Không chỉ dừng lại ở lý thuyết, buổi sinh hoạt còn là dịp để các em trực tiếp tham gia thực hành tái chế thủy tinh thành những tác phẩm nghệ thuật đầy màu sắc và ý nghĩa với sự hướng dẫn của anh Phạm Minh Đức, chuyên gia tái chế sáng tạo, đồng sáng lập nhóm nghệ thuật Lighting Group Art for Change.
Chủ đề trọng tâm được đặt ra trong buổi giao lưu là những thông tin thiết thực và cập nhật về thực trạng ô nhiễm rác thải tại Việt Nam và trên thế giới, cũng như giới thiệu quy trình xử lý rác thải hiện nay. Bên cạnh đó là vấn đề rác thải thủy tinh - một loại chất thải khó phân hủy nhưng lại có thể tạo ra các sản phẩm có giá trị lớn nếu được tái chế đúng cách. Thông qua những ví dụ thực tế và số liệu đáng suy ngẫm, các em học sinh đã cùng nhau thảo luận sôi nổi về hành vi tiêu dùng, cách phân loại rác tại nguồn và vai trò của mỗi cá nhân trong việc bảo vệ môi trường.

Các em học sinh trường THCS Ngoại ngữ được giới thiệu về các sản phẩm tái chế từ thủy tinh. Ảnh: ĐP.
Sau phần chia sẻ là hoạt động thực hành thu hút sự chú ý đặc biệt: tái chế chai thủy tinh thành tác phẩm mang phong cách mosaic. Dưới sự hướng dẫn của các nghệ sĩ, học sinh được tiếp cận quy trình cắt, mài, và sắp xếp các mảnh thủy tinh nhỏ theo họa tiết, từ đó tạo ra những bức tranh ghép độc đáo. Không khí tại các bàn thực hành trở nên rộn ràng, khi mỗi em học sinh vừa sáng tạo, vừa thảo luận cùng bạn bè về ý tưởng cho “tác phẩm” của nhóm mình.

Những mảnh thủy tinh được cắt nhỏ và đựng trong khay làm từ chai thủy tinh tái chế. Ảnh: ĐP.
Với tâm trạng háo hức, các em học sinh khối 7 trường THCS Ngoại ngữ chia sẻ: “Trước giờ chúng em chỉ biết tái chế các sản phẩm nhựa và giấy, hôm nay chúng em mới được tận tay làm một món đồ từ thủy tinh cũ. Em thấy rất thú vị, hoạt động này giúp chúng em hiểu hơn về giá trị của việc tái chế và những thứ chúng ta có thể làm đối với các món đồ tưởng chừng như không thể tái chế”.

Các em học sinh trường THCS Ngoại ngữ sáng tạo các sản phẩm mỹ thuật từ thủy tinh tái chế. Ảnh: ĐP.

Từng tác phẩm được chăm chút một cách tỉ mỉ. Ảnh: ĐP.
Không chỉ là một buổi ngoại khóa thông thường, sự kiện tại trường THCS Ngoại ngữ còn là một hoạt động giáo dục môi trường mang tính lan tỏa. Việc kết hợp giữa kiến thức và thực hành giúp học sinh hình thành tư duy sống xanh một cách tự nhiên, không gượng ép. Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động ngoại khóa hướng tới giáo dục phát triển bền vững và nâng cao nhận thức về môi trường cho học sinh.
Buổi trải nghiệm khép lại bằng phần trưng bày các tác phẩm của học sinh. Những mảnh thủy tinh lấp lánh sắc màu, tưởng chừng là rác thải vô tri, nay đã trở thành biểu tượng sinh động cho tinh thần tái chế và hành động vì môi trường.

Một số tác phẩm mang phong cách mosaic của học sinh lớp 7 trường THCS Ngoại ngữ. Ảnh: ĐP.
Thông qua hoạt động ý nghĩa này, trường THCS Ngoại ngữ hy vọng các em học sinh sẽ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, biết trân trọng tài nguyên và lan tỏa những hành động sống xanh trong cộng đồng. Đây cũng là bước khởi đầu để các em trở thành những công dân toàn cầu có trách nhiệm trong tương lai.