| Hotline: 0983.970.780

Liên kết vùng mới giải quyết được thực trạng di dân hiện nay

Thứ Hai 23/05/2016 , 13:11 (GMT+7)

Đó là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Đại học Cần Thơ) khi trao đổi với NNVN về giải pháp để khắc phục thực trạng di dân tăng đột biến trong mùa hạn, mặn năm nay.

09-47-18_1-pgsts-nguyen-vn-snh-vien-truong-vien-nghien-cuu-pht-trien-dbscl
PGS.TS Nguyễn Văn Sánh

Thưa ông, trước thực trạng người dân nông thôn vùng ĐBSCL đang tìm lên các thành phố lớn để mưu sinh tăng đột biến trong đợt hạn và mặn năm 2016, theo ông đây là cuộc ra đi thời vụ hay họ sẽ rời bỏ làng quê luôn? Ông có thể phân tích rõ hơn vấn đề này?

Di dân lên các thành phố lớn để mưu sinh là thực trạng đã diễn ra từ lâu. Trên nguyên tắc cơ bản, ở đâu có việc làm và tăng thu nhập thì người dân sẽ di chuyển về nơi đó để kiếm sống. Không chỉ ở Việt Nam, ĐBSCL mà ở các nước khác cũng thế.

Nhưng phải thừa nhận, tình hình hạn, mặn năm nay thực sự là một cú sốc làm tình trạng di dân thêm trầm trọng vì nông dân sống thuần nông với mảnh ruộng, thửa vườn hạn hẹp và nguồn thu nhập của họ rất nhiều hạn chế.

Đưa ra phân tích sẽ thấy rõ. ĐBSCL là vùng thuần nông, sản xuất theo mùa vụ, năm nay hạn, mặn đã làm nhiều hộ dân bị mất mùa. Trong khi, những ngành nghề phi nông nghiệp tại các địa phương rất kém phát triển, dẫn đến thiếu việc làm.

Từ đó, thu nhập của người dân thấp, trong khi chi phí sinh hoạt, sản xuất ngày càng đắt đỏ. Sống ở nông thôn họ phụ thuộc vào nông nghiệp nhưng nông nghiệp không hiệu quả thì họ sẽ đi. Đặc biệt, ở những địa phương dễ bị tổn thương do thời tiết cực đoan như hạn, mặn, lũ lụt..., việc di dân càng ngày càng nhức nhối.

Tôi khẳng định rằng, những tỉnh nào tại ĐBSCL bị ảnh hưởng hạn mặn càng nhiều thì thực trạng trên càng cao. Tiêu biểu như ở Cà Mau, diện tích lúa và lúa - tôm bị thiệt hại khoảng 50.000ha; tại Sóc Trăng, diện tích lúa bị thiệt hại do mùa hạn mặn này cũng hơn 11.000ha. Những người dân bị mất mùa họ phải rời quê hương tìm việc làm để trang trải cuộc sống là điều tất yếu.

Cũng cần phải nói thêm, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn chưa tạo đà dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.

Đặc biệt, các khu công nghiệp còn rời rạc và thu hút lao động nông thôn nhiều bất cập, mặc dù từng tỉnh đều nhận ra điều này và cố gắng kêu gọi đầu tư. Tuy vậy, phải nhìn tổng thể vùng và mối tương tác giữa vùng ĐBSCL và vùng Tây Nam bộ, mới nhận ra lý do di dân.

Trong kêu gọi đầu tư thì có hai khái niệm: “Dọn ổ đại bàng đáp”, là dùng hạ tầng, chính sách mời gọi DN có nguồn lực đến đầu tư. Khái niệm tiếp là “nước chảy chỗ trũng”, thu hút DN thâm dụng lao động cần mặt bằng rộng.

Trước đây, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM thỏa mãn điều kiện "đại bàng đáp" nhưng lại vội vàng trải thảm đỏ mời gọi DN “nước chảy chỗ trũng”. Kết quả được các năm đầu, sau đó bất cập xảy ra như ô nhiễm môi trường, xã hội khó khăn do di dân quá lớn lên các khu công nghiệp này. Đồng thời, các tỉnh này cũng hết luôn đất sạch cho "đại bàng đáp".

Trong khi đó, các tỉnh ĐBSCL cần phát triển khu công nghiệp và dịch chuyển lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp thì rất khó khăn. Hậu quả tổng thể là cả hai nơi đều thất bại.

Di dân vùng ĐBSCL lên vùng Đông Nam bộ ngày càng cao, nhưng chủ yếu lao động phổ thông và lương thấp, gởi về quê nhà không bao nhiêu. Các khu công nghiệp vùng Đông Nam bộ lại bị trở ngại về xã hội, môi trường...

Trước thực trạng đó cần giải pháp nào để giải quyết thực trạng di dân ở ĐBSCL?

Phải đặt mục tiêu tạo việc làm và tăng thu nhập, có cuộc sống ổn định tại quê hương thì chắc chắn không ai đành bỏ quê.

Như vậy, chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn, hoặc rộng hơn là phát triển kinh tế - xã hội và sử dụng tài nguyên nông thôn cần có tầm nhìn tổng thể qua liên kết vùng, để có quy hoạch và thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội bền vững hơn.

Từ đó vấn đề đào tạo nghề nông thôn sẽ hợp lý cho tầm nhìn và chiến lược này. Nghề phi nông nghiệp chính là tiến trình dịch chuyển nghề nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn.

Vì thế, trong chính sách quy hoạch, phải xem xét tổng thể các mối quan hệ qua lại giữa các khu vực: nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

Một là phải cân đối theo địa phương, hai là phải cân đối theo vùng và liên vùng. Trong đó, còn phải cân đối theo ngành, vì chỉ có ngành mới biết nhu cầu cần đào tạo ngành, nghề nào. Nếu có được nguồn nhân lực tốt, thì vấn đề kêu gọi đầu tư để phát triển sẽ thuận lợi hơn.

Chúng ta cũng cần thường xuyên xem xét mối tương tác giữa thành thị và nông thôn để làm sao giảm đi cái “giá cánh kéo”. Thực tế, hàng hóa ở nông thôn làm ra quá rẻ, ngược lại các sản phẩm đưa về quá mắc, sẽ làm tăng di dân.

Muốn giải “giá cánh kéo” cần có chiến lược, kế hoạch bài bản. QĐ 593 TTg ngày 6/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “thí điểm liên kết vùng ĐBSCL” là cơ hội để các địa phương và Bộ/Ngành TW ngồi lại và tính toán chiến lược dài hạn về hội nhập kinh tế, cạnh tranh và ứng phó biến đổi khí hậu mà từng địa phương khó thực hiện.

Bản thân tôi đeo đuổi “liên kết vùng" gần 9 năm qua, thấy, nếu chiến lược và kế hoạch này thực hiện tốt thì không những giải quyết về tình trạng di dân hiện nay mà còn giúp ĐBSCL phát triển bền vững hơn.

Xin cảm ơn ông!

Nói về giải pháp để khắc phục thực trạng người dân vùng đất mình đang di cư đi nơi khác kiếm sống, ông Lâm Văn Bé, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đề (Sóc Trăng) cho biết: “Để khắc phục tình trạng di dân phải tạo điều kiện tốt nhất để người dân sống được ở miền quê mình. 

09-47-18_2-ong-lm-vn-be-pho-chu-tich-ubnd-huyen-trn-de-du-r-gii-php

Chúng tôi đang tập trung triển khai phát triển những mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện hiện nay. Huyện đặc biệt chú trọng đến vấn đề đưa KH-KT vào phát triển sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả trên cùng đơn vị diện tích, tăng thu nhập, giúp người dân ổn định cuộc sống”, ông Bé nói.

Bàn về giải pháp lâu dài, ông Bé nhấn mạnh: Cũng từ mùa hạn, mặn khủng khiếp năm nay mà chúng ta có thể nhìn thấy sự yếu kém của mình. 

Theo tôi, hiện nay cái cần đầu tư nhất chính là hạ tầng thủy lợi để phục vụ sản xuất. Chúng tôi đang rà soát lại toàn hệ thống thủy lợi trên địa bàn cần đầu tư những gì để đảm bảo điều kiện tiên quyết giúp người dân phát triển. 

Ngoài ra, Trần Đề cũng đã được quy hoạch một khu công nghiệp, huyện đang gấp rút triển khai giải phóng mặt bằng, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. Khi khu công nghiệp này được hình thành, hứa hẹn sẽ giải quyết việc làm cho một lượng lớn người lao động tại địa phương.

 

Xem thêm

Bình luận mới nhất