Đồng lòng vì giấc mơ an cư
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã được tỉnh Sơn La xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2025.
Ngay từ những ngày đầu năm, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được kiện toàn, kế hoạch triển khai cụ thể được gửi đến từng huyện, từng xã, từng bản. Cả hệ thống chính trị của tỉnh được kích hoạt, từ cấp ủy, chính quyền đến Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, với một tinh thần thống nhất và quyết tâm cao độ: Không để ai bị bỏ lại phía sau!

Tỉnh Sơn La họp Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Nguyễn Nga.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La đã tăng cường lãnh đạo toàn diện, phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong từng khâu thực hiện. Những thông điệp về tính nhân văn của chương trình đã chạm tới từng cán bộ, đảng viên, từng tổ chức, doanh nghiệp và người dân, khơi dậy sự đồng thuận và chung tay của cả cộng đồng.
Đặc biệt, tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định áp dụng mẫu thiết kế nhà ở phù hợp với điều kiện thực tế; thành lập 11 đoàn công tác kiểm tra, giám sát tại 10 huyện, thành phố. Chủ động lồng ghép, khai thác hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu của Trung ương và của tỉnh; đẩy mạnh vận động, huy động xã hội hóa để hỗ trợ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.
Từ những bản làng biên giới mù sương đến những thửa ruộng bậc thang uốn lượn theo triền núi, từng mảnh đời khó khăn đã được rà soát kỹ càng, thẩm định công khai, minh bạch với sự tham gia giám sát của cộng đồng dân cư và các tổ chức chính trị – xã hội. Mỗi căn nhà được xây dựng không chỉ là một công trình vật chất, mà còn là kết quả của sự đồng lòng, lắng nghe chân thành, sự sát cánh nghĩa tình giữa chính quyền và người dân.

Lãnh đạo huyện Bắc Yên lắng nghe chia sẻ của người dân trong quá trình triển khai chương trình xóa nhà tạm. Ảnh: Nguyễn Nga.
Không làm theo phong trào, không chạy theo thành tích, chương trình được thực hiện với phương châm “làm đến đâu chắc đến đó”, đặt cuộc sống thực tế và nguyện vọng của người dân làm trung tâm. Ở những bản làng còn thiếu nhân lực, các tổ chức đoàn thể đã không quản ngại khó khăn, đến tận nơi giúp bà con dựng nhà. Nơi những con đường núi cheo leo, hiểm trở, bà con đã tự nguyện gùi từng bao xi măng, từng viên gạch. Những mái nhà ấm áp dần hiện lên, mang đậm tình người, từ trái tim của cả cộng đồng.
Những con số của niềm tin
Năm 2025, qua rà soát, Sơn La có hơn 3.000 hộ có nhu cầu được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, trong đó có hơn 2.600 nhà xây mới và hơn 400 nhà sửa chữa. Theo quy định, mức hỗ trợ xây mới là 60 triệu đồng/hộ, sửa chữa là 30 triệu đồng/hộ; đảm bảo các ngôi nhà đều đạt tiêu chí "3 cứng" (nền cứng, khung cứng và mái cứng).
Linh hoạt, sáng tạo trong cách triển khai, những địa phương như Mộc Châu, Bắc Yên, Mường La, Phù Yên… đã chủ động rà soát, cập nhật nhu cầu phát sinh để không hộ nào bị bỏ sót. Với những hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không đủ khả năng tài chính ban đầu, chính quyền xã đã chủ động ứng trước kinh phí mua vật liệu xây dựng, tạo điều kiện để các hộ có thể xây nhà ngay và hoàn trả sau khi nhận được tiền hỗ trợ.

Lãnh đạo huyện Yên Châu kiểm tra tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện. Ảnh: Thanh Thủy.
Từ tổ dân phố đến từng bản làng, hàng nghìn ngày công đã được đóng góp; những tổ xây dựng tình nguyện được thành lập, những phong trào “ai có công góp công, ai có của góp của” lan rộng. Có nơi, chi phí xây dựng được tiết giảm đến một nửa nhờ tận dụng vật liệu tại chỗ và tinh thần sẻ chia của cộng đồng.
Không chỉ dừng lại ở chuyện xây nhà, công tác hỗ trợ sau khi dựng nhà cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Cán bộ được cử đến từng hộ dân hướng dẫn kê khai, làm thủ tục đất đai, hỗ trợ vay vốn chính sách nếu cần. Từng bước, người dân được tiếp cận các dịch vụ an sinh, từ bảo hiểm xã hội tự nguyện, đào tạo nghề đến chuyển đổi mô hình sinh kế.
Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành 100% kế hoạch, vượt tiến độ gần 6 tháng so với yêu cầu của Chính phủ. Kết quả này không chỉ là con số, mà là minh chứng cho sự vào cuộc quyết liệt, cách làm bài bản và tinh thần trách nhiệm cao nhất từ tỉnh đến cơ sở. Tổng kinh phí huy động được hơn 210 tỷ đồng, từ Chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn tiết kiệm chi ngân sách các cấp, sự chung tay của tỉnh bạn Đồng Nai và các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh.
Nơi viết tiếp những giấc mơ
Khi những mái ấm mới được dựng xây, đó chỉ là sự khởi đầu cho một hành trình mới, một cuộc sống ổn định hơn, vững vàng hơn, và đầy hy vọng. Để niềm vui an cư thực sự đơm hoa kết trái, cần có sự tiếp sức bền bỉ từ chính quyền, đoàn thể và cộng đồng.
Tỉnh Sơn La đã giao các địa phương tiếp tục đồng hành cùng người dân. Những buổi sinh hoạt cộng đồng ấm áp, cởi mở sẽ trở thành không gian để sẻ chia kinh nghiệm làm ăn, lan tỏa tinh thần tự lực, khơi dậy ý chí vươn lên của bà con, tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại. Cùng với đó, những nội dung về xây dựng nếp sống văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường, phát triển kinh tế hộ gia đình cũng được lồng ghép trong các buổi họp bản, chi bộ, tổ dân phố.

Sự quan tâm, đồng hành của chính quyền địa phương đã tiếp thêm động lực cho các gia đình sau khi an cư. Ảnh: Nguyễn Nga.
Cán bộ cơ sở, những người gần dân nhất, cần trở thành cầu nối tin cậy, đồng hành cùng người dân trong việc ổn định đời sống, sử dụng hiệu quả ngôi nhà mới và định hướng phát triển sinh kế. Các ngành, các cấp cũng được giao nhiệm vụ tham mưu ban hành chính sách thiết thực như: Đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn, tiếp cận y tế, giáo dục… để người dân không chỉ có nơi ở, mà có thêm động lực thoát nghèo bền vững.
Sơn La không chỉ dừng lại ở việc “xóa cái cũ”, mà còn hướng tới “xây cái mới”, xây dựng một nền tảng sống chất lượng hơn, bền vững hơn cho người dân. Mỗi mái nhà mới dựng lên là điểm khởi đầu cho một hành trình mới, hành trình của những vùng quê đổi mới từng ngày trong xây dựng nông thôn mới toàn diện, thực chất.
Ngày 15/5 vừa qua, Sơn La chính thức công bố hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn tỉnh. Đây là một dấu mốc quan trọng, là biểu tượng cho một chủ trương đúng, một cách làm bài bản và sự chung sức đồng lòng từ cơ sở đến nhân dân.

Những mái ấm mới được dựng xây, là điểm bắt đầu cho một cuộc sống ổn định, vững vàng và đầy hy vọng. Ảnh: Nguyễn Nga.
Từ những ngọn đèn dầu le lói trong đêm núi, nay đã bừng sáng ánh điện trong những ngôi nhà mới. Từ những nụ cười còn in hằn nhọc nhằn, nay rạng rỡ niềm an yên trong những mái ấm nghĩa tình. Hành trình xóa nhà tạm ở Sơn La đã và đang viết nên một bản hùng ca tuyệt đẹp, về tình đoàn kết, sự chung sức đồng lòng, nơi ý Đảng hòa cùng lòng dân, và về khát vọng vươn lên không ngừng nghỉ.
Giấc mơ an cư đã thành hình. Và từ đó, những giấc mơ khác đang tiếp tục bắt đầu.
Ông Hoàng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Sơn La, khẳng định: Chủ trương hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách là một chính sách nhân văn, thể hiện tinh thần ‘không để ai bị bỏ lại phía sau’ của Đảng và Nhà nước. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, từ đầu năm đến nay, Sơn La đã hỗ trợ xóa được khoảng 3.000 nhà tạm, nhà dột nát, ổn định đời sống cho hàng nghìn hộ dân.