Thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện phân loại CTRSH, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) tỉnh Trà Vinh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai phân loại CTRSH, gắn việc phân loại CTRSH với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Đồng thời Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng ban hành nhiều văn bản đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện phân loại CTRSH phát sinh từ gia đình, xây dựng phương án thu gom CTRSH sau khi phân loại.

Cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh đang hướng dẫn hội viên cách thức phân loại CTRSH phát sinh. Ảnh: Lê Hùng.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Trà Vinh cho biết: “Với sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban ngành, địa phương tỉnh Trà Vinh, công tác thu gom, phân loại CTRSH bước đầu đã đạt những kết quả tích cực, thể hiện qua việc tỷ lệ hộ dân trên địa bàn tỉnh thực hiện phân loại CTRSH đạt 71,97%. Đồng thời phần lớn người dân đã thuần thục phân loại CTRSH phát sinh hằng ngày thành các loại như chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh, chất thải thực phẩm”.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, các huyện, thị xã, thành phố tỉnh Trà Vinh cũng đã xây dựng cụ thể thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom CTRSH và thông báo rộng rãi đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ dân, cá nhân biết để thực hiện, đảm bảo công tác thu gom, vận chuyển CTRSH sau khi phân loại đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc phân loại CTRSH theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh thường xuyên phối hợp với hội đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân cách thức phân loại CTRSH phát sinh; đồng thời hỗ trợ các thùng, sọt giúp người dân thuận tiện trong việc phân loại CTRSH.
Ông Lê Văn Tú, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Cầu Kè cho hay: Để nâng cao hiệu quả công tác thu gom, phân loại CTRSH, Phòng Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp với hội đoàn thể huyện thực hiện mô hình thu gom, phân loại CTRSH ở các xã, thị trấn và hỗ trợ sọt đựng rác, thùng nhựa ủ chất thải thực phẩm cho hộ dân. Đồng thời nhằm giúp người dân thuận lợi hơn trong việc lưu chứa CTRSH sau khi đã phân loại, huyện Cầu Kè còn lắp đặt khoảng 1.000 thùng chứa rác dọc theo những tuyến đường chính ở các xã, thị trấn.

Để tạo thuận lợi cho người dân bỏ CTRSH sau khi đã phân loại cũng như công tác thu gom, vận chuyển xử lý, tỉnh Trà Vinh đã đặt nhiều thùng chứa rác công cộng dọc theo các tuyến đường chính. Ảnh: Lê Hùng.
Từ đầu năm 2025 đến nay, bà Thạch Thị Vui, ở khóm 6, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè đã tích cực thực hiện phân loại CTRSH. “Hiện nay CTRSH phát sinh hàng ngày tôi đều phân loại và bỏ vào các sọt đựng rác riêng. Đối với chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế được như giấy, chai nhựa tôi gom lại bán phế liệu, còn chất thải rau, củ, trái cây tôi bỏ vào thùng nhựa ủ để làm phân bón cho cây trồng”- bà Vui cho hay.
Để góp phần nâng cao tỷ lệ hộ dân trên địa bàn tỉnh Trà Vinh thực hiện phân loại CTRSH, hiện nay huyện Cầu Kè cũng như các địa phương khác trong tỉnh đang tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết của việc phân loại CTRSH, nhân rộng mô hình thu gom, phân loại CTRSH ra các khu, cụm dân cư, góp phần tạo cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp.