảo vệ khỏi thiên tai cũng như nguồn cảm hứng cho đời sống tinh thần. Chủ đề này phản ánh nội dung cốt lõi của Khung Đa dạng sinh học toàn cầu (GBF) Côn Minh-Montreal đã được thông qua tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (CBD COP15) và Chương trình Nghị sự 2030 với các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).

Hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học, Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia và toàn xã hội cùng hành động để bảo vệ thiên nhiên và ĐDSH, tăng cường thực hiện đồng thời các mục tiêu của Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal và Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững vì tương lai của trái đất và xã hội loài người. 

Tiếp nối những mục tiêu tham vọng tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học, Hội nghị lần thứ 16 vừa qua đã đạt được kết quả gì nổi bật?

Hội nghị lần thứ 16 các Bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (COP16) diễn ra từ ngày 20/10-1/11/2024 tại thành phố Cali, Colombia và Phiên họp tiếp nối diễn ra từ ngày 25/2-27/2/2025 tại Thành phố Rome, Italia.

Hội nghị CBD COP16  đã thông qua các cơ chế, công cụ nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai Khung Đa dạng sinh học toàn cầu (GBF) Côn Minh-Montreal và thực hiện các mục tiêu của Công ước Đa dạng sinh học (CBD). Kết quả nổi bật của COP16 là đã thông qua quyết định về các cơ chế tài chính và Chiến lược huy động nguồn lực tài chính thực hiện CBD và GBF; quyết định thành lập Quỹ Cali để đảm bảo chia sẻ công bằng lợi ích từ việc sử dụng thông tin trình tự số về nguồn gen (DSI). Hội nghị cũng thông qua khung giám sát việc thực hiện GBF và cơ chế giám sát, báo cáo, đánh giá; đưa ra các giải pháp thúc đẩy sự tham gia người dân bản địa và cộng đồng địa phương trong thực hiện CBD.

Hội nghị đề nghị các nước thành viên cần điều chỉnh Chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học (NBSAP) để phù hợp với các mục tiêu và chỉ tiêu giám sát của GBF. Đồng thời, thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh bảo tồn đa dạng sinh học phù hợp với luật pháp quốc gia, bối cảnh kinh tế - xã hội và các nghĩa vụ quốc tế có liên quan.

Tại Hội nghị này, nước chủ nhà Colombia và Ban thư ký Công ước cũng thông qua Tuyên bố Liên minh thế giới vì hoà bình với thiên nhiên (World Coalition for Peace with Nature). Tuyên bố kêu gọi thay đổi mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên để giải quyết các thách thức môi trường một cách toàn diện; phát triển sự bền vững đi kèm với công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, giảm nghèo; đảm bảo sự tham gia đầy đủ, bình đẳng của các cộng đồng địa phương vào quá trình ra quyết định.

Cần tăng cường bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên. Ảnh: Yên Thi.

Cần tăng cường bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên. Ảnh: Yên Thi.

Về phía Việt Nam, chúng ta sẽ cần làm gì để thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu (GBF) và các yêu cầu đặt ra tại Hội nghị lần thứ 16 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học?

Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định định hướng trọng tâm trong thời gian tới là cần tăng cường bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, các loài hoang dã, nguồn gen của Việt Nam, nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị của thiên nhiên, hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đất nước.

Để thực hiện GBF cũng như công tác bảo tồn ĐDSH trong giai đoạn tới, tôi cho rằng, chúng ta cần chú trọng tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo tồn ĐDSH và triển khai các nhiệm vụ, đó là:

Hoàn thiện pháp luật, thể chế quản lý ĐDSH bảo đảm thống nhất quản lý ĐDSH, phù hợp với các cam kết quốc tế và tình hình thực tiễn giai đoạn mới; tăng cường năng lực thực thi pháp luật về ĐDSH;

Lồng ghép bảo tồn ĐDSH trong các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch của các ngành kinh tế, đặc biệt là nông, lâm, ngư nghiệp, du lịch, giao thông, năng lượng, sử dụng đất; huy động nguồn lực tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia và về ĐDSH và các mục tiêu về bảo tồn ĐDSH trong các quy hoạch, kế hoạch có liên quan.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức để tăng cường trách nhiệm trong việc thực hiện các mục tiêu bảo tồn ĐDSH; huy động sự tham gia của cộng đồng và khu vực tư nhân và các bên liên quan tham gia công tác bảo tồn, phục hồi, sử dụng bền vững ĐDSH;

Kiểm soát chặt chẽ các tác động lên ĐDSH, đặc biệt là tác động từ các dự án phát triển thông qua việc thực hiện tốt đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường.

Mở rộng hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để nâng cao hiệu quả bảo tồn ĐDSH và phát huy giá trị của ĐDSH phục vụ phát triển kinh tế- xã hội.

Thiết lập, tăng cường hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về ĐDSH; ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý di sản thiên nhiên, ĐDSH.

Với những giải pháp như vậy, hy vọng rằng, thời gian tới, Việt Nam sẽ giải quyết được thách thức lớn nhất hiện nay là hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường nói chung, bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH nói riêng.

“Nhân Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm nay, tôi muốn gửi đến mọi người thông điệp: Bảo tồn đa dạng sinh học là trách nhiệm của mỗi người đối với mẹ trái đất, là bảo vệ chính chúng ta và tương lai của các thế hệ mai sau. Hãy cùng hành động để giữ gìn và phát huy giá trị đa dạng sinh học mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước chúng ta”, TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn.

Trân trọng cảm ơn bà!

Xem thêm
BYD Việt Nam ra mắt mẫu xe SUV hybrid vượt trội Sealion 6

Với mẫu xe mới Sealion 6, BYD Việt Nam lần đầu tiên giới thiệu công nghệ DM-i Super Hybrid tiên tiến đến người tiêu dùng trong nước.

Học về tái chế qua nghệ thuật mosaic

Trường THCS Ngoại ngữ đã phối hợp cùng Viện Goethe tổ chức một buổi hoạt động giáo dục bổ ích dành cho học sinh khối 7 với chủ đề 'Rác thải và Tái chế'.

Đồ nhựa sử dụng một lần đầu độc đại dương

Sự tiện lợi của đồ nhựa dùng một lần đang để lại hậu quả lâu dài cho đại dương.

Vì sao cứ đến cuối mùa khô, sạt lở lại dồn dập ở ĐBSCL?

Cuối mùa khô, nhiều điểm sạt lở lại diễn ra tại ĐBSCL, gây thiệt hại tài sản, đe dọa an toàn của người dân, trong khi công tác ứng phó gặp nhiều khó khăn.

Nhà khoa học Việt phát triển công nghệ định vị vệ tinh

Hệ thống RTK-VIỆT, một ứng dụng được phát minh bởi các nhà khoa học Việt Nam, đang mở ra cơ hội làm chủ công nghệ định vị vệ tinh cho người dùng Việt Nam.

Đà Nẵng: Chờ phương án mới, bãi rác xây dựng Hòa Xuân tạm ‘đóng cửa’

Trong lúc chờ thành phố Đà Nẵng thống nhất phương án xử lý, vận hành thì bãi tập kết rác xây dựng tại khu vực Sân vận động Hòa Xuân tạm dừng tiếp nhận rác.