Tình hình nguồn nước trên các lưu vực sông chính từ Bắc Bộ đến Nam Trung Bộ và khu vực sông Mê Kông có nhiều biến động. Lượng mưa và dòng chảy tăng mạnh ở một số nơi, thậm chí vượt xa trung bình nhiều năm (TBNN), kèm theo đó là nguy cơ xuất hiện lũ trong thời gian tới.
Lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình có nguồn nước dồi dào
Số liệu từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho thấy, trên lưu vực sông Hồng, tổng lượng mưa tháng 6 phổ biến trong khoảng 300-500mm. Một số nơi trên 600mm như: Tam Đường (Lai Châu) 672mm, Lục Yên (Lào Cai) 742mm, Hà Giang 758mm…, đặc biệt tại Bắc Quang (Tuyên Quang) lên tới 1.730mm.
Do mưa lớn và ảnh hưởng từ các hồ chứa thủy điện, lưu lượng dòng chảy đến các sông trên lưu vực đều tăng so với tháng 5. Cụ thể, tổng lượng dòng chảy trên sông Thao tại trạm Yên Bái cao hơn cùng kỳ trung bình nhiều năm (TBNN) 33%; trên sông Lô tại trạm Tuyên Quang cao hơn 26%; trên sông Đà tại hồ Hòa Bình cao hơn 34%. Trên sông Hồng, dòng chảy tháng qua biến đổi chậm nhưng cũng cao hơn TBNN 24%.

Lũ sông Thao tại Lào Cai dâng cao làm ngập sâu khu vực bãi bồi ven sông. Ảnh: Hương Thu/TTXVN
Dự báo trong tháng 7, mưa vẫn phổ biến từ 300-600mm, có nơi cao hơn. Kéo theo đó, lưu lượng dòng chảy trên sông Thao, sông Lô cao hơn so với tháng 6. Đáng chú ý, so với cùng kỳ tháng 7 các năm trước, tổng lượng dòng chảy trên sông Lô tại trạm Tuyên Quang khả năng sẽ cao hơn khoảng 20%; sông Hồng tại Hà Nội cao hơn TBNN cùng kỳ 15%.
Tại lưu vực sông Thái Bình, tổng lượng mưa tháng 6 phổ biến trong khoảng 100-250mm. Khu vực trung du ghi nhận lượng mưa cao hơn, dao động từ 200-450mm. Riêng tại Thái Nguyên, lượng mưa lên tới 994mm.
Từ ngày 18-22/6, trên sông Cầu đã xuất hiện một đợt lũ do mưa lớn diện rộng. Dòng chảy trên sông Cầu tại trạm Gia Bảy cao hơn 229% so với TBNN, trong khi sông Lục Nam tại trạm Chũ cao hơn 10%.
Trong tháng 7, khu vực này có thể tiếp tục xuất hiện mưa lớn và khả năng xuất hiện lũ. Riêng trên sông Cầu tại trạm Gia Bảy, dòng chảy dự báo cao hơn 191% so với TBNN.
Dòng chảy trên sông Trung Bộ phân bố không đồng đều
Tổng lượng mưa trong tháng 6 tại Bắc Trung Bộ dao động từ 100–200mm. Riêng phía Nam tỉnh Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế ghi nhận mưa trên 700mm, có nơi trên 1.000mm do chịu ảnh hưởng của bão số 1. Lượng dòng chảy có sự phân hóa rõ rệt: các sông tại Thanh Hóa tăng so với tháng trước, trong khi sông ở Nghệ An và Hà Tĩnh lại giảm.
Tại trạm Cẩm Thủy trên sông Mã, dòng chảy gần tương đương TBNN; sông Cả tại Yên Thượng thấp hơn khoảng 27%; trong khi sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt lại cao hơn tới 126%, sông Ngàn Phố cao hơn khoảng 10%. Riêng sông Tả Trạch ghi nhận dòng chảy vượt mức TBNN tới 411%.
Tháng 7 tới, lượng mưa tại khu vực dự báo ở mức 130–170mm. Dòng chảy tại Thanh Hóa, Nghệ An dự kiến tăng nhẹ, trong khi Hà Tĩnh ổn định. Tuy nhiên, dòng chảy tại nhiều sông vẫn thấp hơn TBNN, như sông Cả tại Yên Thượng giảm 33%, sông Mã tại Cẩm Thủy giảm 7%.
Riêng dòng chảy trên sông Tả Trạch tiếp tục duy trì mức cao hơn TBNN tới 371%.

Thành phố Huế ngập trong nước lũ hồi tháng 6. Ảnh: Báo Tuổi trẻ.
Tại khu vực Nam Trung Bộ, cũng so ảnh hưởng từ bão số 1, tổng lượng mưa tháng 6 cao bất thường và phổ biến từ 200–500mm, một số nơi trên 600mm. Trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam, một đợt lũ đã xuất hiện từ ngày 12–15/6. Riêng sông Ba ghi nhận hai đợt lũ nhỏ trong tháng, với đỉnh lũ đều dưới mức báo động 1.
Lượng dòng chảy có sự phân hóa mạnh: sông Thu Bồn và Trà Khúc cao hơn TBNN lần lượt 155% và 114%, sông Cái Nha Trang cao hơn 48%, sông Lũy 45%; ngược lại, sông Ba thấp hơn 21%, sông La Ngà thấp hơn 74%.
Dự báo tháng 7, dòng chảy tại khu vực này nhìn chung ít biến động, với xu thế giảm so với tháng trước. Tuy nhiên, sông Cái Nha Trang vẫn giữ mức cao, vượt TBNN hơn 70%, trong khi sông Ba thấp hơn khoảng 2%.
Nguồn nước đầu nguồn Cửu Long đang tăng chậm
Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tháng 6 ghi nhận lượng mưa phổ biến từ 200–400mm, có nơi cao hơn như Cát Tiên (503mm) và Phú Quốc (734mm). Dòng chảy trên các sông trong lưu vực chủ yếu tương đương hoặc cao hơn so với tháng trước.
Tuy nhiên, dòng chảy tại một số sông vẫn thấp hơn TBNN. Sông Đăkbla tại Kon Tum thấp hơn 37%, trong khi sông Krông Ana cao hơn 39%. Dòng chảy về đầu nguồn sông Cửu Long có xu hướng tăng nhẹ.
Dự báo tháng 7 này, dòng chảy tại các sông Sê San và Srêpốk tiếp tục tăng. Sông Đăkbla tại Kon Tum có thể thấp hơn TBNN tới 59%, trong khi sông Srêpốk tại Giang Sơn lại cao hơn 57%.
Trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc, dòng chảy có thể cao hơn từ 15–30% so với TBNN cùng kỳ.