Việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án xử lý, tái chế chất thải thạch cao phospho tại Nhà máy DAP - Đình Vũ là yêu cầu cấp bách… Bên cạnh đó, đây còn là giải pháp chiến lược nhằm hướng tới kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Chất thải Gyps tại Hải Phòng: Nguy cơ ô nhiễm kéo dài nếu không sớm xử lý
Từ quá trình sản xuất phân bón DAP, mỗi năm Việt Nam phát sinh hàng triệu tấn bã thải thạch cao phospho (Gyps), riêng tại Nhà máy DAP – Đình Vũ (Hải Phòng) đã vượt ngưỡng 4 triệu tấn. Loại chất thải này chứa nhiều tạp chất nguy hại như axit, fluor, kim loại nặng… nếu không được xử lý sẽ gây ô nhiễm lâu dài cho đất, nước, không khí và đe dọa đến sức khỏe cộng đồng.

Dự án hoàn thiện công nghệ xử lý bã thải thạch cao phospho của Nhà máy phân bón DAP - Đình Vũ được đánh giá nghiệm thu tháng 1/2025.
Quỹ đất chứa thải ngày càng hạn hẹp, trong khi chi phí xử lý không ngừng gia tăng, khiến bài toán môi trường càng trở nên cấp thiết. Giải pháp căn cơ được đặt ra là cần sớm tái chế, biến loại chất thải này thành tài nguyên sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng, qua đó giải phóng diện tích lưu chứa và hạn chế phát tán ô nhiễm ra môi trường.
Việc xử lý triệt để bã Gyps không chỉ là yêu cầu kỹ thuật, mà còn thể hiện lựa chọn chính sách chiến lược của các địa phương trong tiến trình hiện đại hóa ngành công nghiệp và thực hiện cam kết giảm phát thải carbon.
Tăng cường liên kết giữa DAP Vinachem và Đình Vũ Xanh trong xử lý chất thải thạch cao
Trước thực trạng đó, UBND TP Hải Phòng, Sở Khoa học Công nghệ TP Hải Phòng đã giao cho Viện Vật liệu xây dựng (thuộc Bộ Xây dựng), Công ty cổ phần DAP Vinachem, Công ty cổ phần Định Vũ Xanh thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm: “Hoàn thiện công nghệ xử lý bã thải thạch cao phospho của Nhà máy phân bón DAP - Đình Vũ sản xuất phụ gia xi măng, vật liệu làm nền và móng đường giao thông, vật liệu san lấp công trình xây dựng”.
Điểm đặc biệt của dự án là áp dụng công nghệ xử lý hiện đại để loại bỏ tạp chất, tận dụng thành phần CaSO₄ trong bã Gyps để làm nguyên liệu phụ gia cho sản xuất xi măng, nền móng hạ tầng và vật liệu san lấp - những lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn.
Dự án không chỉ có ý nghĩa môi trường mà còn mang tính đột phá về kinh tế bởi biến một loại chất thải “đau đầu” thành tài nguyên đầu vào cho các ngành xây dựng và giao thông. Đây chính là tinh thần cốt lõi của kinh tế tuần hoàn: tái sử dụng tài nguyên, giảm thiểu chất thải, góp phần giảm áp lực lên tài nguyên thiên nhiên và hệ thống quản lý chất thải quốc gia.

Thiết bị xử lý bãi thải thạch cao phospho Đình Vũ.
Đáng chú ý, Công ty CP DAP - Vinachem (đơn vị chủ quản Nhà máy DAP Đình Vũ) và Công ty CP Định Vũ Xanh là hai đơn vị đối ứng tích cực đồng hành triển khai dự án này. Không chỉ dừng ở việc cung cấp hiện trường và dữ liệu thực tế, hai doanh nghiệp còn đầu tư nguồn lực, máy móc, thiết bị và kinh phí hỗ trợ nghiên cứu - thí nghiệm - lắp đặt hệ thống dây chuyền thiết bị tự động hóa và đồng bộ với công suất xử lý 30 tấn bã thải thạch cao/giờ.
Đây được xem là bước đi thể hiện tư duy chuyển đổi mạnh mẽ kết hợp giữa KHCN và các doanh nghiệp sản xuất - từ việc “né tránh” chất thải sang chủ động đầu tư cho tái chế, tiến tới chu trình khép kín trong sản xuất. Sự hợp tác hiệu quả, lâu dài giữa hai đơn vị không chỉ góp phần giải quyết bài toán môi trường, giảm thiểu tồn lưu bã thải nguy hại, mà còn thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất phân bón tại khu vực phía Bắc.
Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Lưu Thị Hồng - Phó Viện trưởng, Viện Vật liệu xây dựng, chủ nhiệm dự án cho hay: “Công nghệ xử lý bã thải Gyps mà Viện Vật liệu xây dựng là một bước tiến quan trọng trong việc tái chế và sử dụng nguồn tài nguyên này một cách hiệu quả. Với việc áp dụng công nghệ trộn khô, chúng tôi có thể chuyển các tạp chất có hại trong bã thải như axit, florua và các kim loại nặng thành các khoáng chất không tan hoặc ít tan vào môi trường, đặc biệt sản phẩm phụ gia cho xi măng có hoạt tính tốt với thành phần xi măng. Các sản phẩm san lấp và làm nền đường giao thông được tạo hạt không gây bụi mịn trong quá trình thi công tại công trường”.

Tiến sĩ Lưu Thị Hồng - Phó Viện trưởng, Viện Vật liệu xây dựng, chủ nhiệm dự án
Trong bối cảnh thành phố Hải Phòng đang hướng tới phát triển xanh - sạch - hiện đại, việc sớm tháo gỡ vướng mắc về thủ tục, quỹ đất và cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết để dự án đi vào hoạt động hiệu quả, mang lại giá trị thiết thực về kinh tế, môi trường và sức khỏe cộng đồng.