| Hotline: 0983.970.780

Nhà máy nghìn tỷ ‘chết lâm sàng’ giữa thủ phủ quặng xứ Thanh

Thứ Sáu 26/01/2024 , 06:11 (GMT+7)

Nơi được xem là “thủ phủ” quặng Cromit Đông Nam Á giờ là vùng đất hoang hóa. Hệ thống điều hành, sản xuất quặng rơi vào cảnh ‘chết lâm sàng’.

Nhà máy nghìn tỷ ‘chết đứng’

Theo tài liệu địa chất, ở Đông Nam Á, chưa có mỏ nào có trữ lượng quặng Cromit lớn như ở Thanh Hóa. Mỏ nằm trên sườn và chân núi Nưa ở vùng đất 3 huyện Nông Cống, Triệu Sơn và Như Thanh. Mỏ Cromit Cổ Định (Triệu Sơn) có trữ lượng Cromit ước tính hơn 20 triệu tấn quặng. Đây là mỏ duy nhất ở Việt Nam và là mỏ lớn nhất Đông Nam Á.

Niềm tin về sự thay da đổi thịt của vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ” quặng Cromit được nhen nhóm khi liên tiếp các dự án khai thác, chế biến khoáng sản của Công ty cổ phần Cromit Nam Việt, Công ty cổ phần Cromit Cổ Định được đầu tư lên tới cả nghìn tỷ đồng và đi vào hoạt động cách đây hơn chục năm về trước. 

Trong đó, đáng chú ý là dự án đầu tư dây chuyền khai thác và tuyển quặng mỏ Cromit Cổ Định với công suất 40.000 tấn tinh quặng/năm và dự án Nhà máy Sản xuất Ferocrom với công suất 20.000 tấn/năm (Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam), được đầu tư cả trăm tỷ đồng, nhưng chỉ sau thời gian ngắn, các cơ sở này đều rơi vào cảnh “chết lâm sàng”. Nhà máy Ferocrom của Công ty cổ phần Cromit Nam Việt cũng nằm trong tình trạng tương tự...

Nhà máy sản xuất Ferocrom được đầu tư cả trăm tỷ nay đã ngừng hoạt động. Ảnh: Quốc Toản.

Nhà máy sản xuất Ferocrom được đầu tư cả trăm tỷ nay đã ngừng hoạt động. Ảnh: Quốc Toản.

Theo quan sát của phóng viên, khu vực khai thác quặng Cromit có diện tích 16,6km2 nằm tại các xã Thái Hòa, Tân Ninh, Vân Sơn (huyện Triệu Sơn) và ở một số xã của các huyện Nông Cống, Như Thanh hiện đã đóng cửa mỏ do giấy phép khai thác đã hết thời hạn. Hiện trường các điểm khai thác mỏ chi chít miệng lỗ chưa được bồi lấp, hoàn thổ. Nhà máy chế biến khoáng sản của Công ty cổ phần Cromit Cổ Định (thuộc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam), nằm trong tình trạng cửa đóng then cài, không người trực. Phía trong khuôn viên nhà máy chất đống hàng tấn quặng nguyên liệu. Toàn bộ máy móc, dây chuyền chế biến ngưng hoạt động, nhiều hạng mục công trình, thiết bị máy móc được đầu tư hàng tỷ đồng đang xuống cấp sau nhiều năm nằm... bất động.

Khu vực điều hành Công ty cổ phần Cromit Cổ Định cũng không có gì khá khẩm hơn. Theo tiết lộ của lãnh đạo đơn vị, dù nhà máy không hoạt động, mỏ khai thác đóng cửa, nhưng Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam vẫn chỉ đạo và duy trì hoạt động hành chính với khoảng 20 người. Các bộ phận quan trọng như Tài chính - Kế hoạch, kỹ thuật vẫn hoạt động để duy trì chế độ… báo cáo định kỳ. Có phòng, ban hiện nay chỉ có trưởng phòng, không có nhân viên. Các bộ phận khác (thiết bị, như vật tư) bị cắt giảm. Lực lượng công nhân còn khoảng vài chục người, trong đó quá nửa là bảo vệ.

Năm 1996, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) đã cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty KLM Thái Nguyên với diện tích 16,6km2 nằm tại các xã Thái Hòa, Tân Ninh, Vân Sơn (huyện Triệu Sơn và một số xã của huyện Nông Cống, Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa). Công ty Cromit Cổ Định Thanh Hóa - TKV đang bảo vệ diện tích mỏ và quản lý các khu đất đã thuê để hoạt động, khai thác khoáng sản. Hiện nay, giấy phép khai thác khoáng sản cấp cho doanh nghiệp đã hết hạn.

Thương vụ hợp tác đổ bể

Một trong những nguyên nhân khiến các nhà máy Ferocrom lâm cảnh bết bát dẫn đến tình trạng đóng cửa là do công nghệ, hiệu quả khai thác còn hạn chế, chi phí sản xuất cao, khiến doanh nghiệp thua lỗ.

Để nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tháng 6/2014, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) và Công ty Archipelago Metals Limited (viết tắt Công ty AML) đã ký kết thỏa thuận hợp tác lập dự án đầu tư cho dự án khai thác và chế biến khoáng sản Cromit Cổ Định tại tỉnh Thanh Hóa. Dự án được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương hợp tác và giao Bộ Công Thương chỉ đạo TKV và Công ty AML sớm hoàn thiện hồ sơ dự án khả thi khai thác, chế biến quặng…

Tuy nhiên, thương vụ làm ăn này không kéo dài được lâu do trong quá trình hợp tác phát sinh một số vướng mắc. Tháng 12/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo TKV làm việc với Công ty AML để chấm dứt thỏa thuận hợp tác về lập dự án theo quy định…

Theo báo cáo của TKV, trong quá trình triển khai chỉ đạo của Chính phủ về việc chấm dứt hợp tác, TKV đã tích cực tìm kiếm các thông tin về tình trạng hoạt động của Công ty AML nhưng các kênh tra cứu đều cho thấy doanh nghiệp này đã bị xóa đăng ký kinh doanh. Do đó, việc gửi văn bản hoặc đề nghị làm việc với Công ty AML không thể thực hiện được. Do vậy TKV kiến nghị cấp có thẩm quyền chấm dứt hợp tác với Công ty AML…

Quặng Cromit được tập kết trong khuôn viên nhà máy. Ảnh: Quốc Toản.

Quặng Cromit được tập kết trong khuôn viên nhà máy. Ảnh: Quốc Toản.

Khi những “rắc rối” về mặt pháp lý về hợp tác đầu tư chưa xử lý xong thì tình trạng mỏ khoáng sản, nhà máy chế biến đóng cửa sau vài năm đi vào hoạt động khiến công tác quản lý đất đai tại huyện Triệu Sơn gặp nhiều khó khăn. Đất quy hoạch khoáng sản bị bỏ hoang sau nhiều năm vẫn chưa được giao cho địa phương quản lý và sử dụng.

Ông Lê Phú Quốc, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn cho biết: “Về phương án, tỉnh Thanh Hóa sẽ thu hồi diện tích đất khoáng sản nói trên để giao cho địa phương quản lý. Hiện nay, diện tích đất khoáng sản bỏ hoang khá lớn, địa phương muốn cho hộ gia đình ký thuê thầu đất để phát triển kinh tế cũng không được vì vướng pháp lý (đất chưa thu hồi)”.

Trụ sở Công ty cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa duy trì hoạt động để thực hiện chế độ báo cáo định kỳ vùng mỏ. Ảnh: Quốc Toản.

Trụ sở Công ty cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa duy trì hoạt động để thực hiện chế độ báo cáo định kỳ vùng mỏ. Ảnh: Quốc Toản.

Một bất cập khác đó là, diện tích đất quy hoạch khoáng sản tại huyện Triệu Sơn chồng lấn ranh giới với quy hoạch di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu (núi Nưa, đền Nưa, Am Tiên tại huyện Triệu Sơn) đã được tỉnh Thanh Hóa phê duyệt năm 2011. Do đó, tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị không quy hoạch phần diện tích bị chồng lấn vào quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia và đưa ra khỏi quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050, để thực hiện điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử gắn với giai đoạn phát triển.

Về việc này, tại buổi làm việc với tỉnh Thanh Hóa hôm 11/11/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, đồng ý với đề xuất của tỉnh Thanh Hóa: “Nếu cần thiết thì đóng cửa mỏ, xây dựng khu vực này thành khu du lịch để khai thác tiềm năng thế mạnh địa phương. Nếu khai thác khoáng sản tại mỏ này phục vụ cho an ninh quốc phòng thì làm, còn nếu không vì mục đích trên thì đồng ý với phương án của tỉnh”.

Việc đầu tư góp vốn 436,95 tỷ đồng của TKV vào Công ty cổ phần Cromit Cổ Định, Thanh Hóa (VTCC) đến nay cũng không phát huy hiệu quả. Lỗ lũy kế của Công ty VTCC từ năm 2012-2015 là 113,5 tỷ đồng; 2 dự án khai thác crôm lớn tại Cổ Định đã dừng hoạt động từ năm 2014. Nguyên nhân chủ yếu do TKV quyết định và thực hiện đầu tư mở rộng 2 dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ Cromit Cổ Định và nhà máy sản xuất Ferocrom khi chưa đủ các điều kiện cần thiết. Theo đó, cả 2 dự án chưa được gia hạn giấy phép khai thác nguyên liệu quặng tương ứng công suất dự án, chưa lựa chọn đối tác nước ngoài phù hợp.

Xem thêm
Không cấp 'sổ đỏ' phải nói rõ lý do cho công dân

Nếu cơ quan chức năng không cấp 'sổ đỏ' cho công dân, trong thời gian giải quyết phải trả lời cụ thể, rõ ràng nêu rõ lý do cho công dân được biết.

Dự án Shoshin Bình Thanh huy động vốn trái phép?

Dự án Shoshin Bình Thanh đang triển khai làm hạ tầng, chưa được phép mở bán nhưng đã thông tin rao bán rầm rộ trên các trang mạng...

Ai tiếp tay phá nát quy hoạch Khu đấu giá Tứ Hiệp?

HÀ NỘI Khu đấu giá được quy hoạch gọn gàng nhưng bị điều chỉnh vô tội vạ, xây dựng vượt tầng, sử dụng đất sai mục đích… khiến bộ mặt đô thị nhếch nhác, xộc xệch.

Bị phạt vì mua, tàng trữ 107 tấn khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp

UBND tỉnh Nghệ An vừa Quyết định xử phạt một cá nhân số tiền 50 triệu đồng vì hành vi mua bán, tàng trữ hơn 107 tấn khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.

Ca sĩ An Ngọc góp tiền xoá nhà tạm cho 5 hộ nghèo quê lúa

An Ngọc yêu nông sản - thương hiệu kết nối nông sản do ca sỹ An Ngọc xây dựng đã chung tay xóa 5 nhà tạm cho các hộ nghèo ở Thái Bình.

Nghiêm cấm ép buộc đổi thẻ căn cước và hộ chiếu

Công an TP Hà Nội khẳng định người dân không phải đổi thẻ căn cước, hộ chiếu sau khi sát nhập, thay đổi tên đơn vị hành chính.

Bình luận mới nhất