
Lính An Nam trong lễ phát quân phục. Ảnh: TL.
Năm 1916, ngay khi đi Pháp, bát phẩm Nguyễn Văn Ba - Đội trưởng lính mộ đã viết thư gửi cho người bác Nguyễn Văn Minh ở “làng Ngọc Kiệu, thông Chung, tổng Tây Tựu, huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Đông, xứ Bắc Kì”.
Với 5 bức thư bát phẩm Nguyễn Văn Ba gửi về An Nam, chúng ta có thêm một cách hiểu và thêm một góc nhìn về những người lính mộ Đông Dương trong chiến tranh thế giới thứ nhất.
Ở bức thư thứ nhất, đề ngày rằm tháng 9 Tây năm 1917, năm Khải Định nhị niên, Nguyễn Văn Ba cho biết động cơ tham gia lính thợ: “Tôi đã ứng mộ để sang địa phận nhà nước Bảo hộ đánh giặc Đức là người bạo ngược. Tôi cùng đi với mấy người hàng tổng bác Tri và bác Đậu. Nhưng bác Đậu này ứng mộ đi là bất đắc dĩ, còn tôi thật là tình nguyện”.
Bức thư nói về những điều “mắt thấy tai nghe” trong chuyến hành trình từ Bắc Kì sang Pháp của Nguyễn Văn Ba. Lời lẽ bức thư giản dị, chân thật.
“Chúng tôi xuống tầu ở Hải Phòng, dễ đến nghìn người thật không ngờ đông thế mà lại cùng ở cả trong một cái tầu to bằng sắt. Mỗi người có một cái giường, một cái đệm và một cái chăn. Nhưng khốn nạn các giường đệm ấy đều đầy những dệp, những rận. Mỗi quan binh được nằm một giường ở riêng một buồng, những buồng đó ở tầng trên, cạnh những buồng quan văn coi tầu”.
Trong nhận thức của người An Nam lần đầu rời xa tổ quốc, bát phẩm Nguyễn Văn Ba nhiều lần chê người Tây là “không biết thổi cơm”.
Thư viết: “Chúng tôi cơm ăn ngày hai bữa với thịt bò, sáng thêm một bát cà phê. Những người Tây ấy bếp không biết thổi cơm, đáng nhẽ nhà nước bảo hộ phải lưu tâm đến điều ấy và đem những nhà bếp Tây đến một chỗ để người An Nam bảo họ cách nấu cơm mới phải”.
Đến nước Thiên Trúc (tức là Ấn Độ), là nước người Tây Đen, viết tiếp: “Tầu lại ăn gạo, than đá và nước, và lại cứ mênh mông trên mặt biển mãi, chẳng trông thấy đất, ngày nọ sang ngày kia mới đến Djibouti, thuộc về nước Ảrập, là chỗ người Tây đen ở. Ở xứ khốn nạn này, không có nước nôi ruộng nương gì cả, thì không biết dân cư, họ lấy gì mà ăn”.
Khi gần đến “nước Pha Lang Sa” (tức nước Pháp), là cửa Mạc Sây (Marseille), bát phẩm Nguyễn Văn Ba vẫn còn nhắc lại chuyện thổi cơm: "Chúng tôi sắp đến nơi lấy làm bằng lòng lắm, vì sắp được xem một nước đẹp, và vì cơm vẫn không biết thổi, và không có nước uống được, và phải rửa ráy bằng nước mặn”.
Đến bức thư thứ 2 đề ngày 13 tháng mười năm 1917, tức năm Khải Định thứ 2, Nguyễn Văn Ba tiếp tục than phiền về chuyện không biết thổi cơm đó: “Chúng tôi ở tầu lên bộ được mấy hôm nay và lên ở cửa biển lớn Mạc Sây. Lập tức người ta đưa chúng tôi đến ở trong một cái thành cổ, ở đấy có lắm chuột, to và tợn. Ở đây, những người bếp Tây cũng không biết thổi cơm. Thổi cơm thì có khó gì. Ở nhà quê ta đứa trẻ lên sáu tuổi hãy còn ngu dại cũng biết thổi cơm rồi”.

Lính chiến An Nam lau chùi vũ khí. Ảnh: TL.
Nhiều sự vật, hiện tượng với bát phẩm Nguyễn Văn Ba thật mới lạ. Thành Marseille thì to và “rộng bằng cả tỉnh Hà Đông” “những cửa hàng buôn bán to như nhà Gô Đa cả và người đông như kiến”. Chợ ở Marseille thì “đẹp lắm và bán đầy những đồ ăn, nào rau, nào quả, nào khoai tây, nào thịt lợn, thịt bò, nào chim, gà vân vân. Người ta cũng chỏ cho tôi xem một cửa hàng đàn ông bán thịt ngựa”, tuy nhiên “Ở đây không bán gạo”. Thành Marseille “có nhiều hàng cơm và hàng rượu. Tôi cùng với bác Tri người làng Ngô Khê, vào một hàng uống một cốc cà phê, giá mỗi cốc sáu xu. Đấy, bác xem, cái gì cũng đắt lắm vả lại không có tiền kẽm”.
Cũng có vài dòng bát phẩm Nguyễn Văn Ba bình luận về người Pháp: “Những người Tây Pha Lang Sa lạ lắm, họ làm những việc sang hay hèn cũng đều coi như nhau cả. Họ làm quan phụ mẫu dân hay cu li cũng thế. Như tôi đã trông thấy nhiều người già, đầu, râu bạc phơ ra mà đi ra đường nhặt những mẩu thuốc lá con người ta vứt đi. Không biết rằng là những người già quỷ quái hay tham lam, hay là những người nghèo không có tiền. Có một xóm đầy những đĩ Tây. Nhưng tôi không dám viết cho bác biết những sự tôi đã trông thấy, vì tôi không muốn làm cho dơ ngọn bút vì những chữ tục bẩn, xong thật thế đấy”. Và thắc mắc duy nhất của người lính là ở thành phố này “không có sông, không có ao, tôi không hiểu họ tắm táp vào đâu”.
Bức thư đầu tiên gửi về, thông tin mà bát phẩm Nguyễn Văn Ba viết cũng trùng hợp với các điều khoản cho lính Đông Dương sang Pháp mà sách "Đại Nam thực lục chính biên - Đệ lục kỉ phụ biên" đã chép “Tôi ước ao bác cũng được mạnh khỏe và các quan vẫn giả tiền lương của tôi để lại cho mẹ cháu mà nhà nước đã hứa”.
“Lettres de Guerre d'un Annamite - Mấy bức thư của nhà binh sĩ Việt Nam” là tập tài liệu gồm 8 bức thư của bát phẩm Nguyễn Văn Ba gửi cho người thân ở Việt Nam và mấy người bên Pháp. Các bức thư đã được Ngô Vi Liễn dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, đăng trên Tập san Trí tri năm 1924, có lời đề tựa của nhà sử học J.M (Jean Marquet): “Ta tặng mấy bức thư chẳng ra gì này cho tất cả các người Tây, người An Nam đã tình nguyện vượt qua bốn nghìn dặm bể mà hiến thân cho một xứ mình chưa từng biết”.