Theo thông tin ban đầu, khi đó một người đàn ông khoảng 45 tuổi điều khiển xe xích lô chở theo một số tấm tôn. Đến đoạn đường thuộc xóm 2, xã Yên Lộc, chiếc xích lô dừng lại để quay đầu.
![]() |
Hiện trường vụ việc |
Đúng lúc này, anh Đông (trú tại xã Lai Thanh) điều khiển xe máy đi tới và bất ngờ va trúng chiếc xích lô chở tôn. Do không xử lý kịp nên anh Đông đã bị tấm tôn cứa trúng vào động mạch, khiến chảy nhiều máu. Dù nạn nhân được đưa đi cấp cứu ngay sau đó nhưng đã tử vong.
Nhìn nhận về vụ việc, LS Nguyễn Anh Thơm (Đoàn LS TP Hà Nội) cho biết, đây là hồi chuông cảnh báo đối với các cơ quan chức năng trong việc buông lỏng quản lý, xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện giao thông, vận chuyển hàng hóa cồng kềnh trên đường gây nguy hiểm cho người khác.
Luật sư Thơm phân tích, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định phương tiện giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ.
Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (gọi tắt xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.
Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (sau đây gọi là xe thô sơ) gồm xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự.
Như vậy theo quy định của Luật Giao thông đường bộ thì xe xích lô đều là phương tiện thô sơ giao thông đường bộ. Do đó, vụ tai nạn trên đường giao thông sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ. Nếu có dấu hiệu tội phạm sẽ xử lý tương ứng với nhóm tội phạm liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ theo Bộ luật Hình sự 1999.
1. Trường hợp xe xích lô chở tôn đang quay đầu trên đường mà xảy ra va chạm với xe máy thì người điều khiển xích lô được xác định có lỗi vi phạm:
- Chuyển hướng không quan sát, vi phạm khoản 2 Điều 15: “Chuyển hướng xe khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác”.
- Chở hàng hóa vượt quá giới hạn cho phép không có tính hiệu cảnh báo đã vi phạm khoản 2, Điều 20 (xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ): “Khi xếp hàng hóa vượt phía trước và phía sau xe thì ban ngày phải có cờ báo hiệu màu đỏ, ban đêm hoặc khi trời tối phải có đèn đỏ báo hiệu”.
2. Trường hợp xe xích lô chở tôn đang dừng đỗ để chuẩn bị quay đầu xe (xe đang đứng im) mà xe máy va vào thì được xác định là lỗi hỗn hợp.
- Người điều khiển phương tiện thô sơ (xe xích lô) đã có lỗi vi phạm chở hàng hóa vượt quá giới hạn cho phép không có tín hiệu cảnh báo đã vi phạm khoản 2, Điều 20 (xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ): “Khi xếp hàng hóa vượt phía trước và phía sau xe thì ban ngày phải có cờ báo hiệu màu đỏ, ban đêm hoặc khi trời tối phải có đèn đỏ báo hiệu”.
- Người xe máy có lỗi thiếu chú ý quan sát đã đâm vào tấm tôn phía sau không che bọc an toàn. Hậu quả chết người đã xảy ra nên cần phải xác định lỗi của các bên để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Trong trường hợp nếu xác định xe xích lô đang dừng đỗ mà người điều khiển xe máy không quan sát đâm vào phía sau tấm tôn thì tùy theo tính chất, mức độ lỗi hỗn hợp có thể xử lý người điều khiển xe xích lô bằng biện pháp hành chính (lỗi chở hàng vượt quá giới hạn cho phép), hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 202, Bộ luật Hình sự (BLHS) 1999. Ở đây được xác định xe máy có lỗi thiếu quan sát đâm vào phía sau xe xích lô chở tôn.
4. Nếu trường hợp người điều khiển xe xích lô chở tôn không quan sát, không có cảnh báo và đảm bảo an toàn bất ngờ quay đầu xe va vào xe máy thì người điều khiển xe xích lô có dấu hiệu phạm tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Khoản 1 Điều 202 BLHS 1999.
Theo quy định mới của BLHS 2015 (có hiệu lực từ 01/01/2018) về việc áp dụng các tình tiết có lợi cho người phạm tội, trong vụ việc tai nạn không may xảy ra này, nếu người lái xe xích lô bồi thường trách nhiệm dân sự cho gia đình người bị hại và người bị hại có đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể được cơ quan điều tra xem xét không khởi tố là cũng có căn cứ và phù hợp với quy định của pháp luật.
Tuy nhiên vụ việc xảy ra ở thời điểm này nên vẫn áp dụng BLHS 1999 để xử lý.