| Hotline: 0983.970.780

Người tạo dựng thương hiệu tôm giống Vina

Thứ Sáu 02/09/2011 , 08:27 (GMT+7)

Tôm giống (tôm sú và tôm thẻ) của Cty Thuỷ sản Vina có thể còn mới mẻ đối với một số tỉnh phía Bắc nhưng lại không hề xa lạ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nam bộ.

Trong số 750 cơ sở SX, cung ứng tôm giống tại tỉnh Ninh Thuận, cơ sở nuôi ương tôm giống của Công ty TNHH Sản xuất và ứng dụng công nghệ thuỷ sản Vina (Cty Thuỷ sản Vina) tại xã Khánh Nhơn, huyện Nhơn Hải, tỉnh Ninh Thuận do Nguyễn Hữu Cường làm Giám đốc là 1 trong 2 cơ sở được bà con nuôi tôm các tỉnh phía Nam đánh giá cao.

Tâm sự với chúng tôi, vị giám đốc trẻ này bộc bạch: Anh xuất thân trong một gia đình có bố làm nghề y, mẹ làm ruộng tại xóm 7, xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương- Nghệ An. Số phận đẩy Cường đến với ngành nuôi trồng thuỷ sản nằm ngoài ý muốn bản thân. Năm 1995, Cường quyết định thi vào Trường Đại học Vinh. Hồi đó nghề sư phạm được cấp học bổng 100%, là cứu cánh cho sinh viên nghèo. Điểm chuẩn vào trường 19-20 điểm. Cường trượt ngành sư phạm vì thiếu mất 1 điểm nên nhận được giấy báo trúng tuyển vào Khoa Thuỷ sản, không phải Khoa Toán như anh ao ước. Bất đắc dĩ phải nhập trường nên mới học được 1 tháng, anh đã âm thầm nghỉ học, quyết tâm thi lại lần 2.  

Nguyễn Hữu Cường đang kiểm tra tôm trong bể ương của công ty

Thấy con trai vừa chân ướt, chân ráo về đến nhà bố mẹ anh đã lập tức bắt con quay lại trường học cái nghề "bất đắc dĩ" ấy. Năm 1999, với tấm bằng kỹ sư thuỷ sản, Nguyễn Hữu Cường nung nấu ý định theo bạn bè "Nam tiến" để kiếm kế sinh nhai. Đang hoang mang chưa biết nên đi đâu, về đâu, anh chợt nhớ đến trại SX nuôi, ương tôm sú giống của Tuấn Cự quê Thanh Chương tại Khánh Hoà, chả là hồi còn sinh viên Cường đã vào đây thực tập 7 tháng.

Vào đến Khánh Hoà, anh bắt xe ôm tìm đến chốn cũ và miệt mài làm việc tại cơ sở này đến năm 2001, Cường mới xin chuyển sang làm kỹ thuật cho Công ty TNHH SX và nghiên cứu thuỷ sản Anh - Việt tại Vĩnh Hảo (Tuy Phong, Bình Thuận) và trở thành cổ đông của Cty. Suốt gần 8 năm trời tích luỹ kinh nghiệm và lưng vốn, cuối năm 2008, khi thấy mình đã đủ lông, đủ cánh, Nguyễn Hữu Cường quyết định ra xã Khánh Nhơn, huyện Nhơn Hải, tỉnh Ninh Thuận, một vùng đất còn thưa thớt nằm sát biển để mở cơ sở SX, ương nuôi tôm giống riêng.

Tại đây, Nguyễn Hữu Cường quyết định kéo Trần Đình Điền (SV Khoa Thuỷ sản 36, Đại học Vinh) và Lương Công Thành, một kỹ sư thuỷ sản Đại học Nha Trang về cùng hùn vốn mua lại cơ sở SX tôm sú giống của ông Lê Dũng với giá 1,8 tỷ đồng để thành lập Cty Thuỷ sản Vina. Thế nhưng điều oái ăm là thời điểm Cty Thuỷ sản Vina vừa mới ra đời thì nghề nuôi tôm sú tại các tỉnh phía Nam đang có sự biến động lớn: Đầu tiên là người nuôi tôm bắt đầu bỏ nuôi tôm sú chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng (tôm thẻ). Thứ 2 là từ mô hình nuôi tôm quảng canh sang nuôi tôm công nghiệp. Bởi vậy, khi biết họ mua lại cơ sở của ông Lê Dũng, ai cũng bảo là "khùng"…

"Nói thực là nghe bạn bè và người thân bàn ra, tán vào mấy anh em chúng tôi trằn trọc không yên", Cường kể. "Nhưng đã ném lao thì phải theo lao. Hồi đó những cơ sở SX tôm giống trên địa bàn xuất giống cho các hộ nuôi tôm công nghiệp với giá 50 đồng/con, trong khi xuất giống cho nuôi quảng canh chỉ 20-25 đồng/con. Nhưng muốn chen chân được vào thì điều đầu tiên sản phẩm tôm giống phải có uy tín và đảm bảo sạch bệnh. Bằng kinh nghiệm 10 năm nuôi tôm giống tại Khánh Hoà và Bình Thuận, chúng tôi đầu tư chiều sâu từ nguồn tôm giống bố mẹ đến việc đưa các công nghệ nuôi ương tôm giống hiện đại, đồng bộ vào từng khâu SX, sử dụng các loại hoá chất, thức ăn chất lượng cao để đảm bảo các chỉ tiêu tốt nhất cho lượng tôm giống của mình SX ra…", Cường kể.

Năm 2009, khi chuyển sang SX, ương, nuôi giống tôm thẻ, Vina vẫn áp dụng cách tiếp cận đó. Cái khó nhất để đảm bảo cho giống tôm thẻ của mình luôn đạt được chất lượng tốt và sạch bệnh, điều quan trọng đầu tiên chính là phải có trong tay nguồn tôm giống bố mẹ sạch bệnh. Lâu nay, tại các cơ sở SX nuôi, ương tôm thẻ ở phía Nam đều nhập nội tôm giống bố mẹ từ 1 trong 3 nguồn: Ha- oai, Thái Lan và Trung Quốc. Trong đó giá tôm giống bố mẹ của Ha- oai là đắt đỏ nhất. Để lấy chữ tín và thương hiệu cho công ty mình, Vina bắt buộc phải chọn tôm bố mẹ của Ha- oai. Nhưng công đoạn ương nuôi từ nao sang đến pots 8 - pots 12 cũng không hề đơn giản. Ngoài việc chăm sóc chúng như chăm trẻ sơ sinh thiếu tháng trong môi trường lồng kính (vô trùng), chỉ cần một sơ suất nhỏ là công sức phút chốc bị đổ xuống sông, xuống biển. 

SV đại học Vinh đang đóng gói tôm giống xuất cho tỉnh Sóc Trăng

Tại cơ sở SX của Cường mọi công đoạn đều được quản lý, tiêu chuẩn hoá một cách chặt chẽ: Nguồn nước biển lấy vào được xử lý triệt để bằng Clorin sau đó mới chuyển qua hệ thống lọc áp lực bằng các tầng vải và cát dày từ đó đưa vào khu vực xử lý bằng quy trình vi sinh rồi mới đưa vào hệ thống bể ương nuôi nao. Cùng với việc tự SX tảo sạch trong môi trường vô trùng để nuôi ương nao với nguồn thức ăn tốt nhất hàng tuần còn phải lấy mẫu kiểm dịch một cách chặt chẽ. Ngay trong quá trình vận chuyển tôm giống cho khách hàng, nếu phát hiện thấy có vấn đề gì là Vina sẵn sàng huỷ để giữ chữ tín.

Quỳnh Lưu mỗi năm có khoảng 120 ha nuôi tôm thẻ. Cty Thuỷ sản Vina cam kết tổ chức kiểm định chất lượng nghiêm túc và đứng ra bảo lãnh về năng suất và bệnh tật cho người nuôi tôm thẻ tại Quỳnh Lưu được lãnh đạo huyện hoan nghênh. Chúng tôi xem đây là một cuộc cạnh tranh lành mạnh để tránh độc quyền và giảm giá tôm giống đầu vào cho người nuôi trong các vụ tới. (Ông Lê Đức Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu).

Đây là lý do giải thích vì sao tôm giống (tôm sú và tôm thẻ) của Cty Thuỷ sản Vina có thể còn mới mẻ đối với một số tỉnh phía Bắc nhưng lại không hề xa lạ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nam bộ. Bằng chứng là mỗi năm Vina đã SX và cung ứng ra thị trường cả nước từ 1,4 đến 1,5 tỷ con tôm giống các loại. Riêng lượng tôm thẻ từ đầu năm đến nay Vina đã cung ứng cho các tỉnh như Sóc Trăng 100 triệu con, Bến Tre 70 triệu con, Tiền Giang 50 triệu con, Nghệ An gần 40 triệu con, Trà Vinh 20 triệu con, các tỉnh Quảng Bình, Thanh Hoá, Quảng Ninh hiện mới cung ứng được trên dưới 20 triệu con/năm nhưng tiềm năng trong các năm tới sẽ tăng mạnh…

Nguyễn Hữu Cường tâm sự, Nghệ An hiện có 2.500 ha nuôi tôm các loại. Theo tính toán của anh thì mỗi năm thị trường này cần lượng tôm giống từ 1,5 đến 1,7 tỷ con/năm. Trong khi đó cơ sở nuôi, ương tôm giống của C.P (đặt tại Quỳnh Lưu) mới cung ứng được chưa đầy 400 triệu con/năm. Lỗ hổng lớn này vẫn chưa được lấp đầy nên anh quyết định đưa tôm giống của mình về quê hương. Giá rẻ, chất lượng tốt, tôm thẻ chân trắng của Cty Thuỷ sản Vina tại Nghệ An đã xuất được 40 triệu con và đang tăng lên từng ngày…

Xem thêm
Môi trường sạch, giá thành giảm nhờ nuôi heo ứng dụng công nghệ sinh học

KON TUM Đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum lần đầu đưa vào sử dụng đệm lót và chế phẩm sinh học trong chăn nuôi heo, hiện đang mang lại hiệu quả kinh tế.

Người đàn ông tử vong sau hai lần bị chó cắn

BÀ RỊA - VŨNG TÀU Một người đàn ông 48 tuổi ở thành phố Phú Mỹ tử vong với các dấu hiệu nghi mắc bệnh dại, sau hai lần bị chó cắn nhưng không tiêm phòng.

Quảng Trị: Lúa đông xuân năng suất giảm, giá thấp

Nông dân Quảng Trị đang tập trung thu hoạch lúa đông xuân. Vụ này năng suất giảm, giá bán thấp, lợi nhuận không đáng là bao.

Sụt lún ngày càng lan rộng, cần sớm xác định nguyên nhân

Bắc Kạn Từ hố sụt lún đầu tiên vào tháng 3, đến nay đã xuất hiện 7 hố sụt lún ở thôn Hiệp Lực, xã Kim Lư, huyện Na Rì (Bắc Kạn) khiến người dân lo lắng.

Nghị quyết 57 như 'hồi trống lệnh' hiệu triệu nhà khoa học

Đông đảo nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ đặt nhiều kỳ vọng từ hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết 57 của ngành nông nghiệp và môi trường.

Đặt mục tiêu nuôi trồng, khai thác 9.200 tấn thủy sản vùng hồ Thác Bà

YÊN BÁI Huyện Yên Bình (Yên Bái) đặt mục tiêu nuôi trồng và khai thác hơn 9.200 tấn thủy sản trên vùng hồ Thác Bà trong năm 2025

Cứu hộ cá thể gấu ngựa gần 20 tuổi

HẢI PHÒNG Vừa qua, Tổ chức Động vật Châu Á và Chi cục Trồng trọt và Kiểm lâm Hải Phòng cứu hộ thành công một cá thể gấu ngựa gần 20 tuổi do người dân nuôi.