| Hotline: 0983.970.780

Mỹ tận dụng khoáng sản từ chất thải mỏ và các mỏ bỏ hoang

Thứ Sáu 25/07/2025 , 16:45 (GMT+7)

Với chính sách quyết liệt của chính quyền, Hoa Kỳ từng bước tận dụng các nguồn tài nguyên tưởng chừng bị lãng phí để xây dựng nền công nghiệp khoáng sản tự chủ.

Ngày 25/7, Bộ Nội vụ Hoa Kỳ đã công bố một loạt biện pháp nhằm tăng cường thu hồi nguyên liệu từ xe điện và vũ khí công nghệ cao; chất thải khai khoáng, phế thải than, bãi thải và các mỏ uranium bị bỏ hoang.

Theo đó, Bộ trưởng Nội vụ Doug Burgum chỉ đạo đơn giản hóa các quy định liên bang liên quan đến hoạt động thu hồi khoáng sản như đất hiếm, lithium và cobalt từ chất thải. Ông yêu cầu các dự án cập nhật hướng dẫn thu hồi, đồng thời rút ngắn quy trình thẩm định các kế hoạch khai thác uranium và khoáng sản từ các mỏ bỏ hoang.

Ông cũng lưu ý rằng, nhiều khu đất liên bang do Bộ Nội vụ quản lý vẫn tồn tại hàng loạt mỏ khoáng bị bỏ hoang, có giá trị khai thác.

Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) được giao nhiệm vụ lập bản đồ và tiến hành kiểm kê toàn diện các điểm có chất thải khai khoáng trên đất liên bang, nhằm xác định tiềm năng tái khai thác khoáng sản.

Việc thu hồi khoáng sản từ chất thải khai thác là một hướng đi đầy tiềm năng, nhưng đòi hỏi phải không gây ô nhiễm môi trường, và giải quyết pháp lý liên quan đến quyền sở hữu tài sản. Ảnh: Peabody Energy.

Việc thu hồi khoáng sản từ chất thải khai thác là một hướng đi đầy tiềm năng, nhưng đòi hỏi phải không gây ô nhiễm môi trường, và giải quyết pháp lý liên quan đến quyền sở hữu tài sản. Ảnh: Peabody Energy.

Động thái này được xem là một phần trong chiến lược dài hạn của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm củng cố năng lực khai khoáng trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.

Trước đó vào tháng 3, Tổng thống Trump đã viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng thời Chiến tranh Lạnh nhằm thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng khoáng sản thiết yếu trong nước.

Phát biểu về sáng kiến mới, Bộ trưởng Burgum khẳng định: "Chúng tôi cam kết mạnh mẽ nhằm độc lập về khoáng sản, đảm bảo nước Mỹ đi đầu trong các công nghệ tiên tiến trong tương lai, đồng thời biến thách thức môi trường thành cơ hội tăng trưởng và đổi mới." 

Bộ Nội vụ kỳ vọng rằng, các biện pháp cải cách sẽ thúc đẩy dòng vốn đầu tư tư nhân, hỗ trợ tái tạo môi trường và tăng cường nguồn cung năng lượng nội địa. Theo nghiên cứu của USGS và các cơ quan địa chất bang, nhiều mỏ hiện tại và mỏ đã ngừng hoạt động vẫn chứa lượng đáng kể các khoáng sản có giá trị như kẽm, germani, telluri và đất hiếm.

Ngành công nghiệp khai khoáng đã nhanh chóng hưởng ứng chủ trương này. Tập đoàn Freeport-McMoRan cho biết họ đặt mục tiêu đến năm 2027 có thể sản xuất khoảng 362.900 tấn đồng mỗi năm, bằng cách chiết tách kim loại từ các đống chất thải tại các mỏ cũ, vốn trước đây bị coi là vô giá trị.

Một ví dụ tiêu biểu là khu vực mỏ chì và kẽm Tar Creek, gần thị trấn Picher, bang Oklahoma. Dù đã bị bỏ hoang từ những năm 1970, khu vực này vẫn còn lượng chất thải chứa nhiều kẽm và germani mà Mỹ hiện vẫn phải nhập khẩu. Trong khi đó, tại mỏ Bingham Canyon ở bang Utah, các bãi thải đồng còn sót lại từ quá trình khai thác trước đây được xác định là có chứa telluri - nguyên tố rất quan trọng trong các  ứng dụng công nghệ quốc phòng.

Tổng hợp từ Reuters

Xem thêm
Trung Quốc: Công suất năng lượng tái tạo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030

Năng lượng tái tạo của Trung Quốc dự báo đạt 3.000 GW vào 2030, khẳng định vai trò trung tâm trong chuyển đổi xanh và phát thải thấp toàn cầu.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.

Bình luận mới nhất