
Mặt trận Hoàng Liên Sơn tháng 2/1979
Tết Kỷ Mùi năm 1979 với chúng tôi là một cái Tết đặc biệt. Lần đầu tiên chúng tôi ăn Tết xa nhà sau 8 tháng tuổi quân, không một ai được thưởng phép về thăm nhà dù có thành tích tốt vì quan hệ Việt -Trung lúc này đã rất căng thẳng.
Tôi là lính Trung đoàn 148, đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, thuộc Sư đoàn 316 Anh hùng - một trong 6 Đại đoàn bộ binh chủ lực của quân đội ta ra đời trong kháng chiến chống Pháp.
Sau Tết vừa triển khai huấn luyện để sẵn sàng chiến đấu chúng tôi vừa triển khai kế hoạch tăng gia. Sáng sớm 17/2/1979, Đại đội 1 chúng tôi đang đi dã ngoại tại khu vực đội 5, đội 6 Nông trường Than Uyên, cách đơn vị vài km để trồng sắn thì nghe tiếng nổ ầm ầm như tiếng sấm từ hướng Phong Thổ (Lai Châu) dội về. Linh tính báo cho chúng tôi biết chiến tranh đã bắt đầu.
Nửa buổi sáng thì có tin chính thức Trung Quốc đã tiến hành chiến tranh xâm lược quy mô lớn trên toàn tuyến biên giới nước ta. Chiều hôm đó chúng tôi hành quân về doanh trại đóng tại xã Mường Khoa, huyện Than Uyên, tỉnh Hoàng Liên Sơn. Sau khi bổ sung trang bị, vũ khí…, khoảng 3 giờ sáng ngày 19/2/1979 sư đoàn ra lệnh báo động chiến đấu toàn trung đoàn, 6 giờ đoàn xe ô tô của Tiểu đoàn 25 thuộc sư đoàn đã chờ sẵn ở ngã ba Ngọc Lại, cách doanh trại tiểu đoàn một con suối để đưa Tiểu đoàn 4 chúng tôi - đơn vị mũi nhọn của trung đoàn, do Trung úy Nguyễn Song Phi - Tiểu đoàn trưởng (nay anh là Trung tướng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam) chỉ huy cấp tốc lên đường.
Xe đi qua ngã ba Bình Lư rồi rẽ về hướng Sa Pa chúng tôi mới biết nơi mình sẽ chiến đấu là hướng Lào Cai. Đến ngã ba thị trấn Sa Pa, đoàn xe chạy chậm lại để bộ đội nhận quà là bánh kẹo, thuốc lá, hoa quả của UBND và Hội LHPN thị trấn tặng. Qua cầu đôi Móng Sến chúng tôi xuống xe triển khai xây dựng trận địa. Chiều nhận bổ sung thêm vũ khí, lương thực và xẻng bộ binh. Đêm 22/2 Đại đội 1 chúng tôi cơ động vào điểm cao 608 thuộc Km11 đường 4D, khu vực Cốc San tăng cường cho Đại đội 10, Tiểu đoàn 6 cùng Trung đoàn xây dựng trận địa phòng ngự rồi rạng sáng 22/2 rút ra. Đêm 22/2 Đại đội 1 lại được lệnh cơ động vào cùng Đại đội 10 tiến công chiếm lại một phần điểm cao 608 vừa bị địch đánh chiếm. Mờ sáng ngày 23/2 Đại đội đồng loạt nổ súng. Trước sức tiến công dũng mãnh của quân ta, địch vừa chống trả vừa rút dần lên các mỏm cao, nơi có chiến hào và công sự vững chắc để kháng cự quyết liệt.
Trận chiến càng gay go, phức tạp, lần lượt các anh Khang - Chính trị viên phó, anh Thọ - Đại đội phó ngã xuống, rồi anh Thâm - Chính trị viên trưởng cũng hy sinh vì vết thương quá nặng.

Quân đội Việt Nam đánh trả quân Trung Quốc xâm lược.
Chiều tối trận đánh kết thúc, Đại đội 1 bàn giao trận địa cho Đại đội 10 rồi rút về vị trí tập kết. Dù quá mệt nhưng mọi người đều phải củng cố cho được công sự chiến đấu cá nhân để phòng tránh phi pháo. Quả nhiên đêm đó trận địa pháo ĐKZ-75 của Trung đoàn nã đạn vào trận địa địch. Lửa khói của ĐKZ-75 phụt ra sáng rực. Địch phản pháo, đạn chủ yếu rơi vào vị trí trú quân của chúng tôi, may có công sự và khe suối, cây rừng cùng địa hình mấp mô nên không ai bị hy sinh. Sáng sớm 24/2 chúng tôi được lệnh cơ động về điểm cao 1611, nằm ở đông bắc cầu đôi Móng Sến cùng tiểu đoàn chốt giữ tại khu vực này. Sau đó đại đội được giao nhiệm vụ chốt chặn và nghi binh tại khu vực 1611 để trung đoàn di chuyển về tổ chức phòng ngự ở khu vực thị trấn Sa Pa. Lúc này quân số đại đội chỉ còn quãng gần 50 người do một số hy sinh và bị thương phải rời đơn vị, một trung đội đã tăng cường cho đơn vị bạn.
Chúng tôi được biết lúc này Quân đoàn 13 - lực lượng tiến công chủ yếu của địch đã bị tổn thất nặng nề, địch điều Quân đoàn 14 phía sau lên thay thế, chúng quyết tâm bao vây hòng tiêu diệt Sư đoàn 316A và đánh chiếm đỉnh đèo Sa Pa. Sau 5 ngày phòng ngự kiên cường, chiều tối 1/3/1979 chúng tôi được lệnh nhanh chóng bí mật cơ động về hướng Sa Pa. Qua một ngày đêm hành quân, lại liên tục gặp địch phải vòng tránh, chiều tối ngày 2/3 chúng tôi đến xã Trung Chải, huyện Sa Pa. Khu vực này do Trung đoàn 174 cùng sư đoàn phòng ngự. Bên kia dải núi trước mặt là thị trấn Sa Pa. Chỉ huy đại đội hạ quyết tâm hành quân tiếp vượt núi về vị trí tập kết.
Chiều Sa Pa sương mù dày đặc, khi chúng tôi phát hiện phía sườn núi bên trái có một cánh quân đang tập kết và nghe tiếng nói lạ thì quân Trung Quốc cũng phát hiện ra chúng tôi. Trận chiến không cân sức giữa đơn vị tôi với hàng trăm tên địch có hỏa lực mạnh chi viện đã diễn ra. Lợi dụng địa thế cao hơn và ruộng bậc thang che đỡ, giữa hai bên còn bị ngăn cách bởi một khe hẹp nên chúng tôi vừa quyết liệt nổ súng ngăn chặn và tiêu diệt địch vừa tìm đường rút trong thế bị áp đảo.
Nhiều tấm gương chiến đấu hết sức ngoan cường như anh Đỗ Quang Lưu, trận này anh đã dùng trung liên RPK tiêu diệt một khẩu đội ĐKZ của địch. Trong trận điểm cao 608 cũng với khẩu RPK này anh đã diệt gọn một khẩu đội cối 82mm. Kết thúc chiến tranh, anh đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng nhì.
Trời sập tối, địch không dám tiếp tục tiến công mà co cụm lại chân núi. Sáng sớm 3/3 chúng tôi tới khu vực nhà thờ đổ và khu công nhân trồng rau Ô Quý Hồ của huyện Sa Pa, nơi Trung đoàn 174 đang phòng ngự. Lúc này địch đã đánh chiếm thị trấn Sa Pa. Các dàn hỏa tiễn H12 của địch đang bắn về phía đỉnh Sa Pa, từng chuỗi lửa đỏ lừ liên tiếp bay lên trong vùng khói trắng. Địch đang triển khai lực lượng đánh từ ngã ba Ô Quý Hồ vào khu vực nhà thờ. Ô Quý Hồ là nơi có con đường dân sinh khá rộng nối với đường Quốc lộ 4D giữa thị trấn Sa Pa với đỉnh đèo. Hướng Bát Xát một cánh quân lớn của giặc đang tràn xuống, nhìn rõ binh lính địch cùng đàn ngựa thồ tải đạn và nghe rõ tiếng kèn đồng của các tên chỉ huy. Trước tình thế ấy, chúng tôi được chỉ huy Trung đoàn 174 giao nhiệm vụ tăng cường cho Đại đội 5, Tiểu đoàn 2 của trung đoàn tham gia chiến đấu. Qua hai ngày 3 - 4/3 phòng ngự kiên cường, chúng tôi đã cùng đồng đội đơn vị bạn đẩy lùi nhiều đợt tiến công với sức mạnh áp đảo cả bộ binh và pháo binh của địch dù phải chịu nhiều tổn thất, hy sinh.
Đối với tôi suốt cuộc đời binh nghiệp đi gần khắp các tỉnh miền núi phía Bắc, nhưng ngày 17/2/1979 là một ngày không thể nào quên…