Bàn giao tối thiểu 80% mặt bằng trước tháng 12/2026
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 11/2024. Đến nay, Chính phủ đã ban hành 3 Thông báo cuộc họp liên quan đến dự án này. Theo đó, tổng chiều dài tuyến trong phạm vi dự án khoảng 1.541 km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội); điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh), đi qua địa phận 15 tỉnh (sau sắp xếp).

Ông Lê Anh Sơn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Tĩnh. Ảnh: Gia Hưng.
Tại Hà Tĩnh, tổng chiều dài qua địa phương khoảng 103,42 km. Điểm đầu thuộc phường Bắc Hồng Lĩnh, giáp ranh địa phận Nghệ An; điểm cuối thuộc phường Vũng Áng, giáp ranh địa phận tỉnh Quảng Bình (cũ). Trên phạm vi Hà Tĩnh bố trí 3 ga, trong đó 1 ga hàng hóa (đặt tại xã Kỳ Hoa cũ) và 2 ga khách (ga khách Hà Tĩnh đặt tại xã Thạch Đài cũ; ga Vũng Áng đặt tại xã Kỳ Hoa cũ).
Theo ông Lê Anh Sơn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, đây là dự án trọng điểm quốc gia nên sẽ có những cơ chế đặc thù riêng. Trên đoạn tuyến Hà Tĩnh dự án sẽ đi qua 18 xã, phạm vi giải phóng mặt bằng (GPMB) rộng nên UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ chi tiết cho từng sở, ban, ngành và địa phương liên quan nhằm triển khai đồng bộ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với Chủ đầu tư thực hiện dự án. Kế hoạch tỉnh đặt ra đến tháng 12/2026 bàn giao tối thiểu 80% mặt bằng dự án cho chủ đầu tư và hoàn tất toàn bộ khối lượng GPMB trước tháng 12/2027.
Về tiến độ cắm mốc, GPMB, đến nay các cơ quan, đơn vị như: Quân sự, viễn thông, truyền tải điện, cấp nước, điện lực… đã hoàn thành rà soát hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng; các đơn vị cấp huyện trước sắp xếp hoàn thành việc rà soát sơ bộ nhu cầu tái định cư và xác định sơ bộ khối lượng GPMB cần thực hiện của dự án; đồng thời xây dựng sơ bộ phương án bố trí các khu tái định cư.

Rà soát, cắm mốc lộ giới dự án đường sắt tốc độ cao đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Gia Hưng.
“Ban quản lý đường sắt đã giao phạm vi GPMB cho các tỉnh, trong đó có Hà Tĩnh. Việc cắm mốc chúng tôi đang làm theo lộ trình. Vấn đề ngăn chặn người dân xây dựng công trình trong phạm dự án, vừa qua tỉnh đã có chỉ đạo, yêu cầu các địa phương quay phim, chụp ảnh lại hiện trạng các khu dân cư trong phạm vi ảnh hưởng để làm căn cứ, xử lý theo quy định”, ông Sơn thông tin tại buổi họp báo ngày 22/7/2025.
Đồng thời cho biết, đến nay đã có 20/23 xã, phường thành lập Hội đồng bồi thường, GPMB và thành lập Ban Chỉ đạo GPMB cấp xã tại 13/23 đơn vị.
Quy hoạch 35 khu tái định cư
Không chỉ là điểm trung chuyển chiến lược, đường sắt tốc độ cao đoạn tuyến qua Hà Tĩnh còn đóng vai trò đặc biệt trong chiến lược vận tải lưỡng dụng, phục vụ cả mục tiêu dân sinh, quốc phòng và phát triển logistics quốc tế tại khu vực cảng Vũng Áng.
Với tầm quan trọng đó, công tác tuyên truyền để người dân đồng thuận nhường đất phục vụ thi công dự án nhanh, đạt hiệu quả là cực kỳ cần thiết. Các cấp Trung ương, tỉnh Hà Tĩnh sẽ đảm bảo hài hòa lợi ích quốc gia và lợi ích của người dân.

Phường Hà Huy Tập - nơi xây dựng khu tái định cư dự án đường sắt tốc độ cao đầu tiên tại Hà Tĩnh. Ảnh: Gia Hưng.
Trước mắt, để đảm bảo thiết chế hạ tầng, phục vụ sinh sống ổn định cho 1.279 hộ dân tái định cư trên tổng số hộ bị ảnh hưởng dự án khoảng 2.000 hộ, các địa phương đã đề xuất quy hoạch 35 khu tái định cư, với diện tích khoảng 87,4 ha; kinh phí thực hiện dự kiến 1.100 tỷ đồng.
Tỉnh Hà Tĩnh được phép triển khai xây dựng khu tái định cư trên cơ sở thiết kế sơ bộ trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi – cơ chế chưa từng có trong các dự án hạ tầng lớn trước đây. Điều này giúp tiết kiệm thời gian hàng năm cho khâu chuẩn bị đầu tư, góp phần đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa dự án vào khai thác.
“Hiện đã có 20/23 xã, phường hoàn tất rà soát số liệu tái định cư, trong đó khu tái định cư đầu tiên tại phường Hà Huy Tập (quy mô 4,9 ha) dự kiến khởi công vào ngày 19/8/2025. Các khu tái định cư còn lại sẽ khởi công đồng loạt trong tháng 10/2025 và cơ bản hoàn thành trước tháng 6/2026 để kịp bàn giao ít nhất 80% mặt bằng cho chủ đầu tư đúng hạn”, ông Lê Anh Sơn nhấn mạnh.