Trong bối cảnh hơn 600 triệu người dân châu Phi vẫn sống trong tình trạng thiếu điện, công nghệ lò phản ứng hạt nhân mô-đun nhỏ (SMR) và siêu nhỏ (MMR) đang được kỳ vọng sẽ trở thành giải pháp đột phá để mở rộng khả năng tiếp cận năng lượng bền vững.

Các chuyên gia cho biết, hiện tại khoảng 15% công suất phát điện tại châu Phi, tương đương 40 GW, không thể hòa lưới do hạn chế về hạ tầng, mất điện kéo dài từ 800 đến 1.000 giờ mỗi năm. Ảnh: Getty Images.
Tại Hội nghị Đổi mới Năng lượng Hạt nhân châu Phi tổ chức ở Kigali, các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và đại diện từ nhiều quốc gia đã cùng thảo luận về tiềm năng của SMR và MMR trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng trên lục địa. Cuộc thảo luận, do Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc tại châu Phi (ECA) điều phối, nhấn mạnh rằng thành công của SMR không chỉ phụ thuộc vào công nghệ mà còn vào việc xây dựng một hệ sinh thái hạ tầng đồng bộ, dài hạn.
Một số quốc gia châu Phi đang xem xét triển khai SMR với công suất dưới 300 MW - tương đương nhu cầu điện của khoảng 900.000 hộ gia đình. Tuy nhiên, chi phí đầu tư hiện dao động từ 2 đến 3 triệu USD cho mỗi MW, đòi hỏi nguồn vốn lớn và chính sách hỗ trợ bền vững.
Các chuyên gia cho biết, khoảng 15% công suất phát điện tại châu Phi (tương đương 40 GW) không thể hòa lưới do hạn chế về hạ tầng, mất điện kéo dài từ 800 đến 1.000 giờ mỗi năm. Điều này càng cho thấy nhu cầu cấp thiết phải phát triển mạng lưới truyền tải và phân phối đồng bộ với các dự án SMR.
Ông Robert Lisinge - Giám đốc Công nghệ, Đổi mới và Hạ tầng của ECA - cho rằng, cần có "cơ chế quy hoạch đồng bộ ở cấp quốc gia và khu vực”. Ông nhấn mạnh vai trò của Chương trình Phát triển Hạ tầng châu Phi (PIDA), vốn đã xác định 69 dự án trọng điểm đến năm 2030, chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và truyền tải xuyên biên giới. Theo ông, đây là cơ hội để thiết kế các dự án hạt nhân quy mô khu vực, thúc đẩy hội nhập năng lượng toàn lục địa.
Từ góc độ công nghiệp, Mạng lưới Điện miền Nam châu Phi (SAPP) nhận xét, SMR có thể cung cấp điện ổn định cho các khu vực khai thác khoáng sản, ngành mũi nhọn tại nhiều quốc gia châu Phi. Việc kết hợp năng lượng sạch với chuỗi giá trị khoáng sản sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế.
Các chuyên gia đồng tình rằng SMR và MMR là giải pháp nhiều tiềm năng, nhưng để triển khai hiệu quả, châu Phi cần một cách tiếp cận tổng thể, từ quy hoạch tích hợp, đầu tư vào hạ tầng đến phối hợp đa ngành và khu vực. Chỉ khi đó, những tiến bộ công nghệ mới có thể thực sự phát huy vai trò trong hành trình công nghiệp hóa và phát triển bền vững của châu Phi.