* Tại sao trong dân gian có câu bệnh mùa đông chữa từ mùa hạ?
Bạn Vũ Duy Khoát (TP Hội An, Quảng Nam)
Theo “thuocvuonnha.com” thì “đông bệnh hạ trị” là một phương pháp chữa bệnh độc đáo của Đông y, đã lưu truyền trong dân gian từ thời cổ đại. Phương pháp này cũng được đề cập trong sách “Bản thảo Cương mục” của Lý Thời Trân và trình bày một cách hệ thống trong sách “Trương Thị Y thông” của Trương Lộ. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, tới hơn 1 thế kỷ, phương pháp này dường như bị lãng quên và ít được ứng dụng trên lâm sàng.
Những năm gần đây, “đông bệnh hạ trị” lại hưng khởi. Sau hàng loạt kết quả nghiên cứu lâm sàng, khẳng định tác dụng dự phòng và trị liệu rất hữu hiệu, đối với một số chứng bệnh thường phát tác trong mùa đông, đặc biệt là các bệnh dị ứng, như hen suyễn, viêm mũi dị ứng,… phương pháp “đông bệnh hạ trị” đã được chính thức áp dụng tại các bệnh viện ở nhiều nước.
"Đông bệnh” là những chứng bệnh thường phát tác vào mùa đông; “hạ trị” là sớm tiến hành phòng ngừa, chữa trị ngay trong mùa hạ; như vậy, “đông bệnh hạ trị” nghĩa là tiến hành chữa trị các chứng bệnh mùa đông từ trong mùa hạ.
Từ nhiều thế kỷ trước, Đông y đã nhận thấy: Một số chứng bệnh, như chứng ho lâu ngày, viêm phế quản mạn tính ở người già, hen phế quản (thể hư hàn), tiêu chảy lúc sáng sớm (ngũ canh tả), viêm khớp (thể hàn tý), viêm mũi dị ứng (thể phong hàn),… thường hay tái phát hoặc trở nên trầm trọng hơn trong những ngày giá lạnh mùa đông.
Để chữa trị các chứng bệnh mạn tính nói trên, Đông y thực thi theo nguyên tắc “cấp tắc trị tiêu, hoãn tắc trị bản” - bệnh cấp trị ngọn, bệnh hoãn trị gốc.
Nghĩa là, trong thời gian bệnh phát tác mạnh, nói chung chỉ có thể tập trung vào việc khống chế các triệu chứng, nghĩa là chỉ có thể “chữa ngọn” (trị tiêu). Muốn chữa trị tận gốc (trị bản), cần tiến hành trị liệu ngay từ mùa hạ, lợi dụng giai đoạn bệnh tình đang tạm ổn định.
Phòng trị sớm như vậy, thì khi tới mùa đông, bệnh sẽ đỡ tái phát, hoặc giả có phát tác thì cũng nhẹ hơn. Thực tế lâm sàng cho thấy, khi tiến hành “đông bệnh hạ trị” như vậy, nói chung chỉ cần bỏ ra ít công sức, mà kết quả thu được lại rất khả quan, đặc biệt còn có thể trị được tận gốc cả một số chứng bệnh hiểm nghèo.
Để thuận ứng với thiên nhiên - trời đất, y gia thời xưa không những chủ trương “xuân hạ dưỡng dương, thu đông dưỡng ẩm” (mùa xuân mùa hạ cần bồi dưỡng dương khí, mùa thu mùa đông cần bồi dưỡng âm khí), mà còn phát hiện ra phương pháp “đông bệnh hạ trị”: Phòng ngừa và chữa trị các chứng bệnh mùa đông, bằng cách lợi dụng “dương khí cực thịnh” của mùa hạ, để bổ sung, tăng cường dương khí và sức chống bệnh của nhân thể.
Để thực hiện “đông bệnh hạ trị”, trong Đông y có nhiều biện pháp khác nhau, như uống thuốc, châm, cứu, đắp thuốc, dán cao, giác hơi, tắm thuốc, xông thuốc, ẩm thực liệu pháp… Tuy nhiên, việc chữa trị cần tuân theo nguyên tắc “biện chứng luận trị”, dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc Đông y.