| Hotline: 0983.970.780

Không để lò mổ lậu 'nhờn thuốc'

Thứ Bảy 29/03/2025 , 08:12 (GMT+7)

TIỀN GIANG Trên địa bàn Tiền Giang tồn tại một số lò giết mổ gia súc không giấy phép vẫn lén lút hoạt động, bị xử phạt nhiều lần nhưng vẫn tái phạm.

Bị xử phạt nhưng vẫn lén hoạt động

Tại xã Long Định, huyện Châu Thành người dân địa phương cho biết có tình trạng cơ sở giết mổ hoạt động không giấy phép tồn tại từ nhiều năm nay. Trong đó, có cơ sở giết mổ heo của hộ ông Võ Tấn Phúc ở ấp Trung. Mỗi đêm, cơ sở này mổ khoảng 10 con heo để bày bán tại chợ Long Định và cung cấp cho các tiểu thương vùng lân cận.

Điều đáng nói, nước thải sau giết mổ không được chủ cơ sở xử lý triệt để, thường xuyên xả trực tiếp xuống đường nước công cộng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến bà con xung quanh.

“Bây giờ nguồn nước ở đây sử dụng không được do lò mổ xả trực tiếp. Khi có người báo lên UBND xã họ mới xử lý nước thải cho trong lại, còn khi im lặng xả nước đen, tưới rau màu không được. Nước thải bốc lên khiến các nhà lân cận không thể chịu nổi”, một người dân ở ấp Trung bức xúc khi chia sẻ về vấn đề này.

Cơ sở giết mổ không có phép của hộ ông Võ Tấn Phúc. Ảnh: Minh Đảm.

Cơ sở giết mổ không có phép của hộ ông Võ Tấn Phúc. Ảnh: Minh Đảm.

Qua kiểm tra đột xuất vào đêm 25/3/2025, UBND xã Long Định đã phát hiện cơ sở giết mổ trái phép gồm hộ Nguyễn Thị Mỹ Trang (ấp Mới), Võ Tấn Phúc (ấp Trung) và Nguyễn Đình Long (ấp Khu phố).

Ngoài việc chưa có giấy phép hoạt động, các cơ sở này chưa thực hiện đúng quy trình xử lý nước thải, lén lút xả xuống kênh mương. UBND xã đã lập biên bản và yêu cầu các chủ cơ sở ngưng ngay việc giết mổ khi chưa có giấy phép của ngành chức năng.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch UBND xã Long Định cho biết, đối với vấn đề kiểm soát giết mổ, địa phương có thành lập đoàn kiểm tra, khi phát hiện trường hơp vi phạm đoàn đã lập biên bản nhắc nhở, xử phạt nhiều lần.

“UBND xã sẽ tiến hành mời các chủ cơ sở lên ký cam kết. Thứ hai là sẽ nghiên cứu xử phạt. Còn nếu vượt thẩm quyền, chúng tôi sẽ báo cáo lên cấp huyện để liên ngành huyện xử lý”, bà Nga nói.

Không chỉ riêng địa bàn xã Long Định, huyện Châu Thành trên địa bàn huyện Cai Lậy ngành chức năng và chính quyền địa phương cũng phát hiện một số trường hợp cơ sở giết mổ lậu.

Cụ thể như, tại khu phố Bình Long, thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy có 2 điểm giết mổ heo không có giấy phép hoạt động hàng đêm tại hộ ông Trần Thanh Phương và Trần Văn Minh.

Theo ông Nguyễn Văn Bé Ba, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Bình Phú, 2 điểm giết mổ lậu này hoạt động khoảng 3 năm nay, UBND xã và huyện có xử phạt, yêu cầu ngưng hoạt động nhưng 2 hộ này vẫn không chấp hành.

“UBND thị trấn có kiến nghị di dời các cơ sở đó rồi. Kiến nghị đến ngành chức năng cấp trên có đủ cơ sở pháp lý để xử lý. Còn vấn đề kiểm dịch trách nhiệm của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện chứ mình đâu có thẩm quyền làm việc đó”, ông Nguyễn Văn Bé Ba nói.

Một lò mổ trái phép tại huyện Cai Lậy. Ảnh: Người dân cung cấp.

Một lò mổ trái phép tại huyện Cai Lậy. Ảnh: Người dân cung cấp.

Thật ra, việc xử phạt của chính quyền và ngành chức năng chưa đủ sức răn đe nên vẫn còn xảy ra tình trạng giết mổ heo lậu.

Năm 2022, tình trạng này xuất hiện trên địa bàn huyện Cai Lậy. Nhiều đơn kiến nghị liên quan đến vấn đề này được gửi đến UBND tỉnh Tiền Giang. Qua kiểm tra của cơ quan chức năng phát hiện 16 cơ sở giết mổ không phép tập trung ở xã Mỹ Thành Nam, thị trấn Bình Phú, xã Cẩm Sơn, Thạnh Lộc, Hiệp Đức, Phú An, Tam Bình. Trong này có 6 trường hợp bị xử phạt với số tiền 7 triệu đồng cho mỗi trường hợp.

Tuân thủ được một thời gian, một số trường hợp tiếp tục vi phạm. Xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy trước đây có 3 cơ sở giết mổ lậu nay chỉ còn 1 cơ sở hoạt động lén lút vào ban đêm.

Ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành Nam nói, bây giờ chỉ còn có hộ ông Nguyễn Văn Giàu, xã cũng vận động đưa heo ra lò giết mổ tập trung tại xã Phú Nhuận để giết mổ. Bên cạnh đó, UBND xã cũng có tổ kiểm tra xử lý, nếu phát hiện vẫn xử lý.

Một cơ sở giết mổ đạt tiêu chuẩn tại thị xã Cai Lậy. Ảnh: Minh Đảm.

Một cơ sở giết mổ đạt tiêu chuẩn tại thị xã Cai Lậy. Ảnh: Minh Đảm.

Còn giết mổ nhỏ lẻ là giết mổ tập trung còn khổ

Toàn huyện Cai Lậy hiện có 3 cơ sở giết mổ tập trung được cấp phép hoạt động với công suất từ 150 con/đêm trở lên. Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Cai Lậy, đối với việc giết mổ không phép chủ trương chung của huyện là kiên quyết xử lý dứt điểm không để tồn tại. Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Cai Lậy đã phát hiện và xử phạt nhiều trường giết mổ không phép như vừa nêu ở trên.

Ngoài ra, việc xuất hiện các lò mổ không phép gây ra những vấn đề như thất thu nguồn thuế, nguy cơ làm lây lan dịch bệnh nhất là bệnh tả heo Châu Phi, không đảm bảo nguồn thịt sạch cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó là cạnh tranh không công bằng đối với các lò giết mổ có phép, gây ảnh hưởng chung đến sự phát triển của ngành.

UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các địa phương tăng cường công tác kiểm tra việc vận chuyển heo của các thương lái. Ảnh: Minh Đảm.

UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các địa phương tăng cường công tác kiểm tra việc vận chuyển heo của các thương lái. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Thanh Phong ở xã Nhị Mỹ, thị xã Cai Lậy cho biết đã đầu tư gần 30 tỷ đồng xây dựng lò giết mổ tập trung đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định. Tuy nhiên, việc tồn tại các lò giết mổ lậu trong khu vực nên xảy tra tình trạng cạnh tranh không công bằng.

“Về mặt cạnh tranh thị trường, thí dụ mình đưa ra bán 80.000 đồng/kg còn họ bán 60.000 đồng/kg. Bởi vì tôi có đóng tiền phí kiểm dịch thú y từng con và đóng thuế cho nhà nước. Các lò giết mổ lậu nhập heo về không có nguồn gốc, heo có nguy cơ bị dịch bệnh về mổ bán, lực lượng thú y đâu có đến kiểm tra, đâu biết heo bị bệnh gì”, ông Phong khá bức xức.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên đàn heo nhất là dịch tả heo Châu Phi đang có nguy cơ tái bùng phát. Việc tồn tại nhiều cơ sở giết mổ gia súc trái phép cần được xử lý triệt để nhằm đảm bảo sức khỏe người dân và tránh phát sinh, lây lan mầm bệnh cho đàn heo địa phương.

Tuy nhiên, để chấm dứt tình trạng này cần sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cấp cơ sở trong việc phát hiện, vận động, tuyên truyền người dân thực hiện đúng chủ trương, quy định của Nhà nước.

Tính đến ngày 11/3/2025, cả nước đã xảy ra 68 ổ dịch dịch tả heo Châu Phi tại 20 tỉnh; trong đó, tỉnh Tiền Giang có 4 ổ dịch tại 3 huyện (Gò Công Tây, Chợ Gạo và Châu Thành). Hiện tại, ở Tiền Giang còn 1 ổ dịch tại xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành chưa qua 21 ngày.Để chủ động kiểm soát và ngăn ngừa bùng phát dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp hiệu quả theo văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tăng cường kiểm soát vận chuyển heo và các sản phẩm từ heo theo đúng quy định; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo dịch bệnh, buôn bán, bán chạy, vận chuyển heo bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác heo chết ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Xem thêm
Xây dựng thương hiệu yến Việt: [Bài 3] Chinh phục thị trường tỷ dân

Là quốc gia tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang dần trở thành thị trường 'vàng' cho sản phẩm yến sào Việt Nam.

Nghệ An đặt mục tiêu trên 400 nghìn tấn lương thực vụ hè thu - mùa

Dựa vào tình hình thực tế, ngành nông nghiệp Nghệ An phấn đấu hoàn thành mục tiêu 400.360 tấn lương thực tại vụ hè thu - mùa năm 2025.

Sản xuất cà phê sạch, bền vững

Dự án thúc đẩy sản xuất cà phê bền vững, tập trung quản lý chất thải, nâng cao nhận thức nông dân sau gần 2 năm triển khai đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Ruộng đồng nứt nẻ, nguy cơ hạn hán diện rộng tại Bắc Kạn

Bắc Kạn Nhiều cánh đồng tại tỉnh Bắc Kạn không có nước, mặt đất nứt nẻ, người nông dân không thể trồng cấy, nếu không có mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Bàn giải pháp phát triển nông nghiệp, thủy sản tuần hoàn

KIÊN GIANG Chuyển đổi luân canh lúa – thủy sản, rau màu, biến phụ phẩm thành phân bón hữu cơ, than sinh học bón lại cho đất giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Trà Vinh kiểm soát chặt tàu cá không đủ điều kiện hoạt động

Trà Vinh Đây là một trong những nội dung UBND tỉnh Trà Vinh vừa có văn bản giao Sở Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương triển khai thực hiện.

Quảng Ninh ban hành Chỉ thị mới về bảo vệ rừng

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về tăng cường quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.