Nếm đặc sản bánh chưng đen của người Dao Quế Lâm trên núi Pù Lầu
Thứ Năm 25/05/2023 , 08:45 (GMT+7)Bánh chưng đen của người Dao Quế Lâm được làm từ gạo nếp Tài, thịt lợn bản, đỗ xanh nương, khi ăn sẽ thấy thơm, ngậy, bùi và cảm giác mịn của tro rơm.

Với người Dao Quế Lâm sống tại thôn Phiêng Phàng trên núi Pù Lầu, xã Yến Dương, huyện Ba Bể (Bắc Kạn), bánh chưng đen là sản vật dâng lên tổ tiên vào những dịp lễ, Tết quan trọng trong năm. Người Dao ở đây thường làm bánh chưng đen vào Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, Tết Thanh minh, Tết Đoan ngọ, Rằm tháng 7... để cúng tổ tiên.

Nguyên liệu làm bánh chưng đen của người Dao Quế Lâm cũng tương tự như bánh chưng truyền thống của người Việt như lúa nếp, đỗ xanh, thịt lợn. Tuy nhiên, khác biệt lớn nhất là lúa nếp gói bánh chưng đen sẽ được nhuộm, lá gói bánh cũng không phải lá dong mà là lá chít. Ngoài ra, lúa nếp dùng gói bánh là giống nếp Tài, đặc sản của đỉnh Pù Lầu, thịt lợn cũng là của người trong bản tự nuôi.

Gạo nếp dùng gói bánh chưng đen được nhuộm chính bằng tro của rơm nếp Tài. Theo chị Triệu Thị Đào, người dân của thôn Phiêng Phàng trên núi Pù Lầu, sau khi thu hoạch nếp Tài, những cọng rơm được người Dao Quế Lâm rửa sạch, phơi khô, cất giữ cẩn thận đến lúc nào gói bánh mới đem ra đốt nhuộm gạo. Những cọng rơm này không phải là cả thân cây mà chỉ là phần rơm của bông lúa, rất nhẹ và có mùi thơm thoang thoảng đặc trưng.

Lá dùng để gói bánh là lá chít chứ không phải lá dong, dù ở vùng rừng núi Bắc Kạn lá dong cũng rất sẵn. Nguyên nhân, người Dao Quế Lâm nói lá chít có mùi thơm đặc trưng, lại theo thớ dọc nên sau khi gói bánh dễ bóc, dễ bảo quản: "Ăn bánh chưng đen gói lá chít có thể ăn đến đâu bóc đến đấy, tương tự như bóc quả chuối vậy".

Về nếp Tài, đây là giống nếp đặc trưng của vùng núi Pù Lầu và đặc biệt ở thông Phiêng Phàng có hẳn một cánh đồng ruộng bậc thang trồng nếp Tài hữu cơ, hoàn toàn không có sự có mặt của phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật. Đến múa nếp chín, người phụ nữ Dao Quế Lâm xuống ruộng thu hoạch bằng tay chứ không dùng máy, thậm chí không dùng cả liềm. Những bông lúa được hái về, phơi khô rồi mới tuốt, phần rơm giữ lại để làm tro nhuộm bánh.

Những người phụ nữ ở đây nói rằng, thu hái nếp thủ công như vậy sẽ giúp hạt thóc lưu giữ được hương thơm, khi dùng nấu xôi, làm bánh hương vị vì thế cũng đậm đà hơn. Với thịt, người Dao Quế Lâm dùng lợn tự nuôi để làm bánh, một là để chủ động do xa chợ, hai nữa là hương vị cũng thơm hơn các loại lợn nuôi công nghiệp phổ biến hiện nay.

Bánh chưng đen được luộc ít nhất 8 tiếng, nếu có thời gian bánh luộc 12 tiếng sẽ càng mềm, dền và các nguyên liệu hòa quyện vào nhau tốt hơn. Sau khi vớt bánh người Dao Quế Lâm thường treo lên hoặc cho vào các loại rổ, rá để ráo nước trước khi đem thắp hương cúng tổ tiên.

Bánh chưng đen của người Dao Quế Lâm do ông cha truyền lại, trong đó màu đen là biểu hiện mùa màng bội thu, đời sống của con người ngày càng no ấm; màu đen của bánh còn thể hiện sự hòa hợp của đất, trời và lòng người.

Bánh chưng đen khi bóc ra rồi cắt lát miếng nào cũng có đầy đủ gạo, đỗ và thịt với sự hòa trộn màu đen của gạo nếp Tài, xanh của đỗ, đỏ và trắng của thịt lợn. Miếng bánh khi ăn có mùi thơm của lúa nếp, vị bùi của đỗ xanh, vị béo ngậy của miếng thịt ba chỉ. Đặc biệt, do nhuộm bằng tro rơm nếp Tài nên khi nhai kỹ, sẽ cảm nhận được độ mịn của tro bám quanh hạt hạo. Ngoài vấn đề màu sắc, tro của rơm nếp còn giúp bánh có mùi thơm, bảo quản lâu và tốt cho tiêu hóa.
tin liên quan
![Phận nghèo trên mỏ đất hiếm: [Bài cuối] Trở lại Dấu Cỏ sau 19 năm](https://t.ex-cdn.com/nongnghiepmoitruong.vn/608w/files/nghienmx/2025/04/10/0804-dsc_4099_1-083221_121-090104.jpg)
Phận nghèo trên mỏ đất hiếm: [Bài cuối] Trở lại Dấu Cỏ sau 19 năm
Sau 19 năm tôi trở lại Dấu Cỏ và không còn nhận ra những nấm mồ của những đứa trẻ chết do nghi bị nhiễm phóng xạ, chúng đã lẫn vào với cỏ cây.
![Phận nghèo trên mỏ đất hiếm: [Bài 3] Những chuyện không muốn kể](https://t.ex-cdn.com/nongnghiepmoitruong.vn/608w/files/doanhtq/2025/04/08/0215-5024-0517-0901-482191291_963830579264163_2665820096825720664_n-200608_890.jpg)
Phận nghèo trên mỏ đất hiếm: [Bài 3] Những chuyện không muốn kể
Bữa đến thăm nhà, nếu không có lời giải thích của chị Điêu Thị Hoán thì tôi với anh Chủ tịch xã Đông Cửu đã tưởng rằng gia đình đang ăn trứng lộn, thực ra đó chỉ là những quả trứng tắc.
![Sốt đất xuyên tỉnh: [Bài cuối] Nhiều địa phương cảnh báo sốt đất ảo](https://t.ex-cdn.com/nongnghiepmoitruong.vn/608w/files/doanhtq/2025/04/08/4149-5836-z6472469745272_0c536bd5109f4bb0e17580fb9a8e5a5b-142140_805.jpg)
Sốt đất xuyên tỉnh: [Bài cuối] Nhiều địa phương cảnh báo sốt đất ảo
Cơ quan chức năng của các tỉnh Phú Thọ, Ninh Bình, Tuyên Quang, Thái Bình… và nhiều địa phương khác đồng loạt đưa ra cảnh báo để người dân tránh rơi vào 'bẫy' sốt đất.
![Phận nghèo trên mỏ đất hiếm: [Bài 2] Những người nghèo độc thân](https://t.ex-cdn.com/nongnghiepmoitruong.vn/608w/files/doanhtq/2025/04/07/2318-0412-0125-5102-dsc_4040_1-194443_137.jpg)
Phận nghèo trên mỏ đất hiếm: [Bài 2] Những người nghèo độc thân
Ngôi nhà mới xây tại khu Mặc Chanh, xã Thượng Cửu (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) là nơi ở của anh Hà Văn Sơn 37 tuổi cùng hai con 12 tuổi, 9 tuổi.
![Phận nghèo trên mỏ đất hiếm: [Bài 1] Con đường đau khổ](https://t.ex-cdn.com/nongnghiepmoitruong.vn/608w/files/doanhtq/2025/04/04/5754-1511-3449-dsc_4018_1-192659_814.jpg)
Phận nghèo trên mỏ đất hiếm: [Bài 1] Con đường đau khổ
Nằm trên cả một vùng mỏ đất hiếm urani (quặng phóng xạ) thuộc địa bàn xã Thượng Cửu, Đông Cửu (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) nhưng nhiều hộ dân trong vùng vẫn nghèo.
![Sốt đất xuyên tỉnh: [Bài 3] Cẩn thận với 'mật ngọt' của tư vấn](https://t.ex-cdn.com/nongnghiepmoitruong.vn/608w/files/content/2025/04/07/z6475556766354_5a578e9c06cc77f3f46a32560460447a-110341_670-081725.jpg)
Sốt đất xuyên tỉnh: [Bài 3] Cẩn thận với 'mật ngọt' của tư vấn
Chị N.T.H mang theo cả con nhỏ mới mấy tháng tuổi đi xem đất và nhanh chóng quyết định xuống tiền đầu tư một lô đất 50m2 vùng ven đô Hà Nội.