| Hotline: 0983.970.780

50 năm thống nhất đất nước

Nắm tay nhau nhìn về tương lai…

Thứ Tư 30/04/2025 , 09:33 (GMT+7)

Quảng Bình Vợ chồng ông Steve đã đến vùng đất lửa Quảng Bình để tìm lại những kỷ vật, địa danh - nơi mà người bố (là phi công) đã từng đến và tử nạn…

1.

Trong một lần gặp mặt, nhà văn Nguyễn Thế Tường (tác giả “Hồi ức của một binh nhì”), đã kể câu chuyện về ông cựu binh Mỹ (là phi công hẳn hoi), có nhờ ông tìm giúp người lính Bắc Việt mà họ đã cảm phục và ngưỡng mộ vì theo họ đó là người lính can trường, dũng cảm.

Câu chuyện được kể lại, vào một ngày hè đổ lửa trong năm 1967, từng tốp máy bay Mỹ thay nhau quần thảo ném bom nhằm cắt đứt tuyến đường 12A huyết mạch tại Quảng Bình hòng ngăn chặn sự chi viện cho chiến trường miền Nam. Trên một mỏm đồi cao đã bị bom đạn cày xới làm bay hết màu xanh cây cỏ mà thay vào đó là trắng đùng đục của những tảng đá vỡ vụn, có người lính với khẩu pháo 12,7 ly.

Vợ chồng ông Steve (bên trái) và vợ chồng nhà văn Đoàn Tuấn chụp ảnh tại nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở huyện Lệ Thủy. Ảnh: P. V.

Vợ chồng ông Steve (bên trái) và vợ chồng nhà văn Đoàn Tuấn chụp ảnh tại nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở huyện Lệ Thủy. Ảnh: P. V.

Giữa “mưa bom bão đạn” ấy, từ trên cao, những phi công Mỹ phát hiện chỉ còn một người lính tại trận địa bên khẩu cao xạ và đang bắn trả quyết liệt. Phi công chỉ huy tốp bay đàm thoại với những phi công lái máy bay khác với đại ý là: “Đừng giết người lính Bắc Việt này mà chỉ hù dọa bắn bom đạn để xem anh ta gan dạ đến mức nào”.

Cứ mỗi lần máy bay bổ nhào ném bom thì khẩu cao xạ 12,7 ly lại đĩnh đạc cất tiếng. Trong mịt mù khói lửa và những tiếng nổ ầm ầm, tiếng rú của máy bay bổ nhào là ánh chớp lửa đầu nòng pháo. Người lính ấy vẫn can trường một mình với khẩu cao xạ trên đỉnh đồi bị băm nát bởi bom đạn, đánh hất cả tốp máy bay.

Nhiều ngày liền, người lính ấy đã một mình chống trả tốp máy bay Mỹ cho đến viên đạn cuối cùng mới chịu rút vào hầm trú ẩn. Các phi công Mỹ nhận định, có thể đơn vị của người lính đã rút hết hoặc đã hy sinh hết, chỉ còn duy nhất anh ta với khẩu cao xạ bình tĩnh hất ngược từng tốp máy bay.

Hình ảnh ấy đã in đậm trong tâm trí phi công Mỹ Roger Van Dykeld nên ông đã nuôi ý nguyện phải quay trở lại Việt Nam để tìm lại “địch thủ” năm nào.

Gần nửa thế kỷ sau, vào các năm 2010-2012, phi công Mỹ Roger Van Dykeld (lúc này là cựu đại tá), đã qua Việt Nam nhiều lần. Mục đích lớn nhất của ông là tìm và gặp cho bằng được người lính Bắc Việt mà ông và những đồng đội năm xưa vẫn gọi là “đối thủ đáng kính”. Mở đầu cho hành trình tìm kiếm này, ông Roger Van Dykeld viết một bức thư gửi cho ông Hồ Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ các dự án phát triển.

Bức thư có đoạn: “Sỹ thân mến! Đây là thông tin mà tôi có về đối thủ đáng kính: loại pháo phòng không 12,7 ly, thời gian từ tháng 10/1967 đến tháng 1/1968 (đây là thời gian tối thiểu, có thể lâu hơn). Vị trí: phía nam của mỏm đá vôi cao (không có cây), một trong hai vị trí có thể sau đây:

Vị trí 1: 17 độ 32 phút, 34 giây độ bắc; 105 độ 44 phút 14 giây độ đông.

Vị trí 2: 17 độ 32 phút 63 giây độ bắc; 105 độ 44 phút 2 giây độ đông.

Cả hai vị trí này đều nằm ở phía đông đường Hồ Chí Minh đi qua Lào phía nam đèo Mụ Giạ. Lý do tôi muốn tìm người này hoặc gia đình để bày tỏ lòng khâm phục đối với anh ấy như một đối thủ đáng kính. Những thành viên của đội bay chúng tôi đã bay dưới làn đạn lửa của người lính này gần như hằng ngày. Họ khâm phục anh ấy vì mỏm đá vôi rất cao và dốc đứng, có thể anh ta rất vất vả để chuyển được đạn cho khẩu pháo 12,7 ly. Hơn nữa, anh ấy gần như phơi mình nên rất dễ bị không kích. Chính vì thế, đội bay chúng tôi nghĩ anh ấy rất dũng cảm. Họ đặt tên cho anh ấy là “Cậu bé ngồi trên mỏm đá vôi”. Bây giờ họ muốn liên lạc với anh ấy hoặc gia đình để tỏ sự ngưỡng mộ với anh ấy như là một chiến binh dũng cảm, và cũng là để có thể mở rộng vòng tay hòa bình đối với những người mà trước đây đã từng là kẻ thù của mình.

Cảm ơn vì những gì Sỹ có thể sẽ giúp để định vị được người lính này hoặc gia đình của anh ấy. Tôi nghĩ là anh trai của Sỹ (đang công tác trong lực lượng không quân) cũng có thể có sáng kiến hay để tìm được người lính ấy...”.

Vợ chồng ông Steve thăm hỏi bà Hoàng Thị Bổn (vợ liệt sỹ) tại thành phố Đồng Hới. Ảnh: Đ. Tuấn.

Vợ chồng ông Steve thăm hỏi bà Hoàng Thị Bổn (vợ liệt sỹ) tại thành phố Đồng Hới. Ảnh: Đ. Tuấn.

Bức thư được chuyển đến Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Bình, đến các giáo sư cựu chiến binh ở khoa Văn, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội (nơi nhà văn Nguyễn Thế Tường đã học trước khi có giấy báo lên đường nhập ngũ)… để kết nối với đơn vị của người lính đó. “Tôi viết lại câu chuyện này, hy vọng các cựu binh đã chiến đấu ở đây liên lạc để có thể giúp đại tá Roger Van Dykeld tìm lại được "đối thủ đáng kính" của mình. Nhưng cho đến nay, thật đáng tiếc, người lính vẫn là ẩn số…”, nhà văn Nguyễn Thế Tường nói.

Cũng theo nhà văn Nguyễn Thế Tường, bên đơn vị quân đội đã giúp xác định các tọa độ mà viên đại tá Mỹ Roger Van Dykeld cung cấp đúng là đều nằm ở phía đông đường Hồ Chí Minh qua Lào, chính là đường 12A từ Ba Đồn lên Đồng Lê, Tuyên Hóa, Quy Đạt, Khe Ve, La Trọng, Bãi Dinh, Cổng Trời, Mụ Giạ qua Lùm Bùm… vòng về miền Nam.

“Có thể người lính ấy đã mãi mãi nằm lại trên ngọn đồi nào đó trong cuộc chiến không cân sức để bảo vệ tuyến đường huyết mạch. Hoặc cũng có thể anh đang vui thú tuổi già với con cháu ở một vùng quê yên bình nào đó. Nhưng dẫu không tìm được người lính đó thì khí phách anh hùng của anh đã mãi trong lòng những người đã từng là kẻ thù, từng là đối thủ trong cuộc chiến và họ cũng đang hướng đến một tương lai không còn có chiến tranh xảy ra”, nhà văn Nguyễn Thế Tường trầm tĩnh nói.

2.

Tôi may mắn được làm quen với nhà văn Đoàn Tuấn, một cựu binh chiến trường K năm xưa và tôi cũng là người đọc hay được nghe rất nhiều những trang viết của các cựu binh đã từng đổ máu xương trên chiến trường K ngót nghét 10 năm ấy, trong đó có cuốn hồi ký “Mùa chinh chiến ấy” của nhà văn Đoàn Tuấn..

Một cuối chiều đầu tháng Tư, vợ chồng nhà văn Đoàn Tuấn, nhà văn Nguyễn Thế Tường, tôi và vợ chồng ông Steve Morrissey (quốc tịch Mỹ) ăn cơm tại Đồng Hới. Chị Tô Thị Bẩy (vợ nhà văn Đoàn Tuấn), giới thiệu với mọi người về vợ chồng ông Steve: “Cách đây 53 năm về trước, bố ông Steve là phi công lái máy bay Mỹ. Chiếc máy bay bị bắn rơi tại hồ Phú Hòa (xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy) và phi công tử nạn.

Đầu năm 1972, miền Bắc phải hứng chịu cuộc tập kích không quân dữ dội trở lại của Hoa Kỳ nhằm chặn đứng cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1972 của Quân Giải phóng. Quảng Bình một lần nữa trở thành tọa độ lửa, hứng bom rải thảm B-52 và các đợt tấn công trong Chiến dịch Linebacker (từ tháng 4 đến tháng 10/1972). Lực lượng phòng không tỉnh đã lập nhiều thành tích, bắn rơi các loại máy bay tối tân của Mỹ.

Vào ngày 7/11/1972, dân quân du kích dùng súng máy phòng không bắn rơi tại chỗ một máy bay F-111A Aardvark của Không quân Mỹ. Chiếc F-111 này bị hạ khi bay thấp ban đêm (loại F-111 có khả năng bay thấp tốc độ cao để tránh radar). Cả hai phi công Mỹ trên máy bay đều tử nạn tại vùng đồi Phú Hòa.

Ông Steve tưởng niệm người bố tử nạn bên hồ Phú Hòa (Lệ Thủy). Ảnh: Đ.Tuấn.

Ông Steve tưởng niệm người bố tử nạn bên hồ Phú Hòa (Lệ Thủy). Ảnh: Đ.Tuấn.

Khi đó, ông Steve mới 16 tuổi, chỉ biết là người bố đang sống ở đâu đó chưa về. Khi lớn lên, ông tìm hiểu mới biết, bố là phi công và đã tử nạn trong chuyến bay đánh phá vùng miền Bắc của Việt Nam. “Từ đó, tôi mong muốn có được ngày đến Việt Nam, tìm về nơi bố đã tử nạn để thay bố làm một việc gì đó như thay lời xin lỗi”, ông Steve trầm tư nói.

Được sự giúp đỡ của các cơ quan hữu quan, vợ chồng ông Steve đã đến bảo tàng Quân khu 4, nơi lưu giữ những chứng tích chiến tranh. Khi người cán bộ bảo tàng mở tập hồ sơ đã ố vàng theo thời gian và đó là tấm bản đồ bay còn còn lưu giữ bút tích của người điều khiển. Giọng ông Steve như chùng lại: “Tôi đã nhận ra đó là bút tích của bố tôi, không thể nào lẫn được”. Quả thực, khi xem tiếp những giấy tờ khác, phù hiệu… thì đúng chính xác đó là của bố đẻ ông Steve.

Hôm sau, ô tô hướng vào Quảng Bình. Qua đèo Ngang, nhà văn Đoàn Tuấn bảo với ông Steve: “Xe đã vào địa phận Quảng Bình”. Giọng ông Steve thảng thốt: “Tôi nghe trong mình như có luồng điện chạy qua. Vậy là sau 53 năm, tôi mới thực hiện được ý nguyện của mình”.

Theo kế hoạch, đoàn sẽ đưa ông Steve Morrissey và bà vợ tên Jennie đến hồ Phú Hòa, huyện Lệ Thủy để thăm nơi máy bay của bố ông Steve bị bắn rơi vào năm 1972. Nhà văn Đoàn Tuấn và mọi người vào Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Lệ Thủy viếng các liệt sỹ và thủ trưởng cũ là Trung tá Võ Sỹ Lực (ông hy sinh tháng 3/1981 tại Anlung Vieng - chiến trường K, khi đang là Phó Trung đoàn trưởng E29).

Con trai thủ trưởng Võ Sỹ Lực là anh Võ Trí Dũng, hiện tham gia Ban an ninh xã. Anh Dũng mời mọi người về nhà dự bữa cơm thân mật. Bữa cơm được dọn ra trên một dãy bàn dài, toàn những món ăn ngon. Gà thả đồi của nhà, cá hồ nhà nuôi, rau của nhà trồng được. Hầu như mọi thứ đều gần gũi. Đầu bếp là người cô và vợ của anh Dũng. Nhà văn Đoàn Tuấn bảo: “Mọi người được chiêu đãi tại nhà hàng ngàn sao đây nha”.

Thưởng thức từng món ăn đồng quê, ông Steve nói, từ ngày đến Việt Nam thì đây là bữa ăn ngon nhất mà vợ chồng ông được thưởng thức. “Khi ở Mỹ, tôi không thể hình dung được cảnh tượng người Việt Nam đón tiếp vợ chồng tôi trong khung cảnh gia đình ấm áp như thế này”.

 Sau bữa trưa, mọi người chia tay gia đình anh Dũng để theo lịch trình đến hồ Phú Hòa.

Những ngày nắng đầu mùa nên khá gắt. Một cán bộ địa phương đã đợi sẵn trên đường để đưa mọi người đi về phía hồ. Anh Dũng và người chú đi cùng. Chẳng gì thì vợ chồng ông Steve Morrissey đã vượt nửa vòng Trái đất đến nơi này - nghĩa cử làm mọi người xúc động.

Ông Steve mất bố khi mới 16 tuổi. Anh Dũng mất cha khi mới lên 10. Hơn 30 năm trước, anh Dũng cũng theo ông nội mình lên Tây Nguyên lấy hài cốt cha đưa về an tang tại Nghĩa trang Liệt sỹ để hương khói. Ông Steve sau 52 năm mới thực hiện được tâm nguyện đến tận nơi bố ông đã tử nạn để tưởng nhớ. Ông Steve tặng anh Dũng cái huy hiệu tự làm từ bên Mỹ. Một bên in hình quốc kỳ Việt Nam, một bên ghi tên bố ông và bang New Mexico, quê hương ông. “Bây giờ chúng ta đã là bạn”, ông Steve nói với anh Dũng và mọi người.

Ông Steve và vợ làm lễ bên hồ. Không đến được chỗ máy bay rơi theo bản đồ vệ tinh vì đường khó đi và còn bị ngập nước. Ông xin phép được làm lễ bên hồ, chỗ thoáng, để có cảm giác được ngồi với linh hồn bố. Lễ ông Steve mang theo cũng là những thứ hằng ngày như bánh, thuốc lá, rượu... từ quê nhà. Có cả một hộp nhỏ đựng những thứ mà mẹ ông dặn, trước khi mất, mang đến cho bố.

Ông Steve mở chai rượu, rót cho bố một ly, đổ xuống hồ một ly và mời mọi người cùng uống. Mọi người giúp ông Steve nhặt vun lại một đống nhỏ củi khô ven hồ. Ông Steve đốt lên đống lửa nhỏ, hóa vàng những thứ mang theo rồi lấy một hộp nhỏ luôn mang theo bên mình mở ra, rắc tro xuống hồ…

“Đó là ít tro hài cốt của mẹ tôi. Trước khi nhắm mắt, mẹ tôi đã ao ước được đến nơi bố tôi đã tử nạn và hôm nay tôi đã làm được điều mà mẹ tôi đã di chúc lại”, mọi người như thảng thốt, xúc động tận đáy lòng khi nghe ông nói. Hóa ra, dù là phong tục của người Mỹ nằm cách xa vạn dặm hay người Việt đều có những tín ngưỡng chẳng hề xa lạ gì với nhau cả. Ai cũng quay mặt đi để nén xúc động.

Nhà văn Nguyễn Thế Tường (trái), tác giả và vợ chồng ông Steve tại Quảng Bình. Ảnh: P. V.

Nhà văn Nguyễn Thế Tường (trái), tác giả và vợ chồng ông Steve tại Quảng Bình. Ảnh: P. V.

Ông Steve đứng cúi đầu, nói thầm thì những tiếng rất nhỏ, như đang nói nói với bố, là ông đã đến mảnh đất này, đã nhận được những tấm lòng chia sẻ đầy tình người, nhận thay cho cả bố, mẹ ông nữa…

Hôm sau, Steve muốn đến thăm cầu Trường Thủy, nơi tọa độ mà máy bay của bố ông nhận lệnh ném bom đánh sập. Nhà văn Nguyễn Thế Tường làm người dẫn đường đưa đi. “Đó là một tọa độ nằm trên đường chiến lược 15A, được gọi là Thác Cóc. Thời điểm đó, cầu đã bị bom Mỹ đánh sập nên bộ đội, thanh niên xung phong xếp đá làm ngầm cạn cho ô tô vận chuyển khí tài, lương thực vào chiến trường”, nhà văn Nguyễn Thế Tường nhớ lại.

Đứng trên cầu, ông Steve nhìn thượng nguồn dòng sông Kiến Giang xanh ngắt chảy tràn qua những tảng đá tung bọt trắng xóa. Ông cứ mãi dõi mắt nhìn những người công nhân đang hối hả xây dựng một chiếc cầu cao, dài cách chiếc cầu cũ không xa.

Qua phiên dịch, nhà văn Nguyễn Thế Tường giới thiệu: “Đấy là chiếc cầu bắc qua sông trên tuyến đường cao tốc Bắc - Nam mà Việt Nam đang xây dựng”. Ông Steve nhìn con đường đang xây dựng chạy tít tắp, nhìn chiếc cầu vươn cao bắc qua con sông nơi mấy chục năm trước là điểm tọa độ lửa. Khuôn mặt ông sáng lên.

Bất ngờ, ông xin phép được “check-in” tấm hình với nhà văn Nguyễn Thế Tường ngay trên chiếc cầu tọa độ lửa năm xưa. Ông không nói ra điều lòng mình đang suy nghĩ, nhưng mọi người biết, ông cũng đang rất vui.

Buổi chiều, vợ chồng ông Steve cùng mọi người tới thăm nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại xã Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy), đến thăm gia đình liệt sỹ tại thành phố Đồng Hới. Gặp ai, ông cũng nắm tay thật chặt như để muốn nói lời xin lỗi, lời cảm ơn. Tôi đã thấy nhà văn Đoàn Tuấn đưa khăn tay lên mắt khi nhìn thấy người đàn ông ngoại quốc gần bảy mươi tuổi cao lớn ngồi bên một người phụ nữ Việt Nam là vợ liệt sỹ với vóc dáng hao gầy và ông Steve đã khóc…

Xem thêm
Quảng Nam phấn đấu hoàn thành công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trước 31/10/2025

Quảng Nam sẽ tập trung ưu tiên hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho đối tượng thuộc người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ trước ngày 27/7.

Phú Thọ, vì sao người Mường ruồng bỏ nhà sàn?: [Bài 2] Cốt không hồn

Anh Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ cho biết trước năm 2000 gần như 100% người Mường trong xã đều ở nhà sàn.