| Hotline: 0983.970.780

Kiến nghị cho phép dịch vụ ăn uống phục vụ tại chỗ

Thứ Ba 19/10/2021 , 19:45 (GMT+7)

Sở Công Thương kiến nghị UBND TP.HCM cho cơ sở dịch vụ ăn uống được bán hàng mang đi và phục vụ tại chỗ, trừ loại hình kinh doanh bia, rượu.

Hàng loạt các cửa hàng ăn uống, dịch vụ cà phê tại TP.HCM vẫn chưa được phục vụ tại chỗ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hàng loạt các cửa hàng ăn uống, dịch vụ cà phê tại TP.HCM vẫn chưa được phục vụ tại chỗ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nội dung trên được Sở Công Thương TP.HCM đề xuất trong văn bản gửi UBND TP.HCM ngay sau khi nhận được đơn đề nghị của Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Theo đó, Sở Công Thương TP.HCM đề nghị UBND TP.HCM cho phép các cơ sở đáp ứng các yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch của ngành y tế và theo Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP.HCM.

Trong đó, khách hàng sử dụng loại hình phục vụ ăn uống tại chỗ phải được tiêm đủ liều vacxin phòng Covid-19.

Thời gian mở cửa hoạt động kết thúc trước 21h hàng ngày, với công suất hoạt động tối đa 50% năng lực phục vụ. Bên cạnh đó, mật độ phục vụ tại chỗ phải đảm bảo không quá 2 người/bàn, khoảng cách các bàn ăn tối thiểu 2m.

Kiến nghị UBND TP.HCM giao Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM chủ trì, phối hợp UBND các quận - huyện và Thành phố Thủ Đức tổ chức triển khai, hướng dẫn các cơ sở thực hiện; tổ chức hậu kiểm để xử lý, khắc phục các hành vi kinh doanh không đáp ứng các yêu cầu an toàn phòng, chống dịch.

Cũng theo Sở Công Thương TP.HCM, sau 15 ngày TP.HCM thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã tổ chức hoạt động trở lại trong điều kiện an toàn để phục vụ nhu cầu người dân. Tuy nhiên, tỷ lệ hoạt động còn chưa cao, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.

Để từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế thông qua phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ trên nguyên tắc “an toàn đến đâu thì mở đến đó”; đồng thời, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân và hỗ trợ từng bước khôi phục các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trên địa bàn Thành phố.

Bên cạnh đó, hiện độ bao phủ vacxin của TP.HCM đã đạt trên 98% (7.108.111 người dân được tiêm mũi 1, đạt tỷ lệ 98,6% và 5.431.311 người dân được tiêm mũi 2, đạt tỷ lệ 75,34%) và đang tiếp tục được nâng lên, đảm bảo về cơ bản các điều kiện an toàn tham gia các hoạt động kinh doanh dịch vụ có kiểm soát.

Trước đó, ngày 18/10, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam đã có văn bản kiến nghị gửi Sở Công Thương TP.HCM, cho phép các cơ sở dịch vụ ăn uống trong địa bàn thành phố được mở cửa hoạt động bình thường.

Theo Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành ẩm thực, ảnh hưởng nặng nề đến các chuỗi cung ứng trong ngành ẩm thực như thủy hải sản, nông nghiệp, dịch vụ...

Trong những năm vừa qua, ẩm thực là một trong những ngành kinh tế có tiềm năng tăng trưởng tốt, mỗi năm đóng góp khoảng 15% GDP cả nước nhưng những thiệt hại kinh tế vừa qua mà dịch bệnh Covid-19 gây ra cho ngành ẩm thực cho đến nay vẫn chưa có thống kê, đánh giá cụ thể nào. 

Theo Sở Công Thương TP.HCM, Thành phố có khoảng 7.500 doanh nghiệp, hàng chục ngàn hộ kinh doanh cá thể kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống. Hình thức kinh doanh thức ăn mang về và tại chỗ của Thành phố đã buộc tạm ngừng để phòng chống dịch suốt mấy tháng qua và kéo doanh thu ngành ẩm thực giảm mạnh. 

Doanh thu dịch vụ ăn uống 8 tháng qua chỉ đạt 32.075 tỷ đồng, giảm 20,3% so với cùng kỳ. Hơn nữa, do kinh doanh sụt giảm nên hàng loạt doanh nghiệp ngành hàng F&B phải đóng cửa, trả mặt bằng hoặc thu hẹp kinh doanh. 

"Ẩm thực đang nằm trong nhóm ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh COVID-19, đặc biệt phân khúc nhà hàng", Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam nêu.

Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam cũng đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về 8 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ngành ẩm thực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Xem thêm
Khởi công Trung tâm Thương mại AEON Hải Dương

Ngày 19/4, UBND tỉnh Hải Dương, Tập đoàn AEON Việt Nam khởi công Dự án Trung tâm thương mại AEON Hải Dương, chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Thanh Hóa: 4 tháng đầu năm, tạo việc làm cho gần 20.000 lao động

Thanh Hóa hiện có trên 2,47 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 66,5% tổng dân số. 4 tháng đầu năm đã tạo việc làm cho gần 20.000 lao động.

Nestlé khẳng định niềm tin đối với thị trường Việt Nam

Nestlé công bố tăng vốn hoạt động tại Việt Nam với khoản đầu tư gần 1.900 tỷ đồng vào việc mở rộng nhà máy Nestlé Trị An tại tỉnh Đồng Nai.

Cần minh bạch, kiểm soát sở hữu chéo khi tái cơ cấu ngân hàng

TP.HCM Để quá trình tái cơ cấu ngân hàng hiệu quả, cần có chính sách minh bạch, khung pháp lý chặt chẽ, thay đổi cấu trúc sở hữu, đặc biệt là giảm sở hữu chéo.

5 dự án trọng điểm của TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2025

Đó là Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, 2 nút giao An Phú, Mỹ Thủy và QL50 mở rộng, tổng mức đầu tư 24.300 tỷ đồng.

3 hội chợ nông sản lớn sắp diễn ra tại Trung Quốc

Ba hội chợ lớn tại Trung Quốc năm 2025 mở ra nhiều cơ hội để nông sản Việt bứt phá, tiếp cận sâu hơn vào chuỗi phân phối hiện đại và bền vững.