| Hotline: 0983.970.780

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập tuổi 80 vẫn hát cho dân tôi nghe

Thứ Tư 09/11/2022 , 08:01 (GMT+7)

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập vừa có đêm nhạc ‘Hát cho dân tôi nghe’ nhìn lại sự nghiệp sáng tác, được tổ chức tại Nhà hát Truyền hình TP.HCM tối 8/11.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập là gương mặt tiêu biểu nhất trong phong trào đấu tranh đô thị của giới trẻ miền Nam trước năm 1975. Những sáng tác thuở hai mươi của nhạc sĩ Tôn Thất Lập như “Xuống đường”, “Người đợi người”, “Hát trong tù”, “Lúa reo trên những cánh đồng”... đã đồng hành cùng sinh viên – học sinh Sài Gòn những đêm không ngủ.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập cùng với các nhạc sĩ Trương Quốc Khánh, Nguyễn Văn Sanh, La Hữu Vang, Nguyễn Phú Yên, Miên Đức Thắng... thực hiện những đêm văn nghệ Vì Hòa Bình tại khuôn viên các trường đại học. Và tại Trường Đại học Nông Lâm Súc Sài Gòn đêm 27/12/1969, chương trình hội ngộ thanh niên yêu nước chính thức lấy tên “Hát cho đồng bào tôi nghe”.

Hạt nhân của chương trình “Hát cho đồng bào tôi nghe” là ca khúc “Hát cho dân tôi nghe” của nhạc sĩ Tôn Thất Lập: “Hát cho dân tôi nghe tiếng hát tung cờ ngày nào/ Hát qua đêm thiên thu, lửa cháy trên trại giặc thù/ Hát âm u trong đêm, muôn cánh tay đang dậy lên/ Hát cho anh công nhân xiềng xích như mây tan hoang/ Hát cho anh nông dân bỏ cày theo tiếng loa vang”.

Ca khúc “Hát cho dân tôi nghe” phản ánh đầy đủ quan niệm sáng tác của nhạc sĩ Tôn Thất Lập: “Sứ mệnh của văn nghệ sĩ là phải luôn luôn chọn đứng bên bờ vực thẳm để thấy hết nỗi đau của đời người của người dân ở hạng cùng đinh. Và nhiệm vụ là viết bản án kết tội những người đã đưa họ xuống vực thẳm”.

Sự lan tỏa giục giã và cháy bỏng của ca khúc “Hát cho dân tôi nghe” đã lan tỏa ra ngoài biên giới. Trên báo Le Monde của Pháp số ra ngày 11/2/1972, tác giả Mireille Garnel nhận định: “Vừa mới viết ra, vừa mới xướng lên nó đã được truyền đi từ miệng người này đến miệng người khác. Nó nảy nở giữa gọng kềm siết chặt, nơi mà mỗi cử chỉ, mỗi lời nói là một vấn đề sống chết. Những lời hát cất lên giữa những dùi cui, đàn áp, lặp lại giữa những chiếc xe bọc thép, rồi vang lên ở góc phố, nơi mà những anh sinh viên bị đuổi bắt. Nó đã đánh thức lương tâm của tuổi trẻ và lòng nhiệt thành của họ. Tất cả cơ đồ của “lối sống Mỹ” đã bất lực, không thể bóp nghẹt tiếng nói của một thế hệ trẻ sinh ra dưới những trận bom và chưa bao giờ họ được biết gương mặt của Hòa Bình”.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập những ngày 'Hát cho dân tôi nghe'.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập những ngày "Hát cho dân tôi nghe".

Năm 1973, nhạc sĩ Tôn Thất Lập được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cử đi tu nghiệp tại Nhạc viện Hà Nội. Tại Đại hội sinh viên Việt Nam hải ngoại diễn ra ở Paris năm 1974, tuyển tập ca khúc của nhạc sĩ Tôn Thất Lập có tên gọi “Những cánh chim từ vùng lửa đỏ” đã được phát hành, như một chất liệu gắn kết sức mạnh Việt Nam.

Chương trình “Hát cho dân tôi nghe” tại Nhà hát Truyền hình TPHCM đêm 8/11 có sự tham gia của các ca sĩ Thanh Ngọc, Phương Vy, Nguyễn Phi Hùng, Tố Hoa, Tùng Lâm, Triệu Lộc, Duyên Quỳnh, Đăng Quân, Nhã Thy,Y Garia, Sona Hà Lưu... Ngoài ca khúc “Hát cho dân tôi nghe”, công chúng cũng được thưởng thức lại những sáng tác tiêu biểu của nhạc sĩ Tôn Thất Lập như “Mưa thì thầm”, “Tiếng hát về khuya”, “Tình yêu mãi mãi”, “Cô bé dễ thương”...

Không chỉ nổi bật thời tranh đấu, nhạc sĩ Tôn Thất Lập còn đóng góp cho công cuộc dựng xây đất nước một ca khúc lừng lẫy “Trị An âm vang mùa xuân”. Công trình thủy điện lớn nhất phía Nam đã được thể hiện rạo rực trong tác phẩm của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: “Một dòng nước trong hát câu chờ mong âm vang dòng sông/ Một trời nước non thắp trong lòng anh sáng trong lòng người/ Lặng nghe gió reo nhớ bao ngày qua ước mơ dạt dào/ Lặng nghe nước reo cháy trong lòng ta ước mơ rực sáng/ Dòng điện thắp lên, sáng trong lòng anh, sáng trong lòng em”.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập sinh năm 1942 tại Huế. Nhạc sĩ Tôn Thất Lập sánh duyên cùng ca sĩ Liên Hương (một giọng hát dành được rất nhiều giải thưởng vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước) và có hai người con.

Hiện tại, niềm vui lớn nhất của nhạc sĩ Tôn Thất Lập là chơi đùa với hai đứa cháu nội. Tuy nhiên, trong lòng ông thì tình yêu âm nhạc vẫn dạt dào như “dòng điện mê say gọi ngày tương lai, dòng điện bao la gọi đời bay xa”.

Xem thêm
U16 nữ Hà Nội bảo vệ thành công ngôi vô địch quốc gia

U16 nữ Hà Nội giành chiến thắng 2-1 trước Hà Nam, chính thức bảo vệ thành công danh hiệu vô địch giải U16 bóng đá nữ quốc gia 2025.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp thu vé tham quan

Từ ngày 12/4/2025, người dân và du khách khi vào tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần mua vé với mức giá 40.000 đồng/người/lượt.

Ươm tạo 100 doanh nghiệp du lịch tiên phong quản lý rác hiệu quả

Mục tiêu của ‘Mạng lưới du lịch Việt Nam không rác’ là đến năm 2030 ươm tạo được ít nhất 100 hạt nhân doanh nghiệp tiên phong thực hành quản lý rác hiệu quả.

Vật liệu cũ ‘kể chuyện mới’

Vườn hoa Diên Hồng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ ‘kể chuyện mới’ với một không gian nghệ thuật đầy màu sắc, được tạo dựng hoàn toàn từ vật liệu cũ.

Bình luận mới nhất