Nhiều điểm nguy cơ sạt lở đất
Phường Nha Trang, một phường trung tâm mới được sáp nhập từ các phường Vạn Thạnh, Lộc Thọ, Tân Tiến, Phước Hòa và Vĩnh Nguyên đang khẩn trương rà soát và xây dựng các phương án ứng phó trong mùa mưa bão năm 2025 sắp tới.

Khu vực xóm núi, phường Nam Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa là một trong những địa điểm có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét trong mùa mưa bão. Ảnh: Kim Sơ.
Theo ông Trần Xuân Tây, Chủ tịch UBND phường Nha Trang, qua rà soát, địa phương đã xác định rõ các điểm nóng nguy cơ sạt lở đất. Cụ thể tại khu vực núi Chụt - cầu Đá (phường Vĩnh Nguyên cũ), nơi có 472 hộ dân sinh sống thường đối mặt với sạt lở đất vào mùa mưa, do hệ thống thoát nước tự nhiên chảy tràn từ triền núi xuống đường Trần Phú.
Bên cạnh đó, 4 tổ dân phố thuộc vùng biển đảo (Trí Nguyên 1, 2, Vũng Ngán và Bích Đầm) tiếp giáp Biển Đông, luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở núi, triều cường và sóng biển lớn cuốn trôi nhà cửa, nhất là khi có giông lốc xoáy. Ngoài ra, khu vực chùa Kỳ Viên, đường Sinh Trung (tổ Vạn Lợi) cũng là điểm có nguy cơ sạt lở đất.
Tương tự, tại phường Nam Nha Trang cũng đang đối mặt với những thách thức lớn về lũ quét và sạt lở đất mỗi khi bước vào mùa mưa bão.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND phường Nam Nha Trang, qua rà soát, phường đã xác định 15 khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét.

Khu vực núi xanh ở Phước Đồng, thuộc phường Nam Nha Trang từng xảy ra sạt lở làm nhiều người chết. Ảnh: Kim Sơ.
Trong đó, khu vực Phước Đồng có 11 điểm; khu vực Vĩnh Thái có 3 điểm gồm bờ Tây kênh thoát lũ (thôn Thủy Tú); sau Trường tiểu học Vĩnh Thái và nhà yến Mai Sinh đường Phong Châu (thôn Đất Lành); xung quanh núi Cấm (thôn Thái Thông 2); khu vực Vĩnh Trường có 1 khu vực tại núi Chụt.
Giải pháp
Để chủ động ứng phó trong mùa mưa bão sắp tới, các phường Nha Trang và Nam Nha Trang đã và đang thành lập và kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn sau khi thực hiện chính quyền hai cấp, đảm bảo chỉ đạo kịp thời từ phường đến tổ dân phố.

Các địa phương sẽ tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc khai phá đất núi để làm nhà ở tự phát. Ảnh: Kim Sơ.
Đồng thời thành lập tổ Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tại mỗi tổ dân phố, trường học, trạm y tế do thủ trưởng đơn vị làm tổ trưởng, phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể. Thực hiện phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ); “3 sẵn sàng” gồm sẵn sàng phòng ngừa chủ động; sẵn sàng ứng phó kịp thời; sẵn sàng khắc phục khẩn trương, hiệu quả trong ứng phó thiên tai, sự cố.
Bố trí lực lượng trực 24/24 giờ nhằm đảm bảo trực ban tại UBND phường và các vị trí xung yếu, nguy hiểm. Về lâu dài, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND phường Nam Nha Trang cho rằng, địa phương có nhiều khu vực có nguy cơ sạt lở cao và rất cao. Do vậy, cần phải lập các bản đồ nguy cơ sạt lở có tỉ lệ lớn hơn như 1:5000; 1:2000. Từ đó, dựa trên bản đồ này để sắp xếp lại dân cư, di dời người dân trong vùng nguy cơ cao đến định cư nơi an toàn, cũng như có kế hoạch quy hoạch phát triển dân sinh, kinh tế, xã hội và cơ sở hạ tầng phù hợp.
Địa phương cũng sẽ tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc khai phá đất núi để làm nhà ở tự phát cũng như việc đầu tư các công trình phát triển kinh tế, xã hội tại địa bàn. Tăng cường giám sát thi công công trình, phải đảm bảo an toàn cho khu vực dân cư liền kề, thiết kế phải mang tính bền vững, gắn với các kịch bản biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.