Sản phẩm sinh học đang thay đổi khái niệm về rác thải. Phần thực phẩm dư có thể trở thành vật liệu cách nhiệt, bã củ cải đường biến hóa thành sợi nylon chất lượng cao, hay lông gà thải được tái chế thành khay ươm hạt phân hủy sinh học. Triết lý này giúp biến chất thải thành nguồn nguyên liệu mới cho công nghiệp xây dựng, bao bì, mỹ phẩm đến nông nghiệp.
Trong số các dự án được Sáng kiến CBE Joint Undertaking (CBE JU) hỗ trợ, dẫn đầu là dự án EFFECTIVE tại Slovenia, phát triển nylon sinh học hoàn toàn từ bã củ cải, phế liệu gỗ và rơm, hiện đã ứng dụng rộng rãi trong đồ bơi, đồ thể thao, thảm trải sàn...
Ở Italy, FIRST2RUN hợp tác với nông dân trồng cây cúc gai trên đất cằn, sản xuất túi mua sắm phân hủy sinh học và phục hồi đất nông nghiệp địa phương. Sáng kiến này không chỉ đưa sản phẩm mới ra thị trường mà còn hồi sinh vùng đất khô cằn của Sardinia và tạo ra một mô hình sản xuất khép kín có lợi cho nông nghiệp địa phương và giảm tác động đến môi trường.

Rác thải nông nghiệp như bã củ cải đường, lông gà hay thực phẩm dư thừa được tái chế thành sợi nylon, vật liệu cách nhiệt và khay ươm hạt phân hủy sinh học, góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn xanh. Ảnh minh họa.
Dự án PEFerence tại Hà Lan xây dựng nhà máy lọc sinh học chuyển hóa phế phụ phẩm nông nghiệp thành nhựa sinh học cho chai lọ, màng phim, sợi vải, với nhiều tính năng vượt trội so với nhựa truyền thống. Dự án PLENITUDE dùng lúa mỳ thừa sản xuất protein nấm thay thế thịt, giảm mạnh phát thải carbon và lượng nước sử dụng so với chăn nuôi thông thường.
Dự án SCALE đã xây dựng nhà máy tinh chế sinh học tảo siêu nhỏ tích hợp đầu tiên trên thế giới tại Pháp, sản xuất các thành phần tự nhiên cho nhiều loại sản phẩm, từ thực phẩm bổ sung đến mỹ phẩm. Trong khi đó, UNLOCK đang chuyển đổi 3,6 triệu tấn chất thải lông gia cầm của châu Âu thành khay hạt giống làm giàu đất và các sản phẩm nông nghiệp phân hủy sinh học.
Dự án WASTE2FUNC đã lấy các dòng phụ từ trái cây, rau và thực phẩm bị loại bỏ và biến chúng thành nhựa sinh học và các sản phẩm làm sạch hữu cơ.
Bằng cách giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên hóa thạch và tạo ra các hệ thống tuần hoàn, các sáng kiến do CBE JU hỗ trợ đang giúp xây dựng một tương lai bền vững và thân thiện với môi trường hơn.