Theo Mạng lưới Dấu chân Toàn cầu, Ngày Vượt tải Trái đất (Earth Overshoot Day) năm nay rơi vào 24/7, sớm hơn 8 ngày so với năm ngoái. Đây là thời điểm mà loài người đã sử dụng hết lượng tài nguyên thiên nhiên mà Trái đất có thể tái tạo trong cả năm. Từ sau mốc này, nhân loại bước vào tình trạng “vay mượn sinh thái”, khai thác vượt khả năng tự phục hồi của hành tinh.
Tính toán từ dữ liệu quốc gia do Mạng lưới Dấu chân Toàn cầu cho thấy, hiện nhân loại đang sử dụng gấp 1,8 lần khả năng tái tạo của Trái đất mỗi năm, tương đương tiêu dùng của gần hai hành tinh.
Tình trạng này đã bắt đầu từ đầu thập niên 1970 và tích tụ thành một “khoản nợ sinh thái” khổng lồ, tương đương với 22 năm năng lực tái tạo của Trái đất. Hệ quả là rừng bị tàn phá, đất thoái hóa, đa dạng sinh học suy giảm và lượng khí CO2 trong khí quyển tăng cao, góp phần gây nên biến đổi khí hậu và thiên tai cực đoan trên toàn cầu.

Ngày Vượt tải của Trái đất là thời điểm mà loài người đã sử dụng hết lượng tài nguyên thiên nhiên mà Trái đất có thể tái tạo trong cả năm.
Nguyên nhân khiến Ngày Vượt tải đến sớm hơn năm nay phần lớn đến từ việc điều chỉnh dữ liệu: mức hấp thụ carbon của đại dương giảm, dấu chân sinh thái bình quân đầu người tăng nhẹ, trong khi khả năng tái tạo bình quân lại giảm.
“Chúng ta đang tiêu xài quá mức tài nguyên của hành tinh và nợ Trái đất ít nhất 22 năm phục hồi sinh thái. Nếu còn muốn gọi đây là nhà, chúng ta cần hành động ở quy mô chưa từng có tiền lệ để đảo ngược tình trạng này", TS. Lewis Akenji - thành viên Hội đồng quản trị Mạng lưới Dấu chân Toàn cầu cho biết.
Các chuyên gia từ Mạng lưới Dấu chân Toàn cầu khẳng định, việc chấm dứt tình trạng vượt tải là bắt buộc và hoàn toàn có thể đạt được thông qua thay đổi trong quản trị đô thị, năng lượng, lối sống, thực phẩm và bảo tồn sinh thái.
Ví dụ, nếu thế giới giảm được 50% khí thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch, Ngày Vượt tải có thể lùi lại gần 3 tháng - một bước tiến lớn hướng đến phát triển bền vững và bảo vệ tương lai hành tinh.