Đó là vào những năm tháng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc đang diễn ra ác liệt. Hằng ngày, trên bầu trời của quê tôi luôn vang lên tiếng gầm rú của máy bay Mỹ, tiếng pháo cao xạ, tên lửa của bộ đội ta đáp trả để bảo vệ bến phà Long Đại, đường 10, đường 15, bến kho Mỹ Trung…

Xe Giải phóng, cách gọi quen thuộc của người làng tôi. Ảnh: Tư liệu bảo tàng.
Tôi khi ấy hãy còn bé, hằng ngày đội mũ rơm, cùng đám bạn len lỏi qua các tuyến hào giao thông dưới những hàng tre rậm rạp để đến trường. Mỗi lần đi học, chúng tôi đều băng qua những con hào dưới lũy tre dày, vượt qua sân kho của hợp tác xã. Rồi cả đám lại đứng kiễng chân, say mê ngắm nhìn những dãy ô tô tải mà bà con gọi là xe Giải phóng cho thỏa thích. Đến khi tiếng trống trường giục giã vang lên, chúng tôi mới ù té chạy hết hơi để kịp xếp hàng vào lớp.
Làng tôi trải dọc theo Quốc lộ 1A và cách thép Vĩnh Linh (Quảng Trị) chưa đầy 50 cây số, nên cũng trở thành điểm đón nhận hàng hóa để đưa vào chiến trường. Thời gian đó, có những đoàn xe về làng tôi. Đó là những đoàn xe mang số hiệu H12, 802, 804…(mà người làng tôi vẫn quen gọi xe Giải phòng), chuyên chở hàng hóa phục vụ chiến trường miền Nam. Các loại vũ khí, lương thực, thuốc men được tàu hàng quốc tế chở cập cảng Quảng Bình, sau đó được xà lan, đò của lực lượng dân quân vận chuyển lên tập kết tại kho bãi Mỹ Trung (cách làng tôi độ 2 cây số), rồi được các đoàn xe tiếp tục vận chuyển tiếp vào Vĩnh Linh hoặc cõng sang đường 10, đường 15…để sang Lào hoặc nhập vào đường Hồ Chí Minh, tiến vào chiến trường.
Những khi trả hàng về, nhiều chiếc xe bị bom làm xơ xác, mui xe rách toác, cabin hằn sâu vết mảnh bom. Các chú bộ đội lái xe băng trắng thấm máu trên đầu, có chú mãi không về… Tôi còn nhớ có chú lái xe tên Lam hay vào nhà tôi nghỉ mỗi khi xong chuyến hàng và ô tô đang được đội sửa chữa, phục hồi hư hỏng.
Hôm đó, cả đoàn xe hơn chục chiếc vừa xong chuyến hàng vào Nam. Chú Lam chạy đầu tiên, rẽ vào con đường đất sát sân kho để ô tô nấp dưới rặng tre. Hôm sau, chú cho xe đi nhận hàng thì bánh xe quay tròn, bới cát tốc như xối ra phía sau và cứ thế lún sâu xuống cát. “Pê - ti -nan rồi” (ý là xe bị sa lầy) - chú Lam nhảy xuống xe nói to, trong khói xăng khét lẹt. Các chú bộ đội dùng xẻng, cuốc đào bới làm rãnh cho xe trườn lên. Nhưng cứ mỗi lần như thế là ô tô lún sâu hơn. Một ô tô khác lùi vào, móc cáp để kéo xe chú Lam. Trong tiếng máy gầm, khói xăng mù mịt, chiếc xe thứ hai cũng bị lún, lầy như xe chú Lam vậy. Vậy rồi, cả đoàn xe Giải phóng hơn chục chiếc “cứu hộ” nhau cũng bị sa lầy trong cát. Những đoạn dây cáp dùng kéo xe đứt tung tóe, vứt bỏ bên vệ đường.
Chú chỉ huy đoàn xe đi tìm đến làng nhờ hỗ trợ. Mọi người tất tả đi tìm cụ Đờn, cụ Thức để bàn tính. Trong làng, hai cụ là người cao tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh lắm. Người làng còn nhớ như in, cứ mỗi lần làng có nhà cháy do bom đạn hay do hỏa hoạn đều có mặt hai cụ. Nhà cụ Đờn và cụ Thức ở gần nhau, cuối thôn sát chân động cát, được bao quanh bằng những lũy tre xanh. Những cây tre được đứng thẳng, ngọn cong vút là nơi đậu của bầy chàng làng hót râm ran mỗi sáng. Mỗi lần có cháy nhà, cụ Đờn nghe tiếng kêu cứu, tiếng trống, kẻng đánh báo động thúc dục là có biến, cụ liền lắng tai nghe xem hướng xóm nào rồi giục cụ Thức: “Cháy nhà xóm trong rồi cụ Thức ơi!”, rồi vác cây thang trơn bóng, nhẫy mồ hôi, phóng chạy trước. Cụ Thức cầm cây rựa bén ngót chạy theo. Khi mọi người đang rối rít trước cảnh nhà cháy rần rật thì cụ Đờn đã áp cây thang tre vào mái nhà rồi hai cụ nhảy phắt lên. Cụ Thức dùng cây mác chặt lia lịa vào đám cháy, cụ Đờn chụp những mái rạ bén lửa phừng phực, ném xuống đất. Rồi nhiều người trèo lên thang, kẻ múc nước, kẻ chuyền lên, dội vào ngọn lửa. Nhờ vậy mà gần như vụ cháy nhà nào ở làng cũng được dập tắt kịp thời…

Những lũy tre làng vẫn còn mãi với thời gian. Ảnh: V.T.K.
Dân làng vẫn còn nhớ như in chuyện hai cụ “chữa” chân què cho con trâu cày của đội sản xuất. Ngày đó đội sản xuất có đàn trâu cày, trong đó con trâu Ve như “thủ lĩnh” của bầy vì nó là con trâu đực to khỏe, có cặp sừng cong lớn và thường hay đi “đánh nhau” với trâu đực làng bên.
Có hôm, trong lúc mải húc nhau với con trâu đầu đàn của làng bên, trâu Ve bị sa chân trước xuống hố và quỵ hẳn xuống. Mất con trâu cày “đầu cơ nghiệp” là chuyện lớn đối với cả đội. Ông Kỷ, đội trưởng đội sản xuất, liền đi tìm hai cụ.
Cụ Đờn và cụ Thức chặt mấy cây tre, chẻ dây thừng, rồi vác ra ruộng – nơi con Ve đang nằm. Hai cụ buộc bốn chân con Ve vào những cây tre theo cả chiều ngang và chiều dọc. Cái chân trước bị trật khớp của con Ve được buộc dọc vào một cây tre lớn hơn.
Xong xuôi, hai cụ ghé vai vào gốc tre, cùng hô: “Lên này!”. Chỉ nghe một tiếng “khậc” rõ to. Con Ve quẫy mạnh, nhưng đã bị mấy cây tre giữ chặt. Chân trước của nó đã trở lại vị trí ban đầu.
Hai cụ tháo dây buộc. Con Ve đứng lên, đi khập khiễng vài bước, rồi bất ngờ phóng một mạch về khu chuồng trại nhốt đàn trâu của đội sản xuất.
Hai cụ hay tin đoàn xe Giải phóng bị sa lầy trên con đường cạnh sân kho nên cùng nhau đi xem. Cả hai vòng vo quan sát, cúi sát đất nhìn những bánh xe bị ngập sâu trong cát, nhìn mấy đoạn dây cáp bị đứt… rồi nói với nhau điều gì đó, sau đó gọi thêm mấy anh chị dân quân theo cụ Đờn đi chặt tre ở mấy lũy tre bao quanh nhà. Những cây tre đực già được chặt và giữ lại cành hai bên. Cụ Thức còn chặt thêm mấy cây tre non, chẻ lấy cật, hơ qua lửa rồi bện xoắn lại thành dây thừng. Cụ Đờn hướng dẫn mọi người buộc các thân tre lại với nhau theo kiểu ngọn cây này xoay về phía gốc cây kia. Khi nối được ba đoạn tre thành một “dây cáp tre”, hai đầu được buộc cáp, khóa vào đuôi xe kéo và đầu xe bị sa lầy. Dưới bánh xe, cụ Đờn chỉ đạo dân quân và các chú bộ đội đào rãnh, lót thêm nhiều cây tre già vào để tạo thành lớp chèn, giúp xe khỏi bị lún.
Xong xuôi, cụ Đờn phất tay ra hiệu cho hai xe nổ máy cùng tiến lên. Mọi người nín thở, hồi hộp nhìn. Tiếng máy rồ lên, tiếng người phụ đẩy xe hô: “Một, hai, ba…”. Chiếc xe Giải Phóng bị sa lầy rung lên, rồi từ từ trườn ra khỏi điểm lầy trong tiếng reo hò của mọi người.

Những lũy tre ở vùng quê Quảng Bình. Ảnh: Tiến Hành.
Cứu được chiếc xe thứ nhất, mọi người xúm lại "rút kinh nghiệm". Dây chão bện, gắn cật tre non hơ qua lửa, được tăng cường thêm để buộc, bó những cây tre cho chắc hơn. Thêm nhiều cây tre được chặt từ lũy tre nhà cụ Đờn đưa đến để lát thành con đường chống lầy đến chiếc xe thứ hai. Rồi việc cũng hoàn tất, cụ Đờn phất tay ra hiệu cho xe khởi hành. Trong tiếng rồ ga, tiếng người hò dô, tiếng chú bộ đội chỉ huy: “Lên, lên!”... chiếc xe thứ hai, được xe trước hỗ trợ kéo, rung mình ì ạch một lúc rồi trườn lên khỏi vũng lầy. Cứ như thế, lũy tre dày cứ vơi dần đi, “con đường” chống lầy bằng tre cứ dài mãi ra. Hết tre nhà cụ Đờn lại đến tre của nhiều nhà khác được chuyển đến. Xẩm tối, xe của chú Lam – chiếc cuối cùng – cũng được “giải cứu” trong sự hân hoan của dân làng và các chú bộ đội. Khoảng một giờ đồng hồ sau, cả đoàn xe được lệnh chạy về bến bãi Mỹ Trung để vận chuyển hàng đặc biệt vào chiến trường. Các chú bộ đội thi nhau bắt tay, ôm cảm ơn các cụ, các anh chị dân quân đã cùng chung sức.
Mấy chục năm sau, khi làng làm đường bê tông, đào lên vẫn thấy những cây tre già còn nguyên. Người ta giữ nguyên chúng làm cốt cho đường bê tông thêm chắc chắn, và mọi người lại kể nhau nghe câu chuyện lũy tre già cứu đoàn xe Giải phóng.