| Hotline: 0983.970.780

Lính chiến, lính thợ xứ An Nam: Trong khói đạn chiến tranh

Thứ Tư 29/09/2021 , 09:05 (GMT+7)

Từ vùng biên thùy giáp nước Đức, Nguyễn Văn Ba, bát phẩm Đội trưởng, lính mộ sang Pháp, viết thơ (thư) tiếp tục về An Nam kể lại chuyện chiến tranh mà anh chứng kiến.

Lính chiến An Nam ở mặt trận. Ảnh: TL.

Lính chiến An Nam ở mặt trận. Ảnh: TL.

Trong bức thư thứ 3, đề ngày 6/1/1918, Khải Định năm thứ 3, bát phẩm Nguyễn Văn Ba ghi địa chỉ tại: “Cơ thứ hai lính thợ Đông Pháp, đồn 2 số X”, đó là nơi biên thùy đi ba, bốn ngày đêm, “đi qua nước Pha Lang Sa là một nước đất tốt lắm, nhưng chỉ thấy ruộng khô”.

Tại đây, công việc của người lính mộ Nguyễn Văn Ba thực sự bắt đầu. “Chúng tôi đóng ở trong một trại binh gần một xóm mà cấm không được nói tên. Chúng tôi ở những nhà làm bằng gỗ. Chúng tôi đi làm, sửa sang đường, đập đá làm cỏ vê (đi phu) chở những viên đạn trái phá lớn, nặng hàng tạ đầy những thuốc súng, đạn, khí độc. Chỉ có một toán lính An Nam đi đánh nhau với giặc Đức. Còn những người khác thì làm lụng như chúng tôi”.

Hẳn thời đó có nhiều thông tin “không đúng sự thật” về những người lính An Nam tham gia chiến tranh thế giới lần thứ nhất cho nên Nguyễn Văn Ba còn dặn người bác họ của mình: “Bác chớ có nghe những lời nói khoác của những kẻ nói láo đấy”.

Cuộc sống và chiến đấu ở nơi biên thùy cũng cam go, ác liệt và khổ sở. Thư viết: “Cũng có nhiều lần có những viên đạn trái phá lớn nổ gần chỗ chúng tôi ở, đạn ấy quân giặc bắn sang hay là ở trên tầu bay ném xuống. Hiện bây giờ chưa có ai bị thương cả, mỗi lần quân giặc bắn trái phá sang thì lính Tây cũng lấy súng đại bác bắn giả lại và giết giặc Đức vô số”.

Nói về quân đội, vũ khí ở vùng biên thùy, bát phẩm Nguyễn Văn Ba mô tả rất chi tiết và có phần hồn nhiên: “Quân đội Tây to lắm, đông lắm, có đến mấy mươi chục nghìn người ấy. Nào là lính bộ, lính Ảrập, lính kị mã. Vô số là súng đại bác to như cây đa ở chùa, tầu bay, tầu ba lông (sốt-sích) buộc bằng một cái dây để thám thính quân giặc, đến nghìn xe và tầu máy, như cái nhà bằng sắt mà có súng đại bác ở trong. Tôi nói thật đấy và những người chưa trông thấy thế bao giờ không thể hiểu ra thế nào được”. “Nghe thấy tiếng súng đại bác bắn cả đêm cả ngày như tiếng sấm sét ấy”.

Sang bức thư đề ngày mùng 3 tháng 5 năm 1918, Nguyễn Văn Ba cho biết thêm: “Một đêm chẳng may, tầu bay giặc đến ở trên trại cơ binh tôi đóng và ném trái phá xuống nổ lung tung cả lên đến trăm quả. Tối hôm ấy sáng trăng chiếu xuống đất nên quân giặc (tức quân Đức) biết chỗ mà ném trái phá... Một quả trái phá ném ngay vào nhà chỗ đội quân tôi đóng. Phải mất ba mươi người chết và vô số người bị thương. Còn tôi thì bị miếng sắt xuyên qua cánh tay trái và đùi. Bác Tri bị thương ở ống chân; bác Đậu thì bị thương ở đầu. Không những thế mình mẩy chúng tôi lại đầy những mảnh trái phá to như hột gạo. Những lính thuốc chạy ngay đến và đưa vào nhà thương buộc thuốc vào chỗ bị đau, xong rồi họ lại đặt chúng tôi nằm trong giường ở trên tàu hỏa. Tầu chạy trong hai giờ đồng hồ rồi đỗ, họ lại khiêng chúng tôi vào và thương một tỉnh to”.

Lính An Nam gác ở một cổng doanh trại. Ảnh: TL.

Lính An Nam gác ở một cổng doanh trại. Ảnh: TL.

Thời tiết nơi bát phẩm Nguyễn Văn Ba đóng quân cũng khắc nghiệt, khác biệt với đất An Nam: “Và sương mù trắng (tuyết) đã xuống. Sương ấy bây giờ phủ cả mặt đất cao đến hai thước An Nam, khi để một tí sương ấy vào bàn tay thì nó tan ra như muối bỏ vào nước lã. Ở bên này rét lắm và nước ở sông, ở suối và giếng đông cứng như đá vậy. Ở bên Tây, cây không có lá. Họ phát cho chúng tôi áo dầy, bí tất, giầy Tây và chăn. Chúng tôi lại được cả thuốc lá, củi đốt và than đá”.

Trong điều kiện sống vừa nguy hiểm lại vừa có thời tiết khắc nghiệt đó, nhưng trong thư vẫn thể hiện một chút tinh thần lãng mạn của người lính người An Nam khi Nguyễn Văn Ba viết so sánh: “Tôi không biết mặt trăng bên này cũng là một với mặt trăng bên nước An Nam không. Nhưng tôi xem ra mặt trăng này chiếu sáng xuống đất cũng thế”.

Ở phần cuối các bức thư, vẫn là những câu hỏi và lời dặn dò tâm linh đã ăn sâu vào tâm hồn người Việt. “Ở trong làng xóm có gì hay bác nói chuyện cho tôi biết với. Bác bảo thằng cháu tôi ở nhà chớ quên lễ bái. Lúa có được tốt không. Tôi lấy làm áy náy lắm” và lời cầu nguyện của một người dân vùng ven đê quanh năm chống chọi bão lũ: “Tôi lấy làm mừng thấy bác được mạnh khỏe và biết rằng lúa mà được tốt tươi. Quý hồ đê đừng vỡ! Cho khỏi đê vỡ thì tôi ước ao rằng các cụ kì mục làm lễ ở đình để thần thánh phù hộ cho”.

Quan ba lục quân đóng ở đồn Xu Mê là Di Noa gửi thư báo tình hình lính chiến qua Tây, đại ý nói lính chiến nước ta qua Tây có đủ đức tính kiên cường, trầm tĩnh, trước nay thân nơi đất hiểm khôn nề lao khổ, nhiều lần dùng thử rất đáng khen ngợi, cùng một bài thơ của viên ấy tặng 16 vệ quân Đông Dương:

“…Từ biệt quê nhà vượt biển lớn

Xa cách phần mộ cắt tư tình…

Phàm lòng nhân ái nghĩa hiệp ấy

Người nghe ngây ngất mà nghiêng mình…”

(Theo Đại Nam thực lục chính biên - Đệ thất kỉ. NXB Văn hóa Văn nghệ. 2012. Cao Tự Thanh dịch)

Xem thêm
Real Madrid bám đuổi gắt gao Barcelona trong cuộc đua vô địch La Liga

Rạng sáng 24/4, Real Madrid giành chiến thắng tối thiểu 1-0 trên sân Getafe, để tiếp tục bám đuổi Barcelona trong cuộc đua vô địch La Liga.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp thu vé tham quan

Từ ngày 12/4/2025, người dân và du khách khi vào tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần mua vé với mức giá 40.000 đồng/người/lượt.

Phê duyệt quy hoạch Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang – Lâm Bình

Tuyên Quang Phó Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang – Lâm Bình.

Khai mạc triển lãm ảnh 'Hoàng Sa, Trường Sa - Tổ quốc nơi đầu sóng'

Sáng 17/3, Vùng 4 Hải quân khai mạc triển lãm ảnh nhân dịp 50 năm giải phóng Quần đảo Trường sa và 70 năm thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam.