| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ thực phẩm nhiễm vi nhựa từ bao bì

Thứ Tư 09/07/2025 , 22:46 (GMT+7)

Một nghiên cứu mới cho thấy việc sử dụng các loại bao bì nhựa phổ biến có thể trực tiếp làm thực phẩm và đồ uống bị nhiễm vi nhựa.

Theo một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học NPJ Science of Food, việc mở màng bọc thực phẩm từ thịt, trái cây, rau quả đóng gói, phô mai, thậm chí là vặn nắp chai thủy tinh, lọ có nắp kim loại phủ nhựa hay ngâm túi trà cũng có thể giải phóng vi nhựa và nano nhựa vào thực phẩm và đồ uống.

Bà Lisa Zimmermann, nhà sinh vật học tại Diễn đàn Bao bì Thực phẩm phi lợi nhuận Thụy Sĩ, tác giả chính của nghiên cứu cho biết, bao bì thực phẩm thực sự là nguồn trực tiếp của các hạt vi nhựa và nano nhựa có trong thực phẩm. Các loại thực phẩm bị phát hiện chứa vi nhựa bao gồm gạo, cá đóng hộp, nước khoáng, bia, muối ăn và thực phẩm mang về.

Theo nghiên cứu, việc mở và đóng nắp chai nhựa có thể giải phóng vi nhựa vào đồ uống. Ảnh: NewScientist.

Theo nghiên cứu, việc mở và đóng nắp chai nhựa có thể giải phóng vi nhựa vào đồ uống. Ảnh: NewScientist.

Theo các chuyên gia, vi nhựa có kích thước từ khoảng 5mm đến 1 micromet, còn nano nhựa nhỏ hơn, có thể xuyên qua mô ruột, phổi và đi vào máu. Một số nghiên cứu gần đây còn phát hiện nhựa trong mô não, gan, tinh hoàn và cả nhau thai. Đáng lo ngại, người có vi nhựa trong động mạch cảnh có nguy cơ đột quỵ hoặc tử vong cao gấp đôi so với những người không có.

Nghiên cứu cũng nhấn mạnh thực phẩm siêu chế biến chứa nhiều vi nhựa hơn do tiếp xúc nhiều hơn với thiết bị nhựa trong quy trình sản xuất. Bên cạnh đó, việc làm nóng, rửa sạch bao bì nhựa để tái sử dụng hoặc để bao bì nhựa dưới ánh nắng có thể làm tăng sự phát thải vi nhựa.

Dù khó loại bỏ hoàn toàn vi nhựa khỏi thực phẩm, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng nên sử dụng vật đựng bằng thủy tinh, thép không gỉ, tránh dùng nhựa trong lò vi sóng và máy rửa bát, đồng thời tránh sử dụng các loại nhựa có mã tái chế số 3 - thường chứa phthalate.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh đây là vấn đề mang tính hệ thống, đòi hỏi hành động chính sách ở quy mô toàn cầu. Cuối tháng 8 năm nay, hơn 175 quốc gia sẽ tham gia vòng đàm phán cuối cùng của Hiệp ước Nhựa toàn cầu tại Geneva (Thụy Sĩ) nhằm hướng tới một thỏa thuận ràng buộc pháp lý để chấm dứt ô nhiễm nhựa.

Tổng hợp từ CNN

Xem thêm
Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.

Bình luận mới nhất