
Họa sĩ Hồ Minh Quân vừa có chuyến ra thăm Trường Sa lần thứ 3.
Họa sĩ Hồ Minh Quân có dịp ra thăm Trường Sa lần đầu tiên vào năm 2013. Chuyến đi ấy giúp ông có tác phẩm được giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam. Năm 2022, họa sĩ Hồ Minh Quân có dịp ra thăm Trường Sa lần thứ hai. Và mới đây, họa sĩ Hồ Minh Quân lại may mắn được trở lại Trường Sa.
Có lẽ, trong giới văn học nghệ thuật, họa sĩ Hồ Minh Quân là một trong số ít những người có đến 3 lần ra thăm Trường Sa. Tranh của ông khắc họa hình ảnh người chiến sĩ trong công tác tuần tra, huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ canh giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, và cả những sinh hoạt, cảm xúc đời thường:

"Tạm biệt đất liền".

"Nơi đầu sóng".

Vì chủ quyền thiêng liêng.

"Những cây phong ba".

"Người lính trên đảo Trường Sa Lớn".

"Giữa đại dương mang tình thương quê nhà".

"Trường Sa tuyến đầu Tổ quốc".
Họa sĩ Hồ Minh Quân chia sẻ: "Kỷ niệm khó quên nhất của tôi là khi đặt chân đến đảo Nam Yết. Ở đây đoàn chúng tôi được một sĩ quan trên đảo dẫn đến thăm 4 ngôi mộ, nhìn lên tấm bia sơ sài có ghi tên các chiến sĩ đã hy sinh lúc 19 tuổi. Tôi lặng người cúi xuống thắp hương cho các cháu, ngẩng lên thấy mọi người xung quanh đang khóc. Tôi hỏi một sĩ quan, tại sao các cháu hy sinh? Đồng chí trả lời: “Có trường hợp đang đứng gác ban đêm thì đột quỵ, vì ở đây gió rất mạnh và rất lạnh”. Tim tôi thắt lại, và tôi đã vẽ như một sự đáp đền”.

"Vững vàng trước trùng khơi".
Mỗi chuyến đi Trường Sa, họa sĩ Hồ Minh Quân sáng tác hơn 10 tác phẩm. Tổng cộng 30 tác phẩm sau 3 lần ra thăm Trường Sa, được họa sĩ Hồ Minh Quân dự kiến tổ chức một triển lãm cá nhân để bày tỏ tấm lòng yêu thương với biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

"Sức mạnh tiềm ẩn".
Họa sĩ Hồ Minh Quân cho rằng: “Hội họa Việt Nam hiện nay đang trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Rất nhiều họa sĩ tìm tòi thể nghiệm cái mới, trau chuốt, định hình phong cách của mình. Các tác phẩm ngày càng phong phú về cách thể hiện, đa dạng về chất liệu, đầu tư có chiều sâu… Quan niệm của tôi là đổi mới, nhưng không phải lai căng, sao chép phong cách của nước ngoài. Đổi mới ở đây chính là cách nhìn mới, lối thể hiện mới của mỗi cá nhân nghệ sĩ nhưng vẫn kế thừa tính dân tộc”.