Đạt nhiều kết quả quan trọng
Thời gian qua, các sở, ban, ngành, hội đoàn thể, địa phương và người dân tỉnh Hậu Giang đã chủ động, tích cực thực hiện các mục tiêu của Đề án Hậu Giang xanh. Nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực được lồng ghép vào hoạt động thường xuyên của từng cơ quan, đơn vị và trong sinh hoạt hằng ngày của mỗi hộ dân. Nhờ đó, việc triển khai Đề án đã đạt được những kết quả rõ nét, từng bước lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong cộng đồng.

Sau gần 5 năm thực hiện Đề án Hậu Giang xanh đã góp phần cải thiện cảnh quan môi trường tỉnh Hậu Giang ngày càng xanh, sạch, đẹp. Ảnh: Lê Hùng.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hậu Giang, sau gần 5 năm triển khai Đề án Hậu Giang xanh, ý thức của người dân trong việc thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt và sản xuất đã được nâng lên đáng kể. Nhờ đó, công tác quản lý, kiểm soát chất thải rắn sinh hoạt và chất thải trong nông nghiệp ngày càng được thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Tình trạng hộ dân tự xử lý rác bằng cách đốt, chôn lấp không hợp vệ sinh hoặc xả rác ra môi trường đã giảm rõ rệt. Tỷ lệ hộ chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản áp dụng biện pháp xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu về môi trường không ngừng tăng cao.
Tại Hội nghị sơ kết kết quả thực hiện Đề án đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ông Trần Chí Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang ghi nhận và biểu dương những kết quả nổi bật mà các đơn vị, địa phương đạt được, nhất là vai trò nòng cốt của Sở Nông nghiệp và Môi trường.
Cụ thể: 97,05% hộ dân được tiếp cận các quy định về bảo vệ môi trường; 444/525 ấp, khu vực thành lập tổ vệ sinh môi trường; 93,32% hộ dân xử lý rác thải sinh hoạt đúng quy định; khoảng 97% hộ chăn nuôi, nuôi thủy sản áp dụng biện pháp xử lý chất thải.
Tuy nhiên, ông Trần Chí Hùng cũng chỉ ra một số hạn chế như: sự tham gia của một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa quyết liệt; tình trạng vứt rác bừa bãi, xác động vật ra môi trường vẫn còn xảy ra; một bộ phận người dân chưa chủ động bảo vệ môi trường, còn ỷ lại vào chính quyền; tỷ lệ thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng vẫn còn thấp.
Tiếp tục thực hiện Đề án trong bối cảnh mới
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án trong bối cảnh mới, ông Trần Chí Hùng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường trong thời gian tới chủ trì xây dựng lộ trình tiếp nối thực hiện Đề án trong bối cảnh mới gắn với quy hoạch vùng, quy hoạch đơn vị hành chính mới. Đồng thời tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền thực hiện lồng ghép các mục tiêu về bảo vệ môi trường trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ mới.
Các sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cần tiếp tục phát huy vai trò, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Việc hình thành thói quen sống xanh, tiêu dùng bền vững cần được khuyến khích bắt đầu từ những hành động nhỏ trong đời sống hằng ngày.
Đồng thời, các đơn vị cần tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án Hậu Giang xanh, duy trì và nhân rộng các mô hình hiệu quả, đảm bảo tính liên tục, không để gián đoạn trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy.

Thực hiện Đề án Hậu Giang xanh, trong thời gian qua các cơ quan, đơn vị, địa phương tỉnh Hậu Giang đã thực hiện nhiều công trình, phần việc góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: Lê Hùng.
Song song đó, cần rà soát và cập nhật các chính sách nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực môi trường, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo; khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia bảo vệ môi trường bằng những việc làm thiết thực tại nơi ở, cơ sở sản xuất. Đồng thời, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy định về thu gom, đổ thải chất thải không đúng nơi quy định.
Hưởng ứng thực hiện Đề án, TP. Vị Thanh đang đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường. Thành phố yêu cầu toàn bộ hộ dân ký cam kết thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Đức Tài, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường TP. Vị Thanh cho biết, địa phương đang tập trung hỗ trợ người dân thùng rác hai ngăn, tổ chức thu gom rác đặc thù như miểng chai, miểng sành. Đồng thời, thành lập thêm các tổ vệ sinh môi trường tại các tuyến hẻm nhỏ, đầu tư phương tiện phù hợp với điều kiện giao thông từng địa bàn.
Bên cạnh đó, TP. Vị Thanh yêu cầu đơn vị công ích trang bị xe thu gom có ngăn phân loại, bố trí thêm thùng rác công cộng và các điểm tập kết rác đảm bảo vệ sinh. Thành phố cũng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi không phân loại rác, đổ rác sai quy định và chăn nuôi trái phép trong khu dân cư, góp phần xây dựng đô thị xanh – sạch – đẹp.